Chỉ có đàn ông đủ yêu vợ mới "dám" ăn Tết nhà ngoại

Điều quan trọng nhất trong mối quan hệ vợ chồng của những ngày giáp Tết này chính là hãy lắng nghe và thấu hiểu cho nhau.

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, không ai bảo ai, các chị em đều mang trong mình rất nhiều tâm sự. Có người lo chuyện quà cáp bên nội bên ngoại, có người nặng gánh thu chi sao cho vừa đủ tiêu trong những ngày Tết mà vẫn đủ vui vẻ, ấm cúng. Cũng lại có người ngóng về nơi cha mẹ sinh thành mà thở dài lặng lẽ...

Người Việt mình vẫn còn nặng tư tưởng lễ giáo phong kiến, vì vậy nên việc sau khi lấy chồng, phụ nữ phải ăn Tết nhà chồng được coi như là điều mặc định, là hiển nhiên phải thế. Dù nói rằng bây giờ đã là kỳ hiện đại, xã hội tân tiến, nhưng cũng không phủ nhận rằng chuyện về ngoại ăn Tết vẫn là một điều khó khăn và khổ sở trăm bề mà nhiều anh chồng không thể thông cảm và thấu đáo cùng vợ.

Bằng chứng là trong các hội nhóm dành cho chị em phụ nữ trên facebook, có mười bài đăng hỏi về cái Tết sắp tới thì có tới tám, chín bài đăng hỏi về việc có nên xin về nhà ngoại ăn Tết hay không, hoặc cảm xúc khi không được chồng và gia đình chồng cho về ngoại ăn Tết là như thế nào.

Vẫn biết mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng sinh ra làm phận con gái thì hầu như đều mang chung một nỗi nhọc nhằn. Cha mẹ sinh thành và nuôi nấng, dạy dỗ hơn hai mươi năm trời. Chỉ chớp mắt một cái là con gái lên xe hoa về với một gia đình mới - nơi sẽ chung sống với những người xa lạ không máu mủ ruột rà mà chỉ quen thông qua người gọi là chồng.

Cho nên, nếu là một người đàn ông thương vợ, các anh sẽ hiểu được rằng vợ mình thực sự cần gì vào những ngày lễ Tết. Nếu các ông chồng muốn Tết quây quần đầm ấm giữa ông bà, con cái và cháu chắt để ăn một mâm cơm đầy đủ mọi thành viên, thì các bà vợ cũng nuôi một niềm khao khát tương tự, chỉ là mâm cơm sẽ xoay quanh ông bà ngoại cùng con cháu.

Không bàn tới chuyện Tết nhất ở bên nội hay bên ngoại thì sướng khổ ra làm sao. Chỉ biết rằng những người làm vợ, làm mẹ của con mình, cũng đã dành hầu như trọn vẹn cả một năm trời để ở bên nhà mình chăm sóc bố mẹ và chồng con. Cho nên một năm có được mấy ngày lễ Tết, họ cũng nhớ về cha mẹ mình, muốn về thăm nom ông bà, phụ giúp và đỡ đần đôi chút.

Những cái Tết bên nhà ngoại trọn vẹn vẫn luôn là niềm ao ước của nhiều chị em

Chẳng phải bây giờ chúng ta vẫn nói với nhau rằng hết rồi cái thời con dâu con rể, bây giờ con nào cũng là con, nhà nào cũng là nhà, không cần phân biệt nội - ngoại cho xa cách. Nhưng có lẽ để làm được điều đó vẫn còn là một chặng đường dài và xa xôi lắm.

Có một câu chuyện thường tình bên nồi lẩu như thế này, khi mọi người cùng bàn tán xem Tết này về nội về ngoại ra sao, có một chị trưởng phòng bộc bạch: "Đối với nhà tôi rất công bằng, anh thích ăn nhà nội thì anh đón Tết bên nội, tôi thích về nhà ngoại thì tôi đón Tết bên ngoại. Ai cũng được bố mẹ mình sinh ra và nuôi dưỡng, ai cũng mong muốn những ngày Tết đoàn viên thực sự là đoàn viên. Nếu không thể hiểu cho nhau, chi bằng chia ra mỗi người mỗi nhà để không làm ai phải chịu tổn thương."

Mọi người đều ngỡ ngàng với cách "phân chia" kể trên, nhưng cũng không phải là không hợp lý. Có nhà chọn mùng một Tết bên nội để mùng hai mùng ba được về bên ngoại. Nhưng đối với những nhà mà nội ngoại cách xa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kilomet thì tính sao cho tròn?

Điều quan trọng nhất trong mối quan hệ vợ chồng của những ngày giáp Tết này chính là hãy lắng nghe và thấu hiểu cho nhau. Bao nhiêu cái Tết mà các bà vợ đã làm tròn đạo làm dâu, làm vợ, đón Tết cùng đằng nội, chẳng lẽ không xứng đáng được hưởng một cái Tết trọn vẹn bên nhà ngoại hay sao?

Đừng câu nệ con dâu con rể, cũng đừng phân biệt nam nữ làm gì. Điều cốt yếu chính là chúng ta vẫn yêu thương nhau, và chúng ta muốn làm cho nhau được hạnh phúc. Hãy chứng minh điều đó bằng hành động, hãy thấu hiểu nỗi lòng của vợ khi nàng nhớ nhà, nhớ bố mẹ cũng như thấu hiểu rằng bố mẹ vợ cũng mong mỏi chờ con... Chỉ cần nghĩ tới những điều đơn giản như thế thôi, các ông chồng sẽ tự có cho mình một câu trả lời thoả đáng.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang