Có một người phụ nữ đã dành cả thanh xuân để nuôi con chồng

“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại yêu con chồng” là câu thành ngữ được nhiều người biết đến khi nói về mối quan hệ giữa con chồng và mẹ kế.  Thế nhưng, trong cuộc sống, luôn có những người phụ nữ đã vượt qua định kiến, trở thành người mẹ thứ hai của những đứa trẻ là con của chồng. Mẹ của chị Lê Thị Mùi (Thanh Hóa) là một người như thế.

Mỗi lần nhắc tới mẹ, chị Mùi không khỏi xúc động: “Mẹ đẻ tôi mất sớm, để lại cho bố tôi ba đứa con thơ. Vậy mà mẹ đã dũng cảm đón nhận bố và chúng tôi. Đứa út là tôi lúc đó mới 2 tuổi, ốm nhom và đầy bệnh tật. Từ nhỏ, cuộc sống của tôi đã gắn liền với các loại thuốc”.

Sau khi cưới, bố mẹ của chị Mùi có thêm hai con chung. Vậy là gia đình chị rơi vào cảnh “con anh, con chúng ta", nhưng tuyệt nhiên, không có sự phân biệt đối xử nào giữa những đứa con. Thậm chí, có thêm em, chị lại càng cảm nhận rõ sự vất vả, khó xử của mẹ khi có những đứa con học tốt, nhanh nhẹn nhưng cũng đầy cá tính và nghịch ngợm, ngang bướng. 

Không giống với nhiều gia đình khác, gọi vợ sau của bố là dì, chị và các anh chị của mình gọi “mẹ” ngay từ đầu, như một cách thừa nhận vai trò và vị trí của bà trong gia đình. Đồng thời, gửi gắm vào đó biết bao tình cảm, hy vọng về một mối quan hệ tuy không phải máu mủ nhưng chứa đựng những điều thiêng liêng, tình cảm nhất.

Và quả thực, mẹ đã mang lại cho chị và gia đình những tháng ngày ấm áp. Chị nhớ lại: “Vào thập niên 80  - 90, gánh nặng kinh tế khiến mẹ rất vất vả. Phải nghỉ việc ở công ty thực phẩm do bị giải thể theo chính sách của nhà nước xóa bao cấp, mẹ buôn bán đủ thứ để nuôi sống gia đình, từ làm vườn tới buôn thúng bán bưng, mẹ đều làm cả, chẳng nề hà việc gì để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Thậm chí, có giai đoạn khó khăn quá, bố mẹ tôi còn bán cả cánh cửa nhà đi. Tuy nhiên,  chưa bao giờ, tôi nghe mẹ kể lể công lao, kêu ca khó nhọc, than khổ sở. Giờ nghĩ lại, vẫn thấy thương mẹ trào nước mắt”.

Mẹ của chị Mùi và gia đình em trai chị

Mặc dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề như thế nhưng bố mẹ chị Mùi vẫn luôn tạo điều kiện để các con học hành đầy đủ. Ba chị em chị Mùi, chị cả học Đại học Sư phạm I, chị thứ hai học Đại học Y, chị Mùi học trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, bất chấp việc hàng xóm can gián “nuôi con chồng ăn học thì sau này con mình lấy gì mà nuôi”.

Là người phụ nữ đến sau chưa bao giờ mẹ kế chị so sánh mình với người mẹ đã mất, mà luôn hương khói, thờ phụng chu đáo. Có lẽ vì thế mà gia đình nhà ngoại chưa bao giờ can thiệp vào cuộc sống của gia đình chị Mùi. Cuộc sống cứ thế yên ả trôi đi, không có bất cứ điều tiếng gì. 

“Không phải là mẹ kế thì bà tránh, không đụng tới chị em tôi. Mẹ tôi thi thoảng cũng có cáu gắt và to tiếng với chúng tôi nhưng không có chửi bới, mạt sát bao giờ. Nếu bố tôi có mắng chúng tôi thì bà cũng không bao giờ đổ thêm dầu vào lửa bao giờ. Thế nên, cách nghĩ, cách hành động của mẹ luôn khiến tôi thấm thía”, chị Mùi tâm sự.

Bây giờ, chị em chị Mùi đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Chị Mùi cũng đã làm mẹ. Thế nên, chị lại càng hiểu, càng trân trọng những điều mà người mẹ thứ hai đã làm cho mình. Chị bảo “ Mình kể câu chuyện của mình không phải để khoe, để mọi người ngưỡng mộ mẹ mình. Chỉ là, mình thấy mọi người vẫn còn định kiến về mối quan hệ mẹ kế - con chồng quá. Có những người phụ nữ, dành cả tuổi thanh xuân của mình cho một người đàn ông và những đứa con của anh ta, là một lựa chọn đầy dũng cảm rồi. Đừng làm nó khó khăn thêm nữa”. 

Sau câu chuyện này, hy vọng rằng sẽ có thêm những người mẹ thứ hai như mẹ của chị Mùi, luôn yêu thương, chăm sóc con của chồng như con đẻ của mình, để câu thành ngữ “bánh đúc có xương” trôi dần vào dĩ vãng. 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang