Cảm động câu chuyện cụ bà 70 cõng cháu bệnh tật đi chạy chữa khắp nơi

Đặc biệt hơn, hai bà cháu này hoàn toàn không có mối quan hệ ruột thịt máu mủ.

Trong cuộc đời này, có không ít những đứa trẻ không may mắn bị cha mẹ bỏ rơi, cũng có không ít những gia đình nhận cưu mang những đứa trẻ không may ấy, nhưng chuyện một cụ già đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hi mà lại nhận cưu mang một hài nhi, mà còn là một hài nhi bệnh tật, thì lại là một chuyện hiếm có. 

Vài năm nay, người dân sống ở Trùng Khánh, Trung Quốc đã không còn ai xa lạ với hình ảnh một cụ bà cứ ngày ngày cõng cô cháu gái nhỏ mắc bệnh xương thủy tinh đến trường, rồi đi khắp nơi để chữa trị cho cô bé, dù ngày nắng cũng như ngày mưa. Nhưng hỏi ra thì ai cũng phải ngạc nhiên, rồi trầm trồ, thán phục vì hóa ra hai bà cháu chẳng có máu mủ ruột rà gì, mà là bà cụ nhận nuôi cô bé bệnh tật đó.

Cho đến tận bây giờ, dù đã 8 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc lại buổi gặp gỡ định mệnh đó, bà Li Xianju vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Bà kể lại: “Trưa hôm đó, khi đi ngang qua một con cầu nhỏ gần đường về nhà, tôi chợt nghe tiếng khóc ngặt nghẽo của trẻ con. Nhìn quanh thấy tiếng  khóc phát ra từ một chiếc giỏ đặt sát bên thành cầu. Lúc đó, đã trưa muộn, xung quanh không một bóng người.

Tôi cứ ngồi chết lặng ở đó, luống cuống vỗ về cái cục thịt đỏ hỏn ấy, mong rằng sẽ có ai đó nghĩ lại mà đến tìm con. Nhưng rồi đến tận chiều chẳng thấy ai cả, con bé càng lúc càng lả đi, chắc vì nó đói. Xót xa quá, tôi bèn bế cháu về nhà chăm sóc cho đến tận bây giờ.”

Khi ấy, bà Li đã 70 tuổi, sống lẻ bóng với đồng lương ít ỏi, không chồng không con cái. Với hoàn cảnh đó của bà, nhiều người đã khuyên bà nên đưa đứa bé đến trại trẻ mồ côi. Nhưng không đành lòng nhìn đứa trẻ còn đỏ hỏn không có cha mẹ, lại không được chăm sóc chu đáo, vả lại cũng không có con gái gì, nên bà quyết định giữ lại đứa bé. Bà đặt tên cô bé là Nana và quyết định chăm sóc, nuôi nấng cô bé như đứa cháu ruột thịt của mình.

Hàng xóm và những người xung quanh thấy ái ngại cho bà lão vì chăm sóc một đứa trẻ con không đơn giản, nhất là một đứa trẻ sơ sinh lúc nào cũng khát sữa. Bà chỉ cười và nói với mọi người rằng bà chẳng mệt chút nào, nhưng ai cũng có thể thấy, từ ngày có Nana, bà Li  gầy hơn, những quầng thâm xuất hiện dưới mắt bà ngày càng nhiều, chăm sóc một đứa trẻ con đâu phải chuyện dễ dàng gì. 

Không phụ tấm lòng và sự chăm sóc của bà Li, bé Nana rất ngoan ngoãn, ăn tốt, ngủ tốt. Căn hộ nhỏ bé, trống trải của bà Li giờ ngày ngày đều đong đầy tiếng cười của hai bà cháu, mọi người cũng mừng cho bà. 

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, năm Nana 2 tuổi, cô bé bị chẩn đoán mắc bệnh xương thủy tinh. Đây là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ con. Trẻ nhỏ mắc bệnh này thường có tỷ trọng xương giảm, trong những trường hợp nặng, bệnh biểu hiện ngay khi chào đời khiến trẻ sơ sinh bị gãy vụn nhiều xương. Và kết cục của những đứa bé này là qua đời sau khi sinh một thời gian ngắn.

Căn bệnh của mình khiến Nana rất khó khăn trong việc đi lại, ăn uống, sinh hoạt. Những người hàng xóm cảm thấy ái ngại khi bà cụ 70 tuổi hàng ngày đều phải cõng cháu chạy hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia, “vái tứ phương” để tìm cách chạy chữa cho cô cháu. Mọi người đều khuyên bà nên đưa cô bé đến bệnh viện tốt hơn để có điều kiện chữa trị tốt hơn. Bà chỉ trả lời buồn bã rằng: “Giờ con bé là một phần cơ thể tôi, làm sao tôi có thể xa nó được.”

Đã 6 năm kể từ ngày phát bệnh, bà Li trở thành đôi chân của Nana, bà cõng em đến trường, cõng em đến bệnh viện, cõng em về nhà, bà còn túc trực luôn ở lớp học để hỗ trợ mỗi khi em cần.

Không mong được báo đáp, không màng đến lời ra tiếng vào của dư luận, suốt 8 năm qua, bà Li cứ chăm sóc và yêu thương cô cháu gái không máu mủ ruột rà với mình vô điều kiện, từ lâu, cô bé đã trở thành một phần sinh mệnh của người phụ nữ ấy. Hai bà cháu cứ thế nương tựa vào nhau mà sống. 

Trong xã hội nơi con người đang ngày càng vô cảm như bây giờ, khi lòng tốt trở thành một điều xa xỉ, thì câu chuyện của bà Li và cô bé Nana là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, đủ sức lay động trái tim của tất cả chúng ta.

(Nguồn: Sina)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang