15 cách cho bé ăn dặm để lớn lên bé “không chừa” món nào

Cho ăn nhiều loại thực phẩm, thức ăn hổ lốn hay để bé chơi đùa trong khi ăn… là những cách cho bé ăn dặm thông minh của mẹ, giúp bé làm quen với nhiều hương vị khác nhau.

Trong hai năm đầu đời, bé sẽ học cách ngồi, đứng, đi bộ, chạy, nói chuyện và ăn. Không chỉ là việc cầm nắm các thực phẩm bằng tay, cầm muỗng. Cho bé ăn dặm còn bao gồm cả việc làm quen với các hương vị, kết cấu thức ăn, xây dựng các kỹ năng để bé có thể ăn được nhiều món khác nhau. Các nhà nghiên cứu tin rằng những trải nghiệm khi trẻ bắt đầu tập ăn ảnh hưởng rất lớn đến việc bé thích hay không thích loại thức ăn nào đó. Thực tế, các nghiên cứu dài hạn cho thấy các thói quen ăn uống được hình thành này ảnh hưởng đến sự lựa chọn trong suốt thời thơ ấu, thanh thiếu niên, và ngay cả ở tuổi trưởng thành. Việc hình thành thói quen ăn uống của trẻ mới biết đi sẽ dễ dàng hơn là với một đứa trẻ 8 tuổi. Và dưới đây là 15 cách giúp bé có thể thích ứng với hương vị của thật nhiều món ăn.


Việc tập cho bé ăn dặm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khẩu vị của bé sau này

1. Thay đổi tâm lý của bố mẹ

Đừng hy vọng việc dạy bé học ăn sẽ là cuộc cuộc đua nước rút hay khóa tập huấn ngắn. Quá trình khám phá các loại thực phẩm và hương vị cần rất nhiều thời gian, vậy nên bạn phải kiên nhẫn. Nhiều trường hợp cho thấy trẻ sẽ ăn nhiều trái cây hoặc rau khi đã thử ít nhất 8 đến 9 lần. Nhưng nhiều bậc cha mẹ lại bỏ cuộc chỉ sau 3 đến 5 lần cho bé thử khi cho bé ăn dặm. Tiến sĩ Le Billon nói: "Giống như học đọc, trẻ em có thể học cách ăn uống ngon miệng. Nhưng phải mất thời gian - và không phải tất cả mọi đứa trẻ đều giống nhau”.

2. Cung cấp mọi thứ

Cho bé ăn và nếm thử nhiều thực phẩm và hương vị khác nhau trong hai năm đầu đời của bé. Hầu hết các bé khoảng 2 tuổi sẽ không thích hoặc từ chối. Nhưng nó như một trò chơi vậy, nếu trẻ được tiếp xúc với nhiều mùi vị trẻ vẫn sẽ ăn nhiều.

3. Tập làm quen với các kết cấu thức ăn khác nhau

Nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ nếu được ăn thức ăn có nhiều kết cấu khác nhau như mịn màng, hổ lốn hay thái lát sẽ có sở thích ăn uống đa dạng hơn.


Cho bé ăn thức ăn dạng hổ lốn, hoặc thái lát để bé tự cầm nếm thử

4. Tạo sự thoải mái cho bé khi ăn

Theo bà Natalia Stasenko, bác sĩ dinh dưỡng trẻ em thì "Sự lo lắng và căng thẳng là những tác nhân ức chế sự thèm ăn của bé". Vì thế, hãy tạo sự thoải mái cho bé khi ăn, đừng ép buộc, hãy cho bé ngồi ăn cùng gia đình và đừng can thiệp qua nhiều khi bé tập ăn. Bởi khi bố mẹ tập trung vào việc thưởng thức bữa ăn của chính mình là đang tạo cho bé sự an toàn, thoải mái.

5. Thay đổi thực đơn

Chuyên gia dinh dưỡng Dina Rose, tác giả của cuốn “It's Not About the Broccoli” cho biết, "Trẻ nhỏ chưa có ý tưởng về những gì đã ăn vào lúc nào”. Vì vậy, ba mẹ hãy tận dụng lợi thế này để đưa ra những thực đơn có lợi cho trẻ, tránh cho trẻ ăn các món ăn không đúng thời điểm như bánh ngọt hay bánh quy rán vào buổi sáng.

6. Hãy để bé tha hồ nghịch ngợm trong bữa ăn

Đừng vội vã lau mặt hay không cho bé chơi đùa, vương vãi thức ăn. Trẻ em cần được trải nghiệm thức ăn bằng tấ cả các giác quan. Việc cắt xén, bôi thức ăn khắp nơi dạy cho bé bài học về kết cấu và tạo sự quen thuộc của bé với các loại thức phẩm khác nhau. Chuyên gia dinh dưỡng trẻ em Melanie Potock cho biết. "Trẻ em được lập trình từ khi mới sinh ra để khám phá bằng tay và miệng. Khi trẻ em đang phiêu lưu ăn uống, một phần của cuộc hành trình đó là trở nên lộn xộn".


Đừng cảm thấy khó chịu khi sau bữa ăn bé sẽ trông như thế này

7. Ăn trái cây hoặc rau quả trong mỗi bữa ăn và bữa ăn nhẹ

Khi cho bé ăn dặm hãy đặt mục tiêu như vậy để con bạn có thể thường xuyên tiếp xúc với trái cây, rau củ mặc dù không phải lúc nào bé cũng ăn. Bé sẽ ý thức được rằng mình sẽ ăn rau quả vào mọi lúc chứ không chỉ trong bữa tối.

8. Món tráng miệng

Đây là điều khiến xung đột căng thẳng giữa cha mẹ và con cái sảy ra. Vì thế, hãy tạo thói quen cho bé ngay từ bây giờ. Xem xét kết thúc hầu hết các bữa ăn bằng một miếng trái cây. Phục vụ đồ tráng miệng cùng bữa ăn và hạ thấp tầm quan trọng của nó. Đôi khi bé có thể đồi ăn món tráng miệng đầu tiên hoặc giữa bữa ăn, nhưng điều đó không có vấn đề gì. Miễn là bạn chỉ đưa ra một phần nhỏ và không đưa cho trẻ, thì trẻ sẽ ăn các thực phẩm khác. Đừng bao giờ sử dụng món tráng miệng như hình phạt hay phần thưởng dành cho bé.

9. Giao tiếp với bé bằng thông điệp tích cực

Con của bạn đang xây dựng kỹ năng ngôn ngữ ngay lúc này. Vì vậy, hãy tận dụng điều này bằng cách nói về thực phẩm. Khi bạn cho bé bữa ăn nhẹ, hãy ngồi xuống ăn để cùng bé thưởng thức nó. Hỏi bé xem bụng của bé đã no chưa hay còn đói. Nếu bé không thích món được ăn hãy nói rằng: “Mẹ biết con muốn món X, nhưng chúng ta không thể ăn những món giống nhau mỗi ngày. Chúng ta sẽ sớm được ăn món X trở lại thôi”.

10. Không rơi vào lối mòn

Nếu bạn muốn tránh việc bé chỉ ăn một loại bánh mì hoặc phô mai thì ngay từ đầu hãy trộn lẫn các thực phẩm có kích cỡ, hình dạng, hương vị khác nhau để cho bé ăn. Ví dụ, thay vì chỉ cho bé ăn gạo trắng, hãy cho bé ăn gạo đỏ đem hấp trộn chung với các loại rau, ngũ cốc.

11. Đừng bỏ qua những thứ bé không thích

Nếu con bạn nhăn lại mũi khi bé ăn súp lơ xanh, đừng cho rằng bé ghét nó. Các nhà nghiên cứu nói rằng nhăn mặt là một biểu hiện bình thường của bé trong khi cho ăn, nhưng nó không có nghĩa là trẻ không thích món ăn đó. Đó là lý do tại sao đôi khi bạn cảm thấy những đứa trẻ nhăn mặt trong khi vẫn vui vẻ ăn. Nếu con của bạn tuyệt đối từ chối một loại thực phẩm nhất định, hãy bỏ nó ra và thử lại trong vài ngày hoặc vài tuần tiếp theo.

12. Ăn rau trước

Trẻ thường dễ tiếp thu hơn khi chúng đói. Vì thế, hãy cho bé ăn rau như là bữa ăn nhẹ vào buổi trưa trước bữa ăn tối. Bằng cách đó, ngay cả khi con bạn không ăn các loại rau trong bữa chính thì bé vẫn được cung cấp một lượng rau vừa phải.


Cho bé ăn rau trước bữa chính để cung cấp lượng rau cần thiết cho bé

13. Tập trung vào nếm, không ăn

Càng cho bé thưởng thức một món ăn, càng có nhiều khả năng bé chấp nhận và thưởng thức nó. Nhưng nếm đơn giản chỉ là thức ăn chạm vào vị giác chứ không nhất thiết phải nuốt nó. Tiến sĩ Leann Birch, giáo sư thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Georgia, Athens, nói: "Nếu loại bỏ áp lực bắt bé phải nhai, nuốt và cho phép trẻ nhổ ra, bạn sẽ khuyến khích bé thử nhiều thực phẩm hơn”

14. Tránh thực đơn cho trẻ em

Ngay từ ban đầu, bạn hãy bỏ qua khái niệm "thức ăn trẻ em" so với "thức ăn cho người lớn". Thay vì nấu cho bé một bữa ăn riêng hãy lấy nó từ bữa ăn chính của các thành viên trong gia đình.

15. Thay đổi thói quen của chính bạn

Nghiên cứu cho thấy rằng thói quen ăn uống của bé có liên hệ mật thiết với sở thích của ba mẹ. Nếu bạn bạn khó chịu với thức ăn và lo lắng về trọng lượng của mình thì nó có thể ảnh hưởng đến bé. Điều này sẽ gây trở ngại trong việc hình thành một cái nhìn lành mạnh của bé với các loại thực phẩm.

(Theo: Parents)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang