Nao lòng “bánh đúc có xương”

Câu chuyện về chị Phạm Thị Nức (SN 1970) trú tại xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang (Hải Dương) đang gây nhiều xúc động cho những người dân nơi đây. Bởi lẽ, ngoài sự thương cảm về căn bệnh hiểm nghèo mà chị đang mắc phải, người ta xúc động vì tình yêu thương dành cho chồng, cho con chồng của chị đã xóa đi mặc cảm “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.

Rơi nước mắt vì con chồng đến tận nhà đón

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi gặp được chị đúng dịp Trường mầm non, nơi chị công tác đang làm đồ dùng đồ chơi cho hội thi sắp tới.

Sinh ra trong gia đình đông chị em, Nức là chị cả. Sau khi học xong cấp 3, vì gia đình khó khăn nên chị ở nhà giúp bố mẹ lao động. Nhận thấy là người có năng lực và nhiệt huyết với phong trào, địa phương đã đưa chị vào tổ chức Đoàn. Sau đó, chị đi học và trở thành giáo viên mầm non của xã. Ở thời điểm này, các bạn cùng trang lứa đều xây dựng gia đình, có con, nhưng chị vẫn “phòng không đơn chiếc”. Không phải vì kém nhan sắc, vì kén chọn mà vì lúc đó chị mải mê công việc quá.

Chị cho biết: “Ngày đó khi thấy các bạn đều có gia đình, bố mẹ tôi cũng giục, song tôi vẫn chưa có ý định xây dựng gia đình mà nghĩ là “tùy duyên. Cho đến khi người chồng bây giờ đến hỏi cưới…”.

Nhớ lại lần chồng vào nhà tìm hiểu, chị Nức cười, bởi lẽ ở tuổi đó, chị không hề nghĩ vẫn có người đến hỏi mình làm vợ. Tuy nhiên, câu chuyện về người vợ bạo bệnh đã mất, cảnh “gà trống” nuôi ba người con khiến chị cảm nhận được tình yêu xuất phát từ tình thương và trái tim tưởng chừng đã khép lại. Ngày chị về nhà chồng, những người con của chồng đã đến tận nhà để đón. Riêng chuyện này khiến chị không cầm được nước mắt.

Chị Nức hướng dẫn các trẻ trong giờ học tại Trường Mầm non Vạn Phúc.Ảnh: ĐT

Chồng chị tên là Phạm Văn Toán (SN 1952, cùng quê) hơn chị gần 20 tuổi. Ngày ra UBND xã đăng ký kết hôn, chị Nức mới biết năm sinh của chồng. “Trong quá trình tìm hiểu, chưa khi nào tôi hỏi về tuổi của anh ấy và cũng không biết anh ấy có mấy người con nữa. Khi biết năm sinh của chồng, tôi chỉ ngạc nhiên khi hơn tôi nhiều tuổi, càng thấy thương anh ấy hơn khi nhiều năm phải một mình “gà trống nuôi con” trong lúc người vợ cả mất vì bạo bệnh”.

“Con chồng là nghị lực để tôi vượt qua bệnh tật”

Trong suốt câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, nhiều lúc hai khóe mắt chị Nức nhòa lệ bởi niềm hạnh phúc giản đơn. Hạnh phúc bởi những người con chồng hiếu thảo và rớm nước mắt bởi những khó khăn từ căn bệnh ung thư mà chị đang đối mặt.

Ngày về gia đình nhà chồng, việc đầu tiên chị nghĩ đến là xây cất phần mộ cho người vợ cả; cùng chồng chăm sóc nuôi các con ăn học để mong sau này các con có được nghề làm đỡ vất vả. Chị đã cùng chồng đứng ra tổ chức lễ cưới cho hai người con gái đầu, nuôi con trai thứ 3 học ngành và sửa sang nhà cửa. Đến tháng 3/2015, chị phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư hạch và đến nay bản thân trải qua 6 lần truyền hóa chất, 15 lần xạ trị tốn hàng trăm triệu đồng.

Chị Nức tâm sự: “Những ngày đầu được bác sĩ kết luận bị bệnh ung thư, tôi suy sụp tinh thần và cảm thấy chán nản, sụt cân tiều tụy đi trông thấy. Lúc đó, ai rơi vào hoàn cảnh tôi thì cũng vậy thôi. Nhiều đêm, tôi không ngủ được, suy nghĩ và thấy thương các con, thương chồng và thương người con út vẫn còn đi học. Nhưng tất cả mọi thứ ấy nhanh chóng qua đi khi chính các con của chồng đã ở bên tôi, giúp tôi vượt qua tất cả sự đớn đau, nỗi buồn để có tinh thần lạc quan chiến đấu căn bệnh hiểm nghèo”.

Từ khi mắc bệnh, không biết bao lần chị phải đi viện điều trị và những lúc đó, những người con của chồng luôn bên cạnh chăm lo như chính người mẹ ruột của mình. Thậm chí, những người cùng phòng bệnh không biết những người con là con riêng của chồng nên khi chị mở lòng chia sẻ, ai nấy đều cảm phục và cảm thấy ấm lòng.

Chị thật sự hạnh phúc vì tuy bản thân không sinh ra ba người con nhưng chưa khi nào các con chồng coi chị là “dì ghẻ”. Ngược lại, chị cũng chưa bao giờ nghĩ những người con ấy là con riêng. Bởi chị tâm niệm, đã lấy chồng thì những gì của chồng là của mình, con của chồng cũng là con mình sinh ra. Với chị, những người con ấy đã thiếu vắng, đã chịu rất nhiều thiệt thòi khi mất đi người mẹ hiền thân yêu thì mình càng cần bù đắp, cần là người mẹ thứ hai của chúng.

“Câu chuyện về cô Nức khiến giáo viên nói riêng và người dân nơi đây dành nhiều tình thương và sự cảm phục. Cô không chỉ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương mà còn là hình mẫu về sự tận tình, chu đáo chăm lo cho gia đình, cho các con của chồng cũng như tinh thần lạc quan vô tư chống chọi với bệnh tật”, cô Phạm Thị Dự, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Vạn Phúc cho hay.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang