Đừng biến Xuân thành mùa đau thương!

Năm trước, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, cả nước đã xảy ra 368 vụ tai nạn giao thông, làm 203 người chết, hơn 400 bị thương. Trung bình, mỗi ngày có 29 người thiệt mạng. Nguyên nhân chủ yếu, cũng như nhiều năm trước đó, là do người tham gia giao thông sử dụng rượu bia quá nhiều.

Năm nay, dù mới chỉ cận kề Tết, nhưng số vụ tai nạn giao thông đã liên tục tăng. Chỉ tính trong tháng 1/2018, so với tháng 12/2017, số vụ tai nạn tăng trên 12%, số người chết tăng 11%, bị thương tăng gần 6%. Đặc biệt, có tới 24 địa phương để tai nạn giao thông gia tăng. Trong đó có những vụ nghiêm trọng, làm chết nhiều người.

Từ thực tế trên, Bộ Công an đã vừa có công điện yêu cầu công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Thậm chí, Bộ còn yêu cầu lãnh đạo công an các cấp hạn chế họp hành, dành thời gian kiểm tra, đôn đốc trực tiếp trên các tuyến đường.

Tất nhiên, việc xử lý trật tự, an toàn giao thông không phải của riêng ngành công an, và dù có nỗ lực đến mấy, một mình lực lượng này cũng không thể làm nổi. Tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, thậm chí tại nhiều phiên họp của Quốc hội, vấn đề trật tự, an toàn giao thông và trách nhiệm của chính quyền - người đứng đầu địa phương đã từng được đề cập.

Tại một cuộc họp tổ chức vào năm 2017, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia từng nhấn mạnh rằng, mặc dù Đảng, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhưng chúng ta vẫn chưa ra được các quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ. Theo ông Hùng, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương. Nơi nào lãnh đạo quyết liệt thì tình hình chuyển biến, nơi nào thiếu quan tâm thì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý giao thông bị buông lỏng, bộc lộ nhiều bất cập.

Theo ý kiến của nhiều người, nếu gắn trách nhiệm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho người đứng đầu địa phương thì lãnh đạo địa phương sẽ sâu sát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, huyện, thị. Người đứng đầu cấp huyện, thị sẽ triển khai xuống lãnh đạo cấp xã, phường. Chỉ có như vậy, việc triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông mới được cụ thể, thông suốt, mang lại hiệu quả, hiệu lực hơn. Quy định trách nhiệm càng cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, nó sẽ tránh tình trạng cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới, cấp dưới đổ tiếp cho cấp dưới nữa, khi tai nạn thảm khốc xảy ra. Cuối cùng, có khi chỉ mấy ông xã phường là “chịu trận”, còn trên, lại là "phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm".

Chỉ còn vài ngày nữa, một mùa xuân mới sẽ về. Mùa xuân, mùa của sum họp, đoàn viên, của những giấc mơ đang chờ viết tiếp. Không có lý do gì để mùa xuân thành mùa của đau thương. Vì vậy, tất cả mọi người, từ người tham gia giao thông đến lực lượng chức năng, hãy nỗ lực để có một mùa xuân trọn vẹn, để không có gia đình nào phải đội khăn trắng vì tai nạn giao thông trong những ngày xuân mới.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang