Chăm chỉ nhất thế giới nhưng số người Nhật chết vì làm việc quá sức cũng cao nhất, lý do nằm ở đâu?

Ở Nhật, hàng trăm người tử vong mỗi năm sau khi làm việc lao lực không ngừng nghỉ.

Để tạo nên một nước Nhật như ngày hôm nay, chắc chắn người Nhật đã làm việc vô cùng chăm chỉ. Thế nhưng, chính vì sự chăm chỉ, kỷ luật và tự tôn của dân tộc mình, mà bây giờ, song song với sự phát triển, thì tỷ lệ tự tử hoặc chết vì làm việc kiệt sức đã trở nên đáng báo động ở Nhật Bản. Đã từng có thời kỳ, người Nhật xem chuyện đó là bình thường. Nhưng bây giờ thì không như thế nữa. 

Những con thiêu thân nơi công sở

Tuần vừa qua, đài truyền hình NHK đã công khai vụ một nữ phóng viên tử vong do làm việc quá sức khiến dư luận chú ý tới vấn nạn nhức nhối "làm việc tới chết" tại Nhật Bản.

Cô Miwa Sado là phóng viên chính trị 31 tuổi, đã tham gia đưa tin bầu cử Hội đồng thủ đô Tokyo và bầu cử thượng viện Nhật Bản từ tháng 6 đến 7/2013. Sau khi làm thêm 159 giờ và chỉ nghỉ ngơi hai ngày trong vòng một tháng, cô Sado tử vong do suy tim. 


Phóng viên Miwa Sado đã chết sau hàng trăm tiếng đồng hồ làm việc.

Đây không phải  là vụ đầu tiên, mà cô chỉ là một trong tổng số hàng trăm người mỗi năm ở Nhật đã tử vong sau hàng trăm tiếng làm việc lao lực không ngừng nghỉ. 

Satoshi Sekigawa cũng là một nạn nhân của vấn nạn này. Là quản đốc tại một nhà máy xi măng, anh đã tìm đến cái chết năm 2010 sau một thời gian dài thường xuyên làm việc thêm giờ tới 109 giờ/tháng.


Anh Satoshi Sekigawa.

Cuối năm 2015, Kiyotaka Seriwaza, nam nhân viên 34 tuổi tại một công ty chuyên sửa chữa nhà ở, đã tự sát vì không chịu nổi cường độ làm việc 90 giờ mỗi tuần. Trước khi chọn cái chết, anh Seriwaza đã gửi thư xin từ chức nhưng không được chấp thuận. 

Cũng vào năm 2015, Matsuri Takahashi, làm việc tại tập đoàn quảng cáo Dentsu, nhảy lầu tự tử vào đúng ngày Giáng sinh khi mới 24 tuổi. Trước khi chấm dứt cuộc sống, cô gái trẻ đã tâm sự trên mạng xã hội Twitter rằng cô phải làm thêm hơn 100 giờ trong suốt một tháng. 

"Tôi sắp chết. Tôi quá mệt mỏi rồi", Takahashi viết trong một tin nhắn điện thoại.

Sado bắt đầu làm việc tại đài NHK từ năm 2005 khi cô mới hơn 20 tuổi. Mãi tận 4 năm sau cái chết của cô, đài NHK mới quyết định công bố nguyên nhân. 

"Thậm chí cho tới tận bây giờ, 4 năm đã trôi qua, chúng tôi vẫn không thể chấp nhận sự thật rằng con gái mình đã mất", cha mẹ của phóng viên Sado nói trong một thông cáo báo chí. "Chúng tôi hy vọng nỗi đau đớn mà các gia đình nạn nhân phải gánh chịu sẽ không hoài phí".


Cha mẹ của Sado khóc nức nở trong họp báo công bố nguyên nhân tử vong của con gái.

Vấn nạn toàn quốc ''Karoshi''

Các con tàu vẫn đông nghẹt tại thời điểm nửa đêm bởi lúc này, nhiều người Nhật mới từ chỗ làm về nhà. Người Nhật thuộc hàng làm việc chăm chỉ nhất thế giới. Nhưng số giờ làm thêm dài dằng dặc đang giết chết theo nhiều cách các lao động ở nước này.

Và trong thực tế, những cái chết do làm việc quá mức gây ra phổ biến đến mức người Nhật có từ riêng cho nó. “Karoshi”.


Tàu điện ngầm sau nửa đêm ở Nhật vẫn đông đúc người đi làm tăng ca về.

Karoshi trong tiếng Nhật có nghĩa là “Chết vì làm việc quá sức”. Hiện tượng Karoshi được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1987 khi Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nhiều ca tử vong đột ngột của giám đốc các công ty. 

Vào năm 2015, con số nạn nhân karoshi đã tăng lên mức kỷ lục - 2.310 trường hợp, theo Bộ Lao động Nhật. Dù vậy, đây có thể chỉ là bề nổi bởi theo Hội đồng bảo vệ nạn nhân Karoshi Quốc gia, con số thực tế là 10.000 người – bằng số người thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn giao thông tại Nhật.

Lí do dẫn tới hiện tượng đau buồn này thường bắt nguồn từ tâm lí của người Nhật. Người Nhật luôn nổi tiếng thế giới về tinh thần trách nhiệm số 1 của mình, nhưng đôi khi do quá trách nhiệm nên họ không biết cách từ chối trước những việc quá sức mình.

Người Nhật khi mệt mỏi cũng thường có tâm lí nhẫn nhịn hơn là chuyển sang một công ty khác, thường họ sẽ muốn giữ vị trí của mình trong một công tí nhất định cho đến tận khi qua đời. 

Thậm chí ở Nhật, quan niệm người phụ nữ ở nhà lo liệu hết công việc nội trợ trong khi đàn ông đi làm hùng hục suốt ngày, mãi tới đêm khuya mới về là một quan điểm được nhiều người ủng hộ, tán thành.

Chính Phủ vào cuộc

Chính phủ Nhật Bản cố gắng từng bước thay đổi văn hóa làm việc để giải quyết tận gốc rễ vấn nạn nhức nhối "karoshi", bao gồm thông qua luật giảm số lượng người lao động làm hơn 60 giờ mỗi tuần và khuyến khích người lao động dùng hết số ngày nghỉ phép hàng năm.  


Theo thống kê, trung bình người Nhật chỉ nghỉ phép một nửa số ngày mà mình được cho phép.

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, các công ty bắt đầu khuyến khích nhân viên tan sở đúng giờ, đi nghỉ, tránh xa công việc. Tập đoàn quảng cáo Dentsu áp dụng biện pháp cụ thể hơn là tắt hệ thống chiếu sáng trong công ty vào lúc 10h tối và yêu cầu tất cả các nhân viên cứ 6 tháng phải nghỉ ít nhất 5 ngày. Tương tự, hãng bảo hiểm nhân thọ Japan Post Insurance cũng tắt đèn vào đúng 7h30 tối. Trong khi đó, Yahoo tại Nhật đang tính tới phương án làm việc 4 ngày một tuần. 

Nếu một trường hợp tử vong được xác nhận là vì làm việc quá sức, gia đình nhạn nhân sẽ nhận khoản tiền bồi thường 20.000 USD/năm từ chính phủ và 1,6 triệu USD/năm từ công ty mà người đó làm việc.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện các chính sách về kinh tế hay nhân sự sẽ không giải quyết triệt để vấn đề. Vì bản chất cốt lõi của karoshi bắt nguồn từ tâm lí người Nhật. Việc cần làm ngay bây giờ chính là thay đổi nhận thức, văn hóa Nhật Bản, khuyến khích người dân dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và cuộc sống. 

 (Nguồn: Tổng hợp) 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang