Bé 28 ngày tuổi bị ngưng tim, ngưng thở chỉ vì sai lầm này của anh trai

Không chỉ bánh, mà vụn bánh cũng có nguy cơ trở thành lưỡi hái tử thần cướp đi mạng sống những đứa trẻ. Rất may, sau 16 ngày điều trị tích cực, cháu bé này đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần hồi phục và không có biến chứng.

Vừa qua, bé T.B.N. (28 ngày tuổi) cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng người tím tái, ngưng tim, ngưng thở, phản xạ kém. Các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực chống độc bệnh viện phát hiện bệnh nhi bị sặc bánh do anh trai của bé lén cho ăn.

Tiến hành cấp cứu khẩn cấp, các bác sỹ đã gắp dị vật ra, làm thông đường thở cho bệnh nhi. Tuy nhiên, bệnh nhi T.B.N bị viêm phổi nặng nên vẫn phải thở máy suốt 9 ngày, kết hợp điều trị kháng sinh, nuôi ăn tích cực. Sau 16 ngày được cấp cứu và điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh nhi T.B.N. đã hồi phục sức khỏe, sẽ xuất viện trong một vài ngày tới.

Theo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trường hợp này do được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên nhanh chóng cung cấp oxy cho não, não không bị thiếu oxy quá lâu. Nếu đến bệnh viện chậm, thiếu oxy lâu sẽ để lại di chứng ở não, rất khó hồi phục hoàn toàn, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ nên chú ý, kiểm soát con em mình. Không được để trẻ sơ sinh tiếp xúc với thức ăn, những dị vật có thể gây tắc, ngưng đường thở của trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Nhận biết trẻ bị sặc sữa, bột, cháo

Khi trẻ đang bú, đang ăn, thậm chí đang chơi đùa đột ngột bé ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ, cơ thể co giật, hơi thở đứt quãng, Nôn ra sữa hoặc bọt, máu, dung dịch màu đen… Trong trường hợp nặng thì có thể xuất hiện nước, sữa, nước canh, cháo… trào ra từ mũi, miệng của bé.

Cách xử lý khi trẻ bị sặc sữa, bột, cháo

Có hai tình huống xảy ra, trường hợp nhẹ, sau khi có biểu hiện ho sặc nhưng trẻ vẫn thở đều, hồng hào, khóc to, nghe không có tiếng khò khè hoặc tiếng thở rít, cần bình tĩnh bế trẻ lên, móc hết thức ăn hoặc dị vật trong miệng trẻ sau đó đưa ngay đến trung tâm y tế gần nhất.

Trường hợp trẻ bị sặc nặng, có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, khóc nghẹn, cò cử... cần hết sức bình tĩnh xử trí theo các bước sau: làm thông thoáng đường thở bằng cách móc bỏ thức ăn và dị vật trong miệng, hút sạch mũi, đờm dãi sau đó nhanh chóng làm một thủ thuật để tống dị vật trong đường hô hấp ra (thủ thuật Heimlich đối với trẻ nhỏ) bằng cách đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực, lòng bàn tay đỡ lấy cằm trẻ (nếu trẻ nặng quá thì đặt tay đỡ trẻ lên đùi người cấp cứu), dùng cườm tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) 4-5 lần lên tiếp, tốt nhất là vỗ nhanh khi trẻ thở ra để phối hợp đẩy dị vật ra. Cũng có thể đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp sau đó dùng tay còn lại để ấn ngực (vùng xương ức, giữa hai núm vú).

Khi dị vật đã bật ra, trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc to và khi đó, người cấp cứu nên kiểm tra lấy bỏ dị vật đã được tống ra miệng và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất sau đó.

Trong trường hợp trẻ ngưng tim, ngưng thở cần nhanh chóng tiến hành hà hơi thổi ngạt, tuần hoàn, ép ngực và nhanh chóng chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường chuyển viện không được lúc nào ngưng ấn tim và thổi ngạt, bởi nếu không làm, não sẽ thiếu ôxy, không cấp cứu được.

(Tổng hợp)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang