GS Ngô Bảo Châu trong câu chuyện của mẹ

Sinh ra trong một gia đình mà gia đình bên nội có gene tài năng Toán học, bên ngoại từng có người làm quan qua 4 triều vua nên từ nhỏ, GS Ngô Bảo Châu đã thừa hưởng tố chất thông minh hơn người, nhất là về Toán. 4 tuổi đã biết đọc biết viết, biết làm Toán, 16 tuổi đã sang trời Âu du học và sau đó giành giải thưởng Fields danh giá số 1 ngành Toán, hơn 20 năm trời bôn ba khắp trời Âu, đất Mỹ, GS Ngô Bảo Châu chỉ ăn Tết Việt có… 3 lần. Trong câu chuyện đầu năm 2018, mẹ GS đã tiết lộ nhiều điều thú vị về kỳ tài đất Việt này.

 GS Ngô Bảo Châu cùng bố mẹ trong một kỳ nghỉ tại châu Âu.Ảnh: NVCC

GS Ngô Bảo Châu cùng bố mẹ trong một kỳ nghỉ tại châu Âu.Ảnh: NVCC

Cả tuổi thơ gắn liền nhà ngoại

Sống trong căn hộ cao cấp ở chung cư Vincom Bà Triệu (căn hộ được chính phủ tặng sau khi GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields) nhưng cách bài trí trong ngôi nhà của gia đình giáo sư khá giản dị. Mẹ GS Châu- PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền - nguyên cán bộ Viện Y học cổ truyền Trung ương bảo, gần đây, Châu cho người sửa sang và thay đổi một số chức năng. Phòng ngủ được biến thành phòng khách, còn phòng ngủ lại rời ra phía cửa chính. Thay đổi này mang lại cho phòng khách và gian bếp nhiều ánh sáng hơn, vì đó là không gian được sinh hoạt nhiều nhất. Châu là người ưa sạch sẽ và thích ngôi nhà thật ít đồ đạc, vừa đỡ phải dọn dẹp nhiều, vừa nhường diện tích cho không gian sống nhiều hơn”.

Trò chuyện với PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền mới biết, bà vốn thuộc hàng “trâm anh thế phiệt”. Cụ nội của bà từng được phong đông các học sĩ Trần Lưu Huệ, làm quan qua 4 triều vua rồi đến chức Tổng đốc Hà Nội Tên Lưu Huệ của cụ là do vua ban cho. Còn thân sinh bà Vân Hiền - cụ Trần Lưu Hân vốn là học sinh trường Bưởi cùng lớp với những nhà trí thức lớn như Hồ Trúc, tức Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Tài Uyên; ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và GS, NGND Ngô Thúc Lanh. Sau khi nước nhà độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi xóa giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông mở trường tư thục đầu tiên của Hà Nội mang tên Chu Văn An tại phố Bạch Mai. Trường hoạt động bằng tiền của gia đình, do ông làm hiệu trưởng. Theo bà Vân Hiền, “sau này đi theo cách mạng, ba tôi đã hiến cho nhà nước 28 cái nhà, chỉ giữ lại một căn hộ nhỏ ở phố Phù Đổng Thiên Vương”.

Tính ra, gia đình GS Châu có tới 5 đời ở Hà Nội và chủ yếu sống ở phố cổ. “Lúc nhỏ thì ở Phù Đổng Thiên Vương, sau ra Mai Hắc Đế, Bùi Thị Xuân, xa nhất là phố Cửa Bắc. Thế nên khi được tặng ngôi nhà này, Châu thích vì cuối cùng lại được quay về với khu phố cổ. Mỗi lần về đây, hai mẹ con đi ăn sáng, cảm giác giống như ngày xưa hai mẹ con ở bên nhau vậy”, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền nói.

Người ta nói, con trai hay thân với mẹ nhưng bà Vân Hiền bảo, Châu còn “quấn” ông ngoại hơn nữa. Phần vì bố Châu đi suốt, sinh xong là đi bộ đội 15 năm. Lúc đó, bố của Châu đã tốt nghiệp Phó tiến sĩ Toán Lý ở Nga. Thế nên sau này khi phục vụ trong quân đội, ông tiếp tục được cử đi nghiên cứu tại Nga để hoàn thành luận án Tiến sĩ khoa ­học. Hai mẹ con nhờ cậy ông bà ngoại suốt những năm tháng ấy. Đó là khoảng thời gian rất đẹp của Châu, nhất là sau này Châu sống ở nước ngoài nên ký ức về những ngày sống ở 47 Hàng Bài (cạnh rạp Tháng 8) càng quý giá với Châu. “Châu quý ông ngoại lắm, vì ông rất hiền lành và thương Châu vô cùng. Đến nỗi, có nhiều chuyện ông không nói với tôi nhưng lại kể hết với Châu”, bà Vân Hiền nhỏ nhẹ nói.

Bà Vân Hiền đưa cho chúng tôi xem một bức tranh nhỏ, được đặt ở gần khu vực bàn ăn. Bà bảo, “bức tranh này được bố cô mua ở Sài Gòn sau giải phóng. Nó rất bình thường chứ không phải của họa sĩ nổi tiếng nào cả. Ấy vậy mà khi Châu từ Pháp về, thấy để ở nhà cậu ruột thì cứ nằng nặc xin lại bằng được vì đó là kỷ niệm của ông. Còn cái tủ của ông nữa, lâu lâu Châu lại giục mẹ hỏi xem ở đâu để “mang về nhà cho con””.

4 tuổi đã biết đọc biết viết

Hỏi bà Vân Hiền, từ bé có áp dụng cách nuôi dạy đặc biệt nào dành cho GS Châu không, bà chậm rãi kể: “Châu được như hôm nay là nhờ rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là gene toán học từ bên nội. Bố Châu theo khoa học tự nhiên, là GS chuyên ngành Toán cơ. Bác ruột của Châu cũng là GS Toán nổi tiếng về Đại số, GS-NGND Nguyễn Thúc Lanh. Sau đó là sự nỗ lực và niềm say mê của Châu và để thành công cũng phải trải qua sự học hành gian khổ”.

Từ nhỏ, GS Châu đã bộc lộ tài năng về Toán học. 4 tuổi đã biết đọc biết viết, do một chị ở nhà hàng xóm dạy cho. Nhưng quan trọng hơn cả là anh được tiếp xúc với môi trường giáo dục tốt, với nhiều thầy giỏi. Bước ngoặt đầu tiên là học ở trường Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, nơi thiên về phát triển tư duy, rất phù hợp với tố chất của anh khi đó. Cho đến khi học trò của GS.TSKH Ngô Huy Cẩn - bố của GS Châu cũng vừa đi nghiên cứu sinh về Toán học đến chơi. Thấy Châu tư chất thông minh, say mê Toán học hơn người nên tư vấn cho GS.TS Ngô Huy Cẩn để con trai thi vào chuyên Toán. Vậy là Ngô Bảo Châu thi vào chuyên toán ở Trường Trưng Vương, cũng là ngôi trường mà mẹ anh từng theo học. Lên cấp 3 anh thi vào chuyên toán của Đại học Tổng hợp. Học hết lớp 12, với thành tích HCV trong kỳ thi Olympic về Toán lần hai, Ngô Bảo Châu được nhà nước cho đi học ở Hungari. Cùng thời điểm đó, anh cũng nhận được một suất học bổng của chính phủ Pháp và quyết đinh theo học tại đây. Anh chính là người đầu tiên nhận được học bổng đại học của Pháp, trước đó chương trình học bổng được ký giữa hai nước chỉ dành cho thực tập sinh sau đại học.

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền nhớ lại: “Dù đã có học bổng nhưng đi học ở nước ngoài trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước nên Châu cũng phải tự lập nhiều lắm. Châu rất thích đọc sách văn học nhưng lúc đó làm gì có tiền để mua. Nghe con nói “mỗi khi trả sách cho bạn là như bị mắt cái gì đó” mà thương. Thế nên mua được quyển nào là Châu giữ kỹ lắm. Châu cũng rất am hiểu về âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển nhưng tự học là chính cũng có thời gian, Châu học violon như truyền thống gia đình.

Nếu như với Toán học, GS Ngô Bảo Châu thừa hưởng từ bên nội thì “tính cách và nhân cách sống lại ảnh hưởng từ mẹ và gia đình bên ngoại phần nhiều. Ảnh hưởng không phải vì được dạy dỗ nhiều hơn những đứa trẻ khác đâu. Truyền thống gia đình, tình yêu thương đầy ắp và quý trọng lẫn nhau thì một lúc nào đó, con cái sẽ nhận được phúc phần” - bà Vân Hiền chia sẻ.

Hồi còn ở khu tập thể Nam Đồng, có hôm thấy mẹ xách nước từ dưới lên rất vất vả nên Châu phụ mẹ việc giặt quần áo. Bà đi làm về thấy quần áo đã được giặt rồi thì trêu con: “Đàn ông không được giặt quần áo phụ nữ đâu, như thế là học dốt đấy”. Nhưng Châu bảo, con làm để giúp mẹ và để đầu óc được giải lao, thư giãn. Suốt ngày cặm cụi với sách vở, con số, nhiều lúc cô cũng “xót” và thấy sợ cho con. Bà kể: “Hôm rồi đi Nha Trang, bạn cô bảo mua yến sào cho Châu ăn vì yến rất tốt cho thần kinh, giúp tăng trí nhớ. Mang về thì Châu trêu: “Con đang muốn quên đi không được mẹ lại bảo con ăn để nó không ra khỏi đầu con được à?”. Những lúc căng thẳng, Châu rất khó chịu nếu nhà cửa bề bộn và rất thích ngồi trong một không gian yên tĩnh. Châu nhận căn hộ này cũng là vì vậy. Có một căn biệt thự cao cấp do ông Đào Hông Tuyển tặng, Châu nhận để làm nơi ươm mầm cho các tài năng trẻ Toán học và là địa điểm sinh hoạt học thuật cho công đồng những người làm Toán.

Hơn 20 năm chỉ về quê ăn Tết được 3 lần

18 tuổi đã đi du học rồi sinh sống ở Pháp, ở Mỹ từ đó cho đến nay nên tính ra, GS Châu chỉ về Việt Nam ăn tết với bố mẹ được chừng 3 lần. Từ ngày nhận được giải thưởng Fields thì anh về Việt Nam làm việc nhiều hơn. Mỗi khi nhận lời mời làm việc ở nước nào đó dài hơi, anh lại kết hợp đưa bố mẹ sang du lịch. “Năm ngoái, Châu làm việc ở Thụy Sĩ, cô sang đó chơi với Châu 3 tháng và được sống lại những kỷ niệm như thời hai mẹ con còn ở với nhau”, PGS Vân Hiền giọng bùi ngùi.

Nhắc đến Tết, bà Vân Hiền tâm sự: Bây giờ có tuổi rồi nên cô cũng lười chuẩn bị, chứ lúc trẻ chăm chỉ, đảm đang lắm. Học trường Trưng Vương nên học sinh thời của cô được dạy rất kỹ về nữ công gia chánh. Con gái trường đó ai cũng nấu ăn khéo nên cứ Tết đến là làm rất nhiều thứ, nào các loại mứt, ô mai, làm hoa để trang trí nhà cửa... Hồi đó nhà nào cũng khó khăn nhưng đều chuẩn bị cái Tết rất tươm tất. Năm nào cô cũng tự tay gói bánh chưng, mà gói rất đẹp nữa. Châu thích nhất là được cùng ông ngoại canh nồi bánh chưng, hào hứng chờ chiếc bánh được vớt ra ép lại...

“Bây giờ Tết không còn hào hứng như xưa, mình cũng thích nghi dần nhưng có một điều cô rất tiếc là khung cảnh chợ hoa tết ở Hàng Lược. Ngày trước, cứ gần Tết, được dạo chợ hoa Hàng Lược là thích lắm, vì có rất nhiều hoa của Hà Nội. Giờ thì vẫn bán nhưng không còn bản sắc của Hà Nội nhiều nữa. Từ khi Châu đi du học ở Pháp thì về ăn Tết được khoảng 3 lần. Lần gần đây nhất là năm 2013 hay 2014 gì đó. Lúc đó gia đình cô đang ở Trung Kính. Đêm Giao thừa, Châu lấy xe máy chở mẹ đi lễ chùa và bảo, “bố mẹ cô đơn quá, từ năm sau trở đi con về hoặc Thanh (vợ) sẽ đưa các cháu về ăn Tết với bố mẹ. Nói thế nhưng rồi có về được đâu. Mặc dù cô rất quen với cảnh vắng con rồi nhưng cứ mỗi đêm Giao thừa, nghe Châu gọi điện về và hỏi “mẹ chuẩn bị đến đâu rồi?” là cô lại buột miệng: “Con không về nên mẹ chả sắm gì cả”. Chú cứ nói cô là “đằng nào chả thế, quen rồi mà em cứ nói thế làm con nó lại suy nghĩ”. Cô hiểu rõ lắm chứ, nhưng nó cứ tự bật ra thế thôi. Tết là sum họp gia đình nhưng nhà mình toàn chúc nhau qua điện thoại” - Bà Vân Hiền lại bùi ngùi.

“Cũng may anh Châu được nhiều người quý mến nên mấy năm nay, khi cô chú yếu đi rồi thì các bạn của Châu xúm vào sắm tết cho cô chú. Như anh Dương ở Viện Toán Cao cấp, năm nào cũng mua một cành đào thật đẹp và hai con gà quê mang sang. Cứ mỗi người một ít như vậy khiến cô hầu như không phải sắm sửa gì cho ngày Tết. Cô cứ dặn là “chỉ nhận nốt năm nay thôi đấy” nhưng có ai nghe lời đâu, sang năm lại thế. Cố biết là vì Châu ở xa, mọi người làm thế là để cô chú bớt lẻ loi khi Tết đến Xuân về” - mẹ GS Ngô Bảo Châu ngập tràn ánh mắt tươi vui.

33 tuổi là Giáo sư, 35 tuổi giành giải thưởng Fields

Ngô Bảo Châu là học sinh Việt Nam đầu tiên hai lần đoạt Huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế tại Úc năm 1988 và tại Liên bang Đức năm 1989. Cũng trong năm 1989, anh sang Pháp học tại ĐH Paris 6 và bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại ĐH Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại ĐH Paris 11 và đầu năm sau trở thành giáo sư của đại học này.

Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư và trở thành Giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam. Năm 2007, sau khi chứng minh được “bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp

Ngày 19/8/2010 tại Lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad (Ấn Độ), bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ đã trao Huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học cho GS Ngô Bảo Châu. Đây là niềm tự hào của người Việt Nam nói chung, của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, khi trí tuệ Việt vươn lên đỉnh cao của khoa học nhân loại và được khẳng định trên trường quốc tế.

Ám ảnh chuyện rửa bát

Ngô Bảo Châu ham học bao nhiêu thì cũng ám ảnh chuyện rửa bát bấy nhiêu. Mẹ anh kể rằng, lúc còn sống ở 47 Hàng Bài, cả nhà trông chờ vào gánh xôi chè của bà ngoại vì mẹ bà nấu ăn rất khéo. Bố bà vốn là con nhà quan, vậy mà vẫn phải lao vào phụ mẹ bán xôi chè.“Châu cũng theo ông ngồi nặn bánh trôi bánh chay, rửa bát suốt cả tuổi thơ. Đó là công việc mà Châu rất không thích, dù việc bếp núc cái gì cũng phải biết làm. Đến lúc đi học phải tự lo việc nhà nên mỗi khi mẹ sang Pháp thăm thì việc đầu tiên Châu nhờ mẹ là: “Mẹ rửa bát cho con, con chán cái việc rửa bát lắm rồi.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang