Không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau

Đó là câu mà chúng ta vẫn thường nói. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, với tất cả tính cách, sở thích, khả năng học hỏi, thế mạnh, điểm yếu khác nhau. Cho dù chúng có là sinh đôi cùng trứng và cùng giới tính.

Đó là điều mà hẳn bố mẹ cũng nghe và cũng hiểu. Nhưng điều đó không được chuyển hóa thành hành động, thành tôn chỉ trong giáo dục, tôn trọng trẻ, để trẻ được tự do là chính mình. Những gì mà cách thức giáo dục truyền thống đang làm là ném tất cả lũ trẻ vào chung một cái hộp và kỳ vọng rằng chúng có thể làm được cùng một việc ở một mức độ và tốc độ như nhau. Những kỳ thi, những thang điểm không phải nhằm giúp chúng biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình để từ đó phát triển mà là để xếp hạng, đánh giá, để xem một đứa trẻ có "đạt chuẩn" hay không.

Trên thực tế, việc thiết lập các chuẩn mực, đặt ra các mục tiêu không có gì là sai. Nhưng đáng lẽ chúng phải được tạo ra dựa trên những nguyên lý cơ bản về sự phát triển của trẻ và dành cho trẻ chứ không phải được dựa trên những kỳ vọng vô lý và tham lam của người lớn.

Nếu tất cả những chuẩn mực, những chương trình học cải tiến kia là đúng, chúng ta phải khẳng định rằng trẻ em ngày nay phải thông minh hơn, giỏi giang hơn chúng ta đã từng. Nhưng trẻ em ngày nay không đạt được các cột mốc về phát triển sớm hơn chút nào so với trẻ em ở đầu thế kỷ 20.

Ảnh: Matheus Bertelli

Hãy thử hình dung, tuổi trung bình để trẻ biết đi là 12 tháng - một nửa trong số đó sẽ biết đi trước 12 tháng, một nửa phải bước qua sinh nhật 1 tuổi mới chập chững những bước đi đầu tiên. Khoảng thời gian bình thường cho việc biết đi kéo dài suốt từ 8 tháng đến 17 tháng. Điều này cũng tương tự với khả năng đọc. Tuổi trung bình cho một đứa trẻ học đọc là 6 tuổi rưỡi - và một lần nữa 50% trẻ hứng thú với việc đọc trước khi 6 tuổi và 50% thờ ơ coi những con chữ như những bức tranh trừu tượng. Mong muốn một đứa trẻ khi "tốt nghiệp" mẫu giáo là phải biết đọc là một trong những kỳ vọng sai lầm của giáo dục ngày nay. Bởi lẽ, khi chúng ta khởi động một thứ mà bộ não chưa được chuẩn bị, chúng ta sẽ thất bại và gánh chịu hậu quả.

Những ai hiểu về quá trình phát triển của trẻ cũng biết:

- Việc tất cả trẻ em biết/làm cùng một thứ ở cùng một độ tuổi là không thể.

- Tất cả trẻ em đều trải qua các giai đoạn phát triển như nhau nhưng ở rất nhiều tốc độ khác nhau.

- Mỗi một mặt của trẻ - nhận thức, thể chất, cảm xúc, xã hội - cũng đều có tốc độ phát triển riêng.

Và điều quan trọng là sự phát triển của trẻ chắc chắn không thể được đẩy nhanh hay "chín ép" bằng bất kỳ cách nào.

Tất cả những điều này đều đã được chứng minh bằng khoa học, bằng các kết quả nghiên cứu. Nhưng các bố mẹ cũng không cần đến các nghiên cứu để chứng minh điều này. Hãy đơn giản là nhìn vào một cặp sinh đôi, hay 2 anh/chị/em ruột để thấy sự khác biệt. Cùng xuất phát, cùng sống trong một môi trường như nhau, nhưng anh/chị/em vẫn luôn có những sự khác biệt về tính cách, sở thích, kỹ năng cũng như cách học. Vậy thì có lý gì các bố mẹ lại mong đợi con mình giống "con nhà người ta"?

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang