Chuyện người con dâu kính hiếu với mẹ chồng khiến ai biết được đều thấy cay xè mắt

“Mẹ chồng sống thọ chính là phúc lớn của nhà chúng tôi. Phận là con dâu, tôi càng phải biết quý trọng, chăm sóc cho mẹ thật tốt để làm tròn chữ hiếu.”

Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu từ xưa vẫn bị xem là mối quan hệ phức tạp, thường hay dẫn đến những xích mích, bất hòa khiến cho cơm không lành, canh chẳng ngọt. Thế nhưng, tại thôn Trác Thạch lại tồn tại câu chuyện đủ sức làm cay mắt bất cứ ai, về người con dâu hiền thảo 74 tuổi, tên Dư Ức vẫn ngày ngày chăm lo chu đáo cho người mẹ chồng 105 tuổi của mình. 


Thôn Trác Thạch xinh đẹp

Trác Thạch là một thôn nhỏ thuộc địa phận xã Thư Phong, thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Nằm nép mình bên sườn núi của vùng quê hiền hòa quanh năm tràn ngập hoa sơn trà rộ nở này là một ngôi nhà xây từ gỗ và gạch ngói đơn sơ, giản dị của gia đình cụ Hoàng Thạch Sư Thố. Năm nay, cụ bà vẻ ngoài phúc hậu này đã bước sang tuổi 105, tuy vậy, bà vẫn vô cùng mạnh khỏe và minh mẫn.   


Bà Dư Ức và mẹ chồng 

Ở bên cạnh bà là một cụ bà trẻ hơn và luôn nhất mực để ý từng cử chỉ của bà. Chỉ cần cụ bà tỏ vẻ mệt mỏi hay khát nước là cụ bà trẻ này lập tức hối hả đi chuẩn bị giường chiếu hoặc nước uống. Hỏi ra mới hay, ấy là con dâu của cụ bà, tên gọi Dư Ức, năm nay cũng đã 74 tuổi. 

Bà Dư Ức là con gái đầu lòng của Dư Hồng – một pháp gia có tiếng tại huyện Tiên Du. Có lẽ, cũng nhờ sinh trưởng trong một gia đình nề nếp nên bà Dư Ức nói năng và làm việc đều hết sức nhỏ nhẹ và từ tốn. Được biết, bà từ bỏ thị trấn phồn hoa về nhà chồng sau khi kết hôn cùng con trai lớn của cụ bà Hoàng Thạch Sư Thố. Gần 50 năm nay, việc nhà cửa và chăm sóc mẹ chồng đều do một tay bà trực tiếp quán xuyến.

Từ thuở còn con gái, bà Dư Ức đã sớm phải sáng tối tất bật chăm lo cho việc đồng áng, cơm nước và chăm sóc cho cha mẹ chồng ngày một yếu đi, trong khi chồng bà bươn chải làm ăn nơi xa. Đến năm 2005, chồng bà về hưu và chia sẻ gánh nặng việc gia đình cùng bà. Thế nhưng, những ngày tháng ấy kéo dài không bao lâu bởi cụ ông sớm lâm bạo bệnh rồi qua đời. Rồi không lâu sau đó, bố chồng của bà Dư Ức cũng mất đi, để lại cụ bà Sư Thố một mình trên cõi đời. Con cháu trong gia đình đều do một tay bà Dư Ức nuôi nấng và dạy dỗ, nhưng rồi tất cả cũng sớm lớn lên, dựng vợ gả chồng và rời khỏi thôn Trác Thạch để tìm đường mưu sinh. Căn nhà rộng lớn bên sườn đồi ngày càng hiu quạnh và cuối cùng chỉ còn bóng dáng mẹ chồng con dâu ngày ngày tảo tần dựa vào nhau mà sống.

Ban đầu, cả hai mẹ con chuyển lên thị trấn cùng con cháu để được chăm lo chu đáo hơn, nhưng sau một lần mẹ chồng bất cẩn té ngã và sức khỏe ngày càng suy yếu, bà Dư Ức chiều ý mẹ và cùng bà trở về vùng quê tĩnh lặng này. Từ đó tới nay, bà Dư Ức vẫn ngày ngày chăm lo cho mẹ chồng mà không chút than phiền, hệt như những gì bà đã làm trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Bà Dư Ức nay cũng không còn xuân sắc, đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, hai lần phải vào việc phẫu thuật thắt lưng nên không thể xoay mình hay mang vác vật nặng như xưa nữa, vậy nên, vợ chồng em rể Lâm Chung Dục cũng đã chuyển từ Chiết Giang về vùng quê này để phụ giúp bà. Cả ba người ngày ngày thay phiên túc trực bên mẹ không rời, bữa ăn giấc ngủ của bà đều được chăm lo chu đáo hết mực.

Tiếng thơm dâu hiền vợ thảo của bà Dư Ức và tấm lòng hiếu thảo của bà cùng hai em dâu rể ngày càng lan xa và được nhiều người dân trong làng ca ngợi hết mực. Tấm gương gia đình bà được đưa lên bản tin thời sự cả nước và làm nức lòng người dân cùng thôn. Nhìn lên bức tường gạch cũ kỹ ở tầng 1 của ngôi nhà, ta sẽ dễ dàng bắt gặp bức thư pháp ghi bốn chữ "hiếu hữu gia truyền" được treo trang trọng ở vị trí trung tâm căn nhà.

Chia sẻ về nguồn gốc của bức thư pháp, Bí thư Chi bộ Đảng huyện Thư Phong cho hay: "Bức thư pháp này tuyên dương tấm gương hiếu kính với mẹ chồng của bà Dư Ức, được thôn ủy kính tặng gia đình vào dịp Tết Trùng Cửu năm ngoái".

Khi được hỏi về lí do vì sao luôn giữ được chữ hiếu làm trọng, dẫu bản thân bà đã quá già yếu và hoàn toàn có thể cậy nhờ con cháu chăm sóc cho mẹ chồng, bà Dư Ức nói: “Mẹ chồng sống thọ chính là phúc lớn của nhà chúng tôi. Phận là con dâu, tôi càng phải biết quý trọng, chăm sóc cho mẹ thật tốt để làm tròn chữ hiếu.” Câu trả lời này của bà thật quá đỗi giản dị, nhưng đủ khiến nhiều người cảm thấy sống mũi mình cay cay.      

Nguồn: Sina

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang