Nguy cơ tử vong cao vì mắc những sai lầm này khi điều trị sốt xuất huyết

Dưới đây là những quan niệm sai lầm cần tránh khi điều trị và chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Hiện có hơn 50.000 ca mắc trên cả nước, 16 ca tử vong do sốc không hồi phục, trong đó có 4 - 5 trường hợp xuất huyết não. Trong khi đó, dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, đặc biệt nhiều người bị sốt xuất huyết tự ý điều trị tại nhà và tùy tiện uống thuốc hạ sốt, kiêng khem không đúng cách... khiến nguy cơ biến chứng cao, thậm chí tử vong.

Sau đây là những quan niệm sai lầm cần tránh khi điều trị và chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết.

Lạm dụng thuốc hạ sốt

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường rất khó hạ sốt trong những ngày đầu. Nhiều bậc phụ huynh nóng lòng giảm nhiệt cho con nên liên tục dùng thuốc hạ sốt hoặc tự tăng liều thuốc, dùng kết hợp thuốc uống và đặt hậu môn... Điều này sẽ dẫn đến quá liều, gây tổn thương gan. Khi bị suy giảm chức năng gan sẽ làm nặng thêm tình trạng rối loạn đông máu, càng làm cho xuất huyết thêm trầm trọng. 
Lời khuyên cho cha mẹ là nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Đồng thời, không nên ủ ấm trẻ quá mức.

Không cẩn thận khi mua thuốc hạ sốt

Không phải loại thuốc hạ sốt nào cũng có thể sử dụng khi bị sốt xuất huyết. Đối với người mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt aspirin và ibuprofen bởi chúng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu làm cho nguy cơ chảy máu tăng lên, nguy hiểm đến tính mạng. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol vì thuốc này tương đối không độc với liều điều trị. 

Nghĩ rằng chỉ mắc sốt xuất huyết một lần trong đời

Thực tế, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp vi rút Dengue còn lại, thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.

Hiểu sai về con đường lây lan bệnh

Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Kiêng tắm, kiêng ăn

Cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc sốt xuất huyết kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh. Trái lại, kiêng ăn, kiêng tắm sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch...

Tự ý truyền dịch

Việc tự ý truyền dịch tại nhà do bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.

Lạm dụng kháng sinh

Sốt xuất huyết do virut gây nên mà kháng sinh lại không diệt được virut. Việc tự ý mua kháng sinh về dùng sẽ gây lãng phí tiền bạc, người bệnh lại có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc (nhất là đối với người có cơ địa dị ứng) làm cho người bệnh cùng một lúc mắc nhiều bệnh như vừa bị sốt xuất huyết, vừa bị dị ứng thuốc, việc chữa trị sẽ phức tạp hơn, tốn kém rất nhiều cho người bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời sẽ dễ dẫn tới tử vong. Vì vậy, khi người bệnh có các biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sốt như sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu chán ăn, buồn nôn; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; da sung huyết (thường có chấm xuất huyết ở dưới da), chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam... cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang