Ăn tết nội hay tết ngoại: Đừng để 'giông bão' nổi lên trong mỗi gia đình

Có lẽ ở trong xã hội hiện đại ngày nay, những câu chuyện như thế không còn nhiều, tuy nhiên, cũng không phải là câu chuyện hiếm. Tết đến Xuân về, gia đình nào cũng mong được sum họp với con cháu nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng như ý.

Cứ mỗi dịp Tết đến, câu chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại đối với những cặp đôi có gia đình hai bên xa nhau luôn là đề tài nóng và được cư dân mạng bàn luận sôi nổi. 

Với hầu hết chị em đã kết hôn, đặc biệt là phụ nữ lấy chồng xa, mỗi dịp Tết đến Xuân về, hạnh phúc không phải là vài chục triệu chồng tặng tiêu Tết hay thứ gì xa hoa, đẳng cấp mà chỉ đơn giản là được về nhà đẻ, dọn cho mẹ cái nhà, cùng cha luộc tấm bánh chưng, sắm sửa đồ thờ cúng tổ tiên… Với những nhà chỉ sinh con gái một bề, Tết lại trở thành ngày cô đơn, buồn bã nhất vì con gái còn bận chuẩn bị cho Tết nhà chồng và chỉ có thể chớp nhoáng ghé thăm hoặc thậm chí "a lô" vài câu hỏi thăm bố mẹ mà thôi.

Một trong những chia sẻ gây sốt cộng đồng mạng nhất nhì thời gian qua. Câu chuyện về việc nên ăn tết nhà nội hay nhà ngoại của Facebooker này nhận được vô số bình luận trái chiều của cư dân mạng.

Chia sẻ trên VnExpress.net, người đàn ông tên Quảng kể lại rằng, sau cuộc tranh cãi quyết liệt chuyện về nhà nội hay ngoại dịp Tết, vợ chồng anh đã mỗi người tự mua vé xe về quê mình. "Vợ nhất nhất đòi đưa con về quê Thanh Hóa vì bảo 6 năm rồi Tết nào cũng phải ở nhà chồng ở Nghệ An. Tôi là con trưởng, tất nhiên phải về với bố mẹ mình. Cả năm rồi cũng chỉ về nhà tôi có một lần, đến Tết này mới là 2 lần, trong khi qua nhà vợ đã 3 bận, vậy mà cô ấy vẫn cứ thấy thiệt. Thời đại này không hiểu ra sao, phụ nữ cứ đua nhau, thấy người ta về ngoại, mình cũng về, không nghĩ rằng hoàn cảnh của mình khác", anh Quảng nói.

Anh cho biết, bố mẹ vợ đang ở cùng anh trai vợ và anh về đó không hề thoải mái, nhất là nếu ở qua đêm. Trong khi đó, vợ anh không hiểu, lại cho chồng khách sáo, còn bảo "em ở nhà anh cũng có cảm giác vậy nhưng có kêu ca bao giờ".

Người đàn ông này cũng tâm sư: "Rõ ràng, ở quê nội, nhà bố mẹ cũng là nhà của chúng tôi, đâu thể so sánh như vậy". Anh cho rằng, vợ mua vé xe về quê ngoại chẳng qua để dọa chứ chắc chắn chị sẽ không dám về đó nếu không có anh.

Còn theo thông tin của Tri Thức Trẻ, Hậu Nguyễn, mẹ một con 28 tuổi quê Yên Bái đã lấy chồng và có cậu con trai nhỏ đáng yêu. Dù nhà chồng cô chỉ cách nhà mẹ đẻ có chục cây số nhưng chẳng hiểu sao cứ Tết về là lại thấy nhớ nhà da diết và chỉ muốn về thật nhanh.

Chị Hậu Nguyễn giờ đã làm mẹ và có 2 năm ăn Tết ở nhà chồng nhưng lúc nào cũng ước được về nhà đẻ.

"Được một lần ăn Tết nhà ngoại là điều em ao ước nhưng chắc từ giờ đến cuối đời cũng chẳng làm được đâu, dù hai nhà gần nhau. Em đi làm ở Hà Nội, ngày Tết về là về thẳng nhà chồng luôn. Sang năm mới thì chúc Tết xong hết anh em cô bác nhà nội rồi mới về nhà bố mẹ.

Mà cũng may là vì ở gần cho nên em cũng có thể chạy qua chạy lại được chứ nếu ở xa chắc sẽ nhớ quay quắt lắm. Thôi thì số em cũng còn hên vì không lấy chồng xa, rồi dần dần em cũng sẽ quen với mọi thứ thôi mà".

Trả lời trên VnExpress.net, nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ, đường dây tư vấn 1088 TP HCM cho rằng, tâm lý con người bình thường không có áp lực nào thì suy nghĩ thấu đáo, ít cáu gắt hơn. Trước Tết, các cặp vợ chồng rất dễ cãi nhau vì phải chịu quá nhiều áp lực, lại mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần do có nhiều việc (dọn dẹp nhà cửa, công việc cơ quan, đối nội đối ngoại...), tâm lý dao động.

"Ngay từ những chuyện đơn giản như chọn sơn nhà màu gì, mua mứt nào, bàn ghế sắp ra sao... cũng khiến các cặp vợ chồng dễ gây gổ, chưa nói tới vấn đề rất nhạy cảm là ứng xử với hai bên, quyết định về ăn Tết bên nội hay ngoại", ông Sỹ chia sẻ.

Theo ông, Tết nguyên đán được coi là dịp đoàn tụ, là Tết của tình thân, nên hầu như ai cũng muốn được ở bên ruột thịt, những người gắn bó với họ từ thời nhỏ. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn khi chồng muốn về với bố mẹ đẻ của mình và vợ cũng vậy. Đây là điều hầu như gia đình nào cũng gặp phải. Vấn đề là, các đôi cần giải quyết khéo léo, để những lý do trên không chi phối, làm ngày Tết mất vui.

Tết đến Xuân về, gia đình nào cũng mong được sum họp với con cháu nhưng với người Việt Nam, mọi chuyện luôn luôn được giải quyết không chỉ bằng chữ lý mà còn bằng chữ tình. 

Ông Sỹ gợi ý, hai vợ chồng nên bình tĩnh ngồi lại bàn tính kế hoạch cho những ngày Tết từ trước. Nếu điều kiện thuận lợi, cả hai có thể cùng chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại, còn không luân phiên năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia.

Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Hồng Hà, chuyên gia tư vấn tâm lý thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, khi mới kết hôn, vợ chồng cần có sự chia sẻ, trao đổi với nhau về cách ứng xử, đối đãi với hai bên nội, ngoại sao cho hợp lý. Hai người nên sắp xếp từ trước lịch của các ngày nghỉ dài trong năm như Tết dương lịch, 2/9... để có thời gian thư giãn và về thăm hai bên bố mẹ.

Theo bà Hà, trong tâm lý người Việt, nhất là ở các làng quê, Tết luôn có ý nghĩa rất thiêng liêng. Đó là dịp đoàn tụ, quây quần con cháu sau những tháng ngày xa cách, vất vả vì mưu sinh. Với người già, điều này càng quan trọng. Vì vậy, nếu không có lý do đặc biệt, gia đình bạn có thể sắp xếp để về ăn Tết với bên nội, bên ngoại hoặc nếu ở xa thì thay phiên nhau. Nếu điều kiện không về được, bạn nên mua sẵn quà biếu Tết cho gia đình chồng và nhớ gọi điện hỏi han, quan tâm, chúc Tết mọi người.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang