Đời không như phim: Cuộc sống đầy tủi nhục của "cô dâu 8 tuổi" ngoài đời thực

Ấn Độ là một đất nước vẫn còn mang nặng những hủ tục lạc hậu, trong số đó nghiêm trọng nhất là vấn nạn tảo hôn khiến vô số các bé gái tuổi đời non trẻ lên xe hoa. Vậy số phận của các bé gái này đi về đâu?

Cuộc sống nô lệ

Radhaben Vaghela, một phụ nữ Ấn Độ ngoài 30 tuổi ngậm ngùi kể về số phận mình: "Tôi không được phép đi học hoặc khuyến khích tìm một công việc. Khi tròn 14, cha mẹ nói đã chọn cho tôi một người đàn ông để kết hôn. Trong vòng vài tuần, tôi phải đến sống với gia đình chồng. Tôi không có quyền lựa chọn, cũng không bao giờ được hỏi có hạnh phúc không khi sống trong gia đình chồng.” 

Sau một đêm, cuộc sống của Vaghela thay đổi hoàn toàn. Cô không còn là cô gái trẻ vô lo chỉ biết chơi đùa cùng anh chị em hoặc chờ mẹ chuẩn bị bữa tối. Cô phải trở thành bahus - một người nội trợ trẻ - và tuân theo các quy tắc của gia đình chồng. "Tôi phải nấu ăn cho cả gia đình và phải đảm bảo đồ ăn được bày lên vào đúng thời gian quy định. Đó là cuộc sống của tất cả phụ nữ phải không?", Vaghela hỏi.

Vaghela chỉ là một trong hàng triệu các thiếu nữ nội trợ bất đắc dĩ ở Ấn Độ. Họ đáng lẽ phải được đối xử như con gái khi ở nhà chồng nhưng trên thực tế, nhiều cô gái bị đẩy vào cuộc sống nô lệ. Những người vợ trẻ này thường bị cấm kiếm tiền, bóc lột sức lao động khi làm việc nhà, tuyệt đối không thể mặc quần áo thời thượng hoặc ra khỏi nhà khi trời tối. 

Những cuộc “hôn nhân không toilet”

Ám ảnh hơn nữa tại Ấn Độ còn tồn tại những cuộc “hôn nhân không toilet”. Những căn nhà tại các vùng quê nghèo thường không có nhà vệ sinh, vì vậy phụ nữ bắt buộc phải đi ra đồng. Ở nông thôn Ấn Độ, mối họa cho phụ nữ khi đi vệ sinh ngoài trời chính là nguy cơ bị mai phục và hiếp dâm tập thể .Đêm ngày 27.5.2014, hai chị em 14 và 15 tuổi đã mất tích tại ngôi làng Katra, huyện Badaun, cách Lucknow - thủ phủ bang Uttar Pradesh thuộc miền Đông Ấn Độ - gần 180 dặm sau khi “đi đồng”. Đến sáng ngày 28.5, một số người dân trong làng phát hiện thi thể của hai cô gái đã bị xâm phạm và treo trên một cây xoài. Người mẹ của hai cô bé vô cùng đau khổ, bà từ chối khoản tiền bồi thường kếch xù và nói: "Tiền không thể trả lại con gái cho tôi, nhưng treo cổ kẻ giết người sẽ làm linh hồn nó được thanh thản". 

Kể từ vụ việc này, những người phụ nữ phải đi vệ sinh thành nhóm đông 10 người trở lên. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô con dâu non trẻ không được người thân dìu dắt và phải đi vệ sinh một mình? 

Và những nhập nhằng với mẹ chồng chị chồng

Xung đột, cạnh tranh giữa các thế hệ phụ nữ trong gia đình cũng là vấn đề gây rắc rối lớn. Quan điểm đàn ông là "đối tác cao cấp" đã ăn sâu, bám rễ vào tự tưởng xã hội Ấn Độ: người chồng có trách nhiệm kiếm tiền và phải đưa số tiền kiếm được cho mẹ đẻ. Nếu anh ta đưa tiền cho vợ, những "trận chiến lớn” trong gia đình sẽ xảy ra. 

Nhưng đó không phải là tất cả. Những cô con dâu trong nhà sẽ được đối xử theo số lượng của hồi môn mà cô mang theo. Các cô dâu quá ít của hồi môn sẽ bị các thành viên trong gia đình nhà chồng bắt xuống dưới bếp. Mẹ chồng hoặc một thành viên khác trong gia đình nhà chồng sẽ đổ dầu ăn lên khắp người họ rồi tự tay châm lửa. Tỷ lệ sống sót của những cô dâu trong hủ tục “đốt cô dâu” là rất thấp.

Cuộc sống bi kịch không lối thoát

Ắt hẳn bạn sẽ tự hỏi: Vậy tại sao họ không kiện cáo, tại sao họ không đệ đơn đòi li dị? Trên thực tế, những cô dâu thoát chết sau khi bị tra tấn kinh hoàng thường không dám tố cáo kẻ gây ra tội ác và phải tiếp tục sống cuộc sống địa ngục ở gia đình chồng, bởi nếu vụ việc vỡ lở, cha mẹ các cô sẽ vô cùng hổ thẹn và không dám ngẩng mặt với hàng xóm láng giềng. Việc ly hôn dường như còn không tưởng hơn, bởi nếp nghĩ trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào xã hội Ấn Độ, vậy nên những phụ nữ ly hôn thường không được chấp nhận ở quốc gia này. 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang