Gặp người gói hoa Tết giữ nét đẹp của Hà Nội xưa

Đĩa hoa cúng với những loài hoa vừa có hương vừa có sắc vốn là một nét đẹp trong phong tục đón Tết của người Hà Nội xưa. Qua thời gian, qua sự sàng lọc khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường, phong tục ấy cũng dần bị mai một... Nhưng ngay nơi ồn ào nhất- phố Hàng Khoai bên chợ Đồng Xuân, tôi gặp được người vẫn níu giữ những gói hoa cúng, nâng niu nét đẹp của Hà Nội xưa cũ.

 Bà Thu bán những gói hoa cúng để dâng lên tổ tiên những ngày lễ Tết. Ảnh: K.O

Bà Thu bán những gói hoa cúng để dâng lên tổ tiên những ngày lễ Tết

Gói hương hoa thành kính dâng lên tổ tiên

Ngày tôi còn nhỏ, vào mỗi ngày rằm, mồng một, bà tôi lại chuẩn bị một đĩa hoa dâng lên tổ tiên với đủ những loại hoa như hoa nhài, cúc bán khai, ngọc lan,... điểm thêm vài nhành hoa bưởi hay những bông huệ trắng thơm muốt. Bà đi mang theo cả những kí ức về những đĩa hoa cúng. Những tưởng những kí ức đẹp đẽ về bà, về một phong tục đẹp của người Hà Nội chẳng còn nữa. Nhưng bất ngờ thay, ngay giữa phố thị đông đúc, tôi gặp được người vẫn níu giữ những gói hoa cúng, níu giữ một không khí Tết của Hà Nội xưa cũ.

Giữa những cửa hàng hoa rực rỡ sắc màu, gánh hàng hoa của bà Phan Thị Thu (79 tuổi) lọt thỏm nơi góc phố Hàng Khoai. Sạp hàng của bà đơn giản lắm, vài chiếc rổ nhựa cùng những loại hoa đủ sắc màu. Nhưng ở cái nơi đơn giản ấy, người ta có thể tìm về cả một miền kí ức của Hà Nội xưa.

Có khách đến chơi, như gặp được tri kỉ, bà say sưa kể về lối chơi hoa của người Hà Nội xưa. Bà bảo, ngày xưa các cụ đâu phải không có lọ hoa cắm. Nhưng hoa cúng phải là hoa đĩa với những loại hoa vừa có hương vừa có sắc mới thể hiện sự trang trọng, tấm lòng thảo hiền của con cháu dâng lên các bậc tổ tiên. Cái hay của đĩa hoa cúng còn nằm ở chỗ, đĩa hoa cứ được bày như thế, cho đến khi khô, vẫn thoảng mùi hương như minh chứng cho tâm thành của con cháu.

Lấy một cuốn sách đã cũ mèm từ trong giỏ ra, bà bảo: “Không dễ gì mà hoa cúng đi vào những trang sách, những vần thơ của các nhà văn, nhà thơ. Xưa kia, đĩa hoa cúng mang một ý nghĩa thiêng liêng lắm. Mỗi khi Tết đến xuân về, trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu một đĩa hoa cúng”.

Rồi bà đọc cho tôi nghe những câu văn mà cố nhà văn Băng Sơn đã miêu tả về hoa cúng trong cuốn sách “Thú ăn chơi của người Hà Nội”: "Đĩa hoa cúng thường có nhiều loại hoa, những bông hoa rời đặt lên cái đĩa nhỏ, khô, sạch. Có thể là bông huệ trắng muốt thơm ngát, một bông ngọc lan thơm nồng, một nhánh hoàng lan mềm mại, hương phảng phất. Cũng có khi có nhánh hoa sói, một bông cúc bán khai, một đóa hoa thược dược, một nhánh cúc bách nhật khô cứng, đôi khi vào mùa ít hoa, còn thấy có cả một bông hoa mào gà nữa…”.

Đọc văn của nhà văn Băng Sơn về hoa cúng nghe như xa lắm, ngỡ tưởng những gói hoa cúng chẳng còn ở thành thị này nữa. Nhưng khi gặp bà Thu, không khí Tết của Hà Nội xưa như trở về thật gần. Và cả những kí ức về bà cứ hiện lên trong tôi, bồi hồi, xao xuyến.

Trong gói hoa của bà Thu thường có những loại hoa như hoa hồng, hoa lan tây, hoa bưởi, hoa móng rồng, sói trắng... Gói hoa cúng có thể có nhiều hay ít tùy theo nhu cầu của khách hàng tuy nhiên nhỏ nhất cũng phải đảm bảo đủ từ 5-7 loại hoa, nhiều có thể lên đến 13-15 loại. Hơn nữa, theo quan niệm dân gian, số hoa cúng nhất định phải là số lẻ.

Bà bảo, để gói được một gói hoa cúng, trước tiên khâu lựa chọn hoa là cực kỳ quan trọng, trong đó không thể thiếu hoa bưởi, hoa móng rồng, hoa sói, lan tây, hoa hồng; tiếp đó, lá dùng để gói hoa cũng phải lựa thật kỹ, phải là lá dong bồ tát (lá dong nếp, nhỏ, dài, bóng đẹp), nếu hết mùa thì được thay thế bằng lá chuối, tuyệt nhiên không dùng bất kỳ loại lá nào khác. Sau đó, cắt vuông góc rồi gập 1/3 lá lại theo hình củ ấu, rồi dùng dây lạt buộc thắt lại (lạt được chẻ mỏng, mềm và dai).

Mỗi mùa bà Thu bán từng loài hoa khác nhau nhưng tất thảy đều phải là những loại hoa vừa có hương, vừa có sắc. Bà Thu chọn hoa khéo lắm. Những bông lan tây vàng óng tỏa hương. Bên cạnh đó là những rổ hoa hồng, hoa cúc,... Mỗi một loại hoa một hương một sắc quyện lại với nhau tạo nên một hương thơm dịu nhẹ, man mác làm say đắm lòng người.

Có khách đến mua hàng, bà nhanh nhẹn chọn từng loại hoa, đặt trong những chiếc lá dong bồ tát, nhẹ nhàng gói lại vuông vắn như chiếc bánh chưng. Ở cái độ tuổi xưa nay hiếm nhưng đôi bàn tay của bà vẫn khéo léo gói hoa. Bà bảo: “Gói hoa không đòi hỏi sự quá khéo léo nhưng nhất định phải là người nền tính. Từng loại hoa được sắp xếp ngay ngắn trong chiếc lá dong bồ tát, nếu không cẩn thận khi gói lại lá dong sẽ bị rách, những nhành hoa bên trong cũng sẽ bị nát theo”.

Nhọc nhằn níu giữ một phong tục

 Gói hoa cúng phải là những loại hoa vừa có hương, vừa có sắc như hoa bưởi, hoa lan tây, hoa móng rồng, hoa hồng, hoa sói...

Gói hoa cúng phải là những loại hoa vừa có hương, vừa có sắc như hoa bưởi, hoa lan tây, hoa móng rồng, hoa hồng, hoa sói...

Bà bảo, trước kia mỗi độ Tết đến xuân về, gánh hàng hoa của bà lại đông nghịt người mua hoa. Có người mua liền cả chục gói để dùng dần. Mỗi ngày mở một gói, đưa ra đĩa rồi đặt lên bàn thờ, để gửi tấm lòng của mình đến gia tiên. Bà còn nhớ, cứ mỗi sáng mùng 1, trong cái rét ngọt của ngày đầu xuân, mùi hương của đĩa hoa cúng quyện trong hương trầm thơm dịu lan tỏa khắp ngôi nhà làm ấm sực không gian của gia đình, báo hiệu một năm mới ấm êm, an lành.

Nhưng ngày nay, nếu thử hỏi 10 người, thì chắc có đến chín người chỉ quen hoa cắm. Khách hàng của bà cũng vì thế mà thưa dần, người đến tìm mua phần nhiều là những người hoài cổ, muốn giữ lại nét xưa giống như bà.

Nhưng không vì khách hàng thưa dần mà bà Thu thôi bán hoa cúng: “Tôi sẽ còn gói những gói hoa cúng đến khi không còn gói được nữa thì thôi”. Sinh ở làng hoa, lớn lên bên những luống hoa, rồi 13 tuổi đã bắt đầu đi bán hoa cùng gia đình kiếm sống, không biết có bao nhiêu đĩa hoa dâng lên tổ tiên đã qua bàn tay của bà. Vậy nên, không dễ gì nói bỏ là bỏ.

Bà Thu vẫn còn nhớ như in những bài học đầu đời, khi mẹ dạy rải chiếc lá dong ra, xếp hoa cho thật khéo, cuộn lại vừa đủ kín mà không chặt để hoa khỏi nát. Hoa lan, hoa ngâu, hoa sói, hoa nhài... là những loài hoa cúng mà người Hà Nội xưa ưa nhất. Ngày đó, người làng Ngọc Hà quê bà tự hào lắm vì đĩa hoa cúng là đặc sản riêng của người làng hoa mà không nơi nào có. Vì thế, ngày xưa người làng Ngọc Hà cắp rổ đi bán hoa rong khắp nơi, từ nhỏ cho đến già, họ đi khắp từ phố nọ sang phố kia, mệt, nhưng rất vui vì họ giữ được truyền thống gia đình, giữ được nét đẹp tão nhã, đời thường của người Hà Nội.

Nhưng đến nay, cả Hà Nội có lẽ chỉ còn mình bà Thu vẫn cố giữ những gói hoa cúng, như cố níu giữ những kí ức của Hà Nội xưa cũ, mong ước của bà, cũng gặp phải lắm nhọc nhằn, khó khăn khi ngày nay chẳng còn mấy ai trồng những loại hoa cúng. Người nông dân, ai cũng muốn quay vòng mùa vụ càng sớm càng tốt, trong khi trồng những loại hoa để làm thành đĩa hoa cúng phải mất cả nửa năm mới thu hoạch được một vụ.

Bây giờ bà Thu cũng vất vả lắm mới gom mua được những thứ hoa ít ỏi còn sót lại. Có những khi bà phải xuống tận những vùng Tây Tựu, Diễn hay lên hẳn Sơn Tây để tìm những loài hoa cho gói hoa cúng ngày Tết.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Thu luôn mang trong mình một nỗi buồn mang mác. Bà sợ rằng, sau này bà mất đi sẽ chẳng còn ai bán, chẳng còn ai nhớ đến những gói hoa cúng ngày Tết. Ngay cả những người con của bà, cũng có người bán hoa nhưng chẳng ai bán hoa cúng giống như bà. Bởi lẽ, bán hoa cúng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận mà số tiền thu lại chẳng đáng là bao.

Mỗi khi có khách đến mua, bà lại kể ý nghĩa của những gói hoa cúng, kể về một phong tục đẹp của người Hà Nội xưa. Có khách lạ đến mua bà vui lắm, bởi lại có thêm một người nhớ đến những gói hoa cúng, nhớ đến bà Thu bán hoa.

Bà kể, có những vị khách là Việt kiều về nước, họ nhớ bố mẹ mình xưa thường mua gói hoa cúng để dâng lên tổ tiên. Họ tìm khắp Hà Nội nhưng chẳng còn ai bán. Rồi họ biết đến bà qua sách báo. Bà lại cùng họ ôn lại những kí ức của Hà Nội xưa như một cách níu giữ một phong tục đang dần bị mai một.

“Thân già như tôi, chẳng thể nào giữ được một phong tục đang dần bị mai một. Nhưng ngày nào còn sống tôi sẽ còn bán hoa cúng, sẽ mang những câu chuyện về hoa cúng đến với nhiều người để mong rằng họ có thể thay tôi giữ một phong tục đẹp của người Hà Nội” bà Thu tâm sự.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang