# Tôi đi đẻ: Mẹ Bánh Mỳ chia sẻ kinh nghiệm sinh con tại Bệnh viện Hồng Ngọc "đáng đồng tiền bát gạo"

Vừa trải qua ca sinh nở tại Bệnh viện Hồng Ngọc hồi đầu năm, mẹ Bánh Mỳ đã có những chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm sinh con tại đây.

Thông tin nhân vật:

Tên mẹ: Võ Kiều Khanh

Ngày sinh:2/9/1992

Địa chỉ: Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội

Tên bé: Phạm Minh Quang

Ngày sinh: 18/1/2017

Tên ở nhà: Bánh Mỳ

Trước cả khi mang thai, mình đã từng tìm hiểu rất nhiều về vấn đề sinh con và cực kỳ quan tâm đến review của các bà mẹ khác về các bệnh viện. Đến khi thực sự mang thai, mình quan niệm rằng cả đời đẻ nhiều lắm cũng chỉ 2 lần nên để mẹ khỏe, con khỏe mình quyết định đầu tư tìm nơi dịch vụ tốt để sinh con. Tại Hà Nội, thời điểm đó, mình phân vân giữa Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec và bệnh viện Việt Pháp. Đến khoảng tuần thứ 28 khi theo dõi thai kỳ ở các phòng khám tư không có dấu hiệu gì bất thường, cộng thêm sức khoẻ thời kỳ mang thai tính đến thời điểm đó của mình rất ổn nên sau khi cân đối chi phí mình lựa chọn Bệnh viện Hồng Ngọc để sinh con lần đầu.

Tại sao lại là bệnh viện Hồng Ngọc mà không phải Vinmec hay Việt Pháp?

Câu trả lời duy nhất là vấn đề chi phí. Do lần mang thai này mình chưa kịp mua bảo hiểm thai sản nên 100% chi phí sẽ tự túc toàn bộ (bảo hiểm y tế tự nguyện chi trả không đáng kể, vài trăm nghìn thôi các mẹ ạ). Sau khi tìm hiểu mình thấy chi phí sinh tại Hồng Ngọc phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình vì nếu đẻ thường chi phí nếu có phát sinh tối đa áng chừng khoảng 25 triệu, sinh mổ 35-37 triệu. Trong khi đó, nếu sinh tại Vinmec hay Việt Pháp thì chi phí sinh thường tại đó đã bằng chi phí sinh mổ tại Hồng Ngọc. Chốt được mức chi phí bỏ ra và lựa chọn, cộng thêm có hỏi han một vài mẹ cũng từng sinh tại bênh viện Hồng Ngọc nên mình yên tâm tới đăng ký làm hồ sơ sinh luôn.

Lưu ý khi làm hợp đồng sinh con tại bệnh viện Hồng Ngọc

Nếu có thời gian các mẹ nên tham gia các lớp học tiền sản tổ chức bởi Bệnh viện Hồng Ngọc tại trụ sở chính của Bệnh viện tại 55 Yên Ninh hoặc Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc tại Keangnam. Khi tham gia, ngoài các kiến thức giúp các mẹ tự tin hơn để chăm sóc con sau này, biết cách rặn trong phòng đẻ thì còn có cơ hội nhận được quà tặng, quà tặng giá trị nhất có thể nhận được là VOUCHER GIẢM GIÁ KHI SINH tại bệnh viện. Mình rất tiếc vì hồi đó tới bệnh viện làm hợp đồng xong xuôi hết rồi, mấy tuần sau học tiền sản ở Keangnam trúng được voucher giảm giá 20% dịch vụ sinh tại bệnh viện mà không dùng được, do voucher chỉ áp dụng cho hợp đồng ký từ thời điểm voucher được tặng thôi. 

Ngoài ra 1 cách nữa để được giảm ngay 10% khi ký hợp đồng sinh tại Hồng Ngọc là nếu bạn chưa từng thăm khám/sử dụng dịch vụ tại bệnh viện mà lại có người quen/người thân từng sinh tại đó. Khi làm hợp đồng bạn nhân viên sale sẽ hỏi bạn những điều này, chỉ cần đọc họ tên + số điện thoại của người bạn quen, phía bệnh viện check lại thông tin trên hệ thống rồi check xem có đúng bạn được giới thiệu bởi người đó không bằng cách gọi điện xác nhận với số điện thoại kia là được. 

Vì thai kỳ khỏe mạnh không có vấn đề gì nên mình đăng ký gói sinh thường giá niêm yết website thời điểm đó là 19,2 triệu. Gói sinh con trọn gói có quyền lợi gồm theo dõi thai kỳ từ tuần thứ 28 với số lần siêu âm 3D, siêu âm màu 4D giới hạn, thăm khám không giới hạn và tiền giường tiền phòng lưu viện 1 ngày cho đẻ thường.  Xong xuôi thủ tục hợp đồng thì đặt cọc 10 triệu, số còn lại và các khoản phát sinh (nếu có) sẽ thanh toán khi bạn sinh xong và làm thủ tục xuất viện. Mình là người cẩn thận nên trước khi đặt bút ký cũng có lưu tâm trong hợp đồng có điều khoản: trường hợp gần sinh thai kỳ có phát sinh bất thường cần chuyển viện hoặc có chỉ định chuyển viện bởi bác sĩ của Bệnh viện Hồng Ngọc thì sẽ được hoàn tiền (tiền hoàn lại là 10 triệu trừ đi chi phí các lần siêu âm, khám tính theo giá khám lẻ tại viện).

Trải nghiệm

Khi tới làm hợp đồng sinh ở bênh viện thì mình đã ở tuần thứ 32.

Theo dõi khám định kỳ có thể đăng ký qua Phòng khám ở Keangnam hoặc 55 Yên Ninh (khi sinh bệnh viện chỉ nhận sinh duy nhất tại trụ sở chính 55 Yên Ninh). Khám ở Hồng Ngọc tuy không đông như ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Phụ sản Trung Ương nhưng nếu đi khám vào thứ 7, chủ nhật thì cũng sẽ rất đông và phải đợi khá lâu. Nếu bạn bắt buộc đi vào cuối tuần thì nên gọi điện đặt hẹn lịch với bác sĩ bạn chọn và tới đúng giờ hẹn sẽ tránh được phải chờ lâu. Nếu bạn có thời gian rảnh rỗi thì cứ đi ngày thường vừa nhanh vừa thong thả. Mỗi buổi tới khám và xét nghiệm bà bầu đều được phát kèm một phiếu ăn sử dụng tại canteen bệnh viện.

Mình thường khám và trong khi đợi kết quả thử máu, nước tiểu sẽ xuống canteen ăn uống luôn đỡ bị cảm giác chờ đợi, vì vậy mà cảm thấy khá thoải mái. Bác sĩ ở bệnh viện hẹn tái khám hơi dày nên ở những lần khám cuối mình bị hết số lượt siêu âm miễn phí trong gói mua sinh con thì phải thanh toán thêm ngay lúc đó. Những ngày đầu tới đây khám mình có ấn tượng rất tốt bởi dịch vụ chăm sóc khách hang bởi chuẩn bị tới lịch hẹn khám đều có nhân viên của phòng chăm sóc khách hàng gọi điện nhắc lịch, hỏi có cần trợ giúp gì không, đăng ký khám ai. Có nhân viên gọi rồi mà sau đó bệnh viện vẫn có cả tin nhắn nhắc lịch tái khám nữa, chính vì thế mà mình đi khám rất chăm chỉ, đúng hẹn. Theo kinh nghiệm của mình thì nếu bạn thấy ổn, con khỏe có thể trao đổi với bác sĩ mỗi lần khám có nhất thiết hẹn lịch khám dày vậy không để đỡ mất công đi lại nhiều và phát sinh tiền siêu âm về sau.

Hành trang đi đẻ của mình rất gọn nhẹ, các bạn y tá dặn quan trọng nhất là photo sổ hộ khẩu của mẹ để nộp cho quầy lễ tân và 1 bộ quần áo cho mẹ, 1 bộ cho bé mặc khi ra viện về nhà thôi. Bỉm cho mẹ, bỉm cho bé, quần áo cho bé, máy hút sữa, bình sữa, máy hâm sữa… bệnh viện sẽ cho mượn hết.

Dấu hiệu chuyển dạ của mình xuất hiện sớm. Dự kiến sinh 15/1/2017. Ngày 14/1 thấy máu nâu, có cơn gò, thi thoảng đau lâm râm từng cơn, qua bệnh viện khám được cho về hẹn 16 quay lại. Sáng 16/1 khám sớm vì đau tăng, bác sĩ kiểm tra khám trong xong hẹn chiều tối quay lại kiểm tra và nói chuẩn bị tinh thần nhập viện. Mình nhập viện lúc 6h tối ngày 16/1/2017, sớm 2 ngày rồi mới sinh vào ngày 18/1.

Quá trình khám định kỳ các mẹ sẽ được nằm đo monitoring ở phòng máy ngay tầng 13. Phòng đó khi nhập viện cũng chính là phòng chờ sinh cho các mẹ luôn. Phòng chờ sinh tập trung máy đo monitoring của bệnh viện, nhà vệ sinh khép kín, có bồn tắm đứng, sạch sẽ… nên nếu muốn có thể tắm gội ngay tại phòng trước khi sinh được. Phòng chờ sinh có tất cả 5 giường, ban ngày các mẹ tới khám thai chạy monitoring sẽ nằm chung với các mẹ đang nằm chờ sinh như mình.

Mình nằm 2 đêm ở phòng chờ sinh tới rạng sáng ngày thứ 2 mới vỡ ối và được chuyển vào phòng sinh. Cơn đau của mình thưa 10 phút/cơn gò và mất 2 ngày chỉ để xóa mở cổ tử cung nên nằm lại viện theo dõi rất vật vã, ngủ không được mà ăn cũng không thiết vì chuẩn bị đưa miếng cơm vào miệng là lại tới cơn gò tiếp theo. Nằm chung phòng chứng kiến các mẹ nhập viện sau mà lại vào phòng sinh trước cảm giác rất sốt ruột và chán nản. Ban đêm ở phòng chờ sinh tắt điện đi ngủ thì có mẹ đêm vào nhập viện lại cũng vào đo monitoring, tuy không phải nhiều lần nhưng với mình thì lại lục đục tiếng máy móc nên càng khó ngủ, thấy phiền. Hi vọng trong tương lai khi cơ sở vật chất tại cơ sở Yên Ninh được nâng cấp, không gian rộng rãi hơn thì sẽ có phòng chờ sinh riêng cho các mẹ được không gian nghỉ ngơi tốt nhất có thể.

Nói tiếp từ lúc nhập viện trời đã tối, mình ăn cơm bệnh viện được chuyển lên tận giường. Cơm canh ở Hồng Ngọc không phải xuất sắc, ăn tạm được và nhìn sạch sẽ. Chồng mình ăn tối ở nhà rồi qua viện chơi với mình cho đỡ buồn. Khoảng 9-10h tối bà bầu có thêm suất cháo thịt của bệnh viện cũng được chuyển lên tận phòng. Các bạn y tá trực sẽ định kỳ kiểm tra tim thai, cơn gò và các bác sĩ trực cũng sẽ khám, khám trong định kỳ nên mình cũng yên tâm. Sau khi thay quần áo bệnh viện bà bầu không được ra khỏi tầng 13 nên hai vợ chồng không đưa nhau đi lượn phố cho đỡ buồn được. Đến tối tầng 13 bệnh viện vắng chỉ có vài người ở lại trực và 2-3 bà bầu cùng chồng như mình dắt nhau đi bộ quanh quẩn hành lang cho nhanh đẻ. Giờ ăn đêm mình ăn cháo, chồng mình ra sảnh chính cũng ở tầng 13 ăn mì tôm với mấy anh chồng khác và vài anh bảo vệ nhìn cảnh xì xụp vui mắt lắm. Đêm đó chồng không ở lại vì bác sĩ bảo đêm nay chưa sinh được đâu. Đi sinh ở đây có chồng hay mẹ đi cùng chỉ giải quyết vấn đề tâm lý thôi nên các mẹ cứ mạnh dạn cho chồng về nghỉ ngơi nếu rơi vào hoàn cảnh như mình.

Sang ngày hôm sau thì vẫn quanh quẩn chạy monitoring, khám trong, cơm canh 3 bữa, cơn đau dày lên mệt mỏi lắm nhưng cổ tử cung vẫn chỉ đang xóa mở. Sáng 8h bác sĩ đi 1 lượt khám rồi check hồ sơ bà bầu xem tình trạng ra sao. Cả ngày hôm đó thì mình vẫn vật vã ở viện và đến rạng sáng hôm sau 4h đang đi lại trong phòng chờ sinh thì nước ối ào ra. Tinh thần lúc ấy không tốt vì mệt mỏi do đợi sinh đã quá lâu nên bắt đầu khóc lóc rên rỉ. Mình vỡ ối ướt hết ga đệm và váy nên vào nhà tắm tắm nước ấm qua loa rồi thay quần áo, chồng an ủi nhắc đừng khóc để không mất sức, mất tinh thần. Bệnh viện có nhân viên vệ sinh tới thay ga giường dọn dẹp tinh tươm ngay lập tức, bạn y tá trực nắm được tình hình của mình và báo bác sĩ. Thay quần áo xong mình vào phòng khám bác sĩ kiểm tra: xóa mở xong, mở 1 phân, mừng rơi nước mắt! Sau đó là quá trình về lại phòng chờ sinh đánh răng rửa mặt đi lại đợi cơn co dồn dập hơn, trời bắt đầu sáng. Do đã nằm viện chứng kiến nhiều mẹ nhập viện sau mà gặp con trước mình lâu rồi nên khi vỡ ối mình thực sự rất mừng và hồi hộp, cảm giác sắp được bước vào phòng sinh ở cuối hành lang tầng 13 quả là giây phút ước ao. Loanh quanh vệ sinh cá nhân đón ngày mới xong thì bạn y tá đã nhắc ăn sáng, bếp chuyển lên bát cháo thịt ăn còn có sức đẻ. Từ hôm nhập viện mình không còn cảm giác muốn ăn, thèm ăn, thi thoảng hút hộp sữa cố gắng giữ sức cho nhanh thôi. Nhìn bát cháo đầy ngao ngán đành ăn câu giờ, cơn đau thì tăng dần nên mình bảo y tá báo bác sĩ cho mình vào phòng sinh tiêm giảm đau. Thời điểm đó chỉ đau đáu được bước vào phòng sinh vì mình nghĩ sẽ được tiêm giảm đau, được kích đẻ và mau chóng sinh em bé, kết thúc đau đớn kéo dài lê thê 3 ngày trời quá mất sức và chán nản. Tầm 7 rưỡi sáng thì bác sĩ gọi mình vào phòng siêu âm để kiểm tra thai do trước đó bác sĩ khám hỏi lại mình vẫn nói mong muốn sinh thường. Bác sĩ lại siêu âm và có nói gì đó về “giãn bể thận, theo dõi kỹ cô này nhé” với bác sĩ trực khám. Về lại phòng chờ sinh một lát thì mình quay lại khám trong, mở 4 phân và bác sĩ thông báo được vào phòng sinh, cảm giác lúc đó vừa vui vừa tủi vì vào đó là chồng phải ở lại bên ngoài đợi rồi.

Vào phòng sinh nhìn quanh bao nhiêu dụng cụ mình lo lắng lắm. Trong đó các bạn y tá tầm 2-3 người mỗi người 1 việc đang chuẩn bị cho ca của mình. Nhìn mắt thường thì thấy dụng cụ được vệ sinh sạch sẽ,ga trải các loại thay mới. Phòng có 2 bản đẻ đặt song song, bác sĩ trực khám khiến mình rất ấn tượng vì cực kì ân cần. Mình còn bát cháo ăn dở được chuyển vào mới được làm nóng lại mà không muốn ăn. Bác sĩ còn bón cho mình ăn vì mình phải ngồi trên bàn đẻ tay vướng truyền. Mình khát nước y tá lấy nước cắm ống hút mang tận nơi. Ăn uống xong thì mình nhớ ra chưa được “thụt” như các mẹ vẫn được làm trước khi vào phòng sinh. Vậy là được y tá trong phòng giúp làm luôn ngay trên bàn đẻ, xong xuôi mình nằm sang giường còn lại để vệ sinh tiệt trùng bàn vừa rồi.

Mũi gây tê màng cứng thần thánh trong tưởng tượng của mình giúp giảm đau đáng kể nên khi vào phòng sinh mình liên tục nhắc bác sĩ, y tá kiểm tra xem bao giờ thì tiêm giảm đau, càng sớm càng tốt nhé. Nhưng thời gian mình loanh quanh được đo tim thai, ăn uống, thụt rửa, tiêm giảm đau vào đùi  là đã tới 9 rưỡi, bác sĩ kiểm tra mình mở gần như 10 phân rồi. Bác sĩ giải thích do mình mở rất nhanh và có vẻ không đau vật vã nên không cần tới gây tê màng cứng. Mình được khuyến khích đứng dậy đi lại để đầu con xuống nhanh. Cảm giác đau tăng dồn dập, buồn rặn và tức tức thật sự khó chịu nhưng mà chịu mãi rồi cũng quen! Mình cứ loanh quanh đứng lên ngồi xuống bàn đẻ để đợi bác sĩ đỡ của mình bảo rặn là rặn thôi. Y tá và bác sĩ trong kíp đẻ của mình lên tới khoảng 10 người. Phòng đẻ rộng, mọi người trò chuyện bình thường vui vẻ, mình thì mải nghe nói chuyện nên thấy cũng quen quen với chuyện chịu đau. Tới khoảng 10h thì mình bắt đầu lên bàn đẻ theo “hiệu lệnh” của bác sĩ. Y tá hướng dẫn lại cách hít thở, cách rặn y như trong lớp tiền sản mà mình rặn toàn hụt hơi. Đang rặn mãi không xong cố gắng theo từng nhịp hô của mọi người thì bác sĩ chỉ đạo là tiêm tê đi, đầu em bé kìa, rạch được rồi. Mình cảm nhận có 2 nhát kéo cắt “roẹt roẹt” rồi mình rặn thêm phát nữa là con tuột tuột chui ra. 10 giờ 25 phút: con ra đời và được bác sĩ đặt nằm úp ngay trên ngực mẹ để da tiếp da, lưng con được đắp chiếc khăn dày của bệnh viện. Bác sĩ trong lúc đó thì hút đờm và nhớt cho em bé, mình một tay ôm con và tận hưởng cảm giác nhẹ nhõm từ đó. Em bé được da tiếp da và chậm kẹp rốn, khoảng 10 phút sau thì được cân, mặc quần áo và quấn khăn, đeo vòng tên mẹ, tên con và bế ra cho bố chụp ảnh. Mình khỏe mạnh, được thở oxy và ôm lại con ngay sau đó. Bác sĩ khâu thẩm mỹ cho mình mất thời gian khá lâu, phải tới 11 rưỡi mới xong xuôi. Khâu xong mình nằm và cho con ti mẹ trực tiếp, y tá lấy nước cho mình uống và giúp em bé ngậm ti đúng cách.

Chồng và mẹ chồng mình được vào ngay sau đó để bón cơm, động viên tinh thần cho mình. Cơm bệnh viện, đồ ăn gia đình chuẩn bị mang vào phòng sinh thoải mái. Bánh Mỳ ti mẹ một lúc thì ngủ ngoan, quấn chăn ấm và được bà nội bế ngủ tít tới tận 3h chiều. Mình nằm lại phòng sinh tới khoảng gần 2h thì xuống phòng theo dõi tầng 12. Y tá dặn mình đến tối mới được ngồi dậy vì sinh xong mất nhiều máu dễ bị choáng. Từ phòng sinh mình được đẩy xuống tầng 12 bằng thang máy, cứ nằm trên giường thôi, tất cả có y tá và chồng lo. Chiều khoảng 4h mình được y tá kiểm tra xông tiểu và vệ sinh vết khâu tại giường, em bé được tiêm vitamin K và viêm gan B mũi 1 sớm.

Phòng mình nằm có 3 giường nhưng chỉ có 2 sản phụ. Do còn thừa 1 giường trống nên ban đêm chồng mình ngủ lại đó cùng chăm sóc con mà không cần thuê thêm giường cho người nhà. Bạn bè và người thân của mình qua thăm tới tận 10 rưỡi tối vẫn được. Đi lại trong phòng người nhà phải đi “giày nilon” đảm bảo vệ sinh. Phòng vệ sinh nhà tắm khép kín, nóng lạnh đầy đủ có trang bị đủ máy sấy, lược, khăn tắm như ở khách sạn, có bồn tắm. Ngoài ra bệnh viện chuẩn bị cả nước rửa ấm pha betadine sát khuẩn cho từng sản phụ để trong siêu nước riêng trong nhà tắm.

Bánh Mỳ rất ngoan nên mình chỉ ngủ và cho con bú khi con tỉnh dậy khóc đòi ti. Đầu giường sản phụ nằm có nút bấm, cần hỗ trợ bấm nút là có y tá chạy tới hỗ trợ liền. Lần đầu sinh con mình bỡ ngỡ tới mức con bị sữa mẹ chảy ướt áo mà không biết thay, đành nhờ y tá tới thay giúp, các bạn tới rất nhanh và vui vẻ, nhiệt tình.

Sang ngày hôm sau cũng là ngày mình xuất viện nếu không có bất thường gì, sáng sớm có các bác sĩ nhi và bác sĩ sản tới thăm khám cho 2 mẹ con. Tầm trưa Bánh Mỳ được các cô đưa đi tắm, bố Bánh Mỳ đi theo được nhìn con qua cửa kính. Thủ tục ra viện được làm nhanh gọn, chồng mình check lại các thông tin cho chính xác rồi làm thanh toán là cả nhà được về. Trước khi về 2 vợ chồng định bế con lên tầng 13 cảm ơn nhưng lại vội sợ đường đông nên chỉ ghé qua phòng trực tầng 12 nói cảm ơn và chào tạm biệt ra về.

Kết thúc chuyến đi “nghỉ dưỡng” dài ngày ở bệnh viện Hồng Ngọc mình thấy khỏe mạnh và rất thoải mái. Kíp đẻ vẫn hẹn mình mấy năm nữa quay lại sinh bé nữa vì trộm vía mình sinh nhàn quá, không biết rặn mà con vẫn ra. Thật sự cảm ơn các bác sĩ và y tá lắm.

Mình phát sinh 2 ngày nằm phòng chờ sinh bị tính thêm phí và phí đắt hơn cả tiền giường nếu so với khi nằm phòng hậu sinh do bệnh viện giải thích theo dõi chờ sinh là chế độ chăm sóc đặc biệt. Theo cảm nhận của mình thì những ngày đó thu tiền nhiều hơn nhưng mình lại thấy điều kiện nghỉ ngơi ở phòng đó chưa thực sự tốt, còn các dịch vụ khác thì mình rất hài lòng. Tổng thanh toán ra viện và tiền cọc mình chi ra 22 triệu, chi phí khá hợp lý với chất lượng mà mình mong đợi. Các mẹ muốn sinh thường và hưởng dịch vụ nhẹ nhàng, chi phí không quá cao thì tham khảo nhé.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang