Nhà 5 người,3 người sốt xuất huyết, ông bố trẻ chia sẻ kinh nghiệm 10 ngày "sống chung với sốt"

Gia đình có 5 người nhưng hết 4 người sốt, trong đó 3 người bị sốt xuất huyết. Sau 10 ngày “chiến đấu” cùng căn bệnh nguy hiểm này, facebooker Dương Bùi - một ông bố hai con đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân và gia đình sau đợt sốt dịch để mọi người cùng nâng cao ý thức cảnh giác, phòng, chống căn bệnh đang rất “hot” này.

Ngoài 3 người mắc Sốt xuất huyết (SXH) là anh, vợ anh và bác giúp việc thì hai đứa trẻ trong nhà cũng sốt nhưng may mắn chỉ là sốt thường. Riêng bản thân anh, kể từ khi phát bệnh đến đúng 10 ngày sau mới thuyên giảm nhưng dư âm của nó chắc sẽ còn kéo dài cả tháng sau nữa, dù anh rất chú trọng ăn uống, ngủ và nghỉ ngơi.


Gia đình anh Dương Bùi


Bài đăng của anh nhận được hơn 7 nghìn lượt thích

Những chia sẻ dưới đây của anh thực sự rất cần thiết trong hoàn cảnh bệnh sốt xuất huyết hoành hành dữ dội như hiện nay:

1. Triệu chứng:

- Sốt cao từ 38 - 40oC, bao gồm cả sốt nóng và sốt lạnh, vừa sốt lạnh run người, đắp 2-3 chăn vẫn lạnh, ngay sau đó thì người nóng rực và toát mồ hôi toàn thân. Cảm giác này là cảm giác khó chịu nhất, nóng, lạnh bất thường, người như không là của mình, cảm giác dính dớp, khó chịu mà không tắm, gội được. Chạm vào nước là nổi da gà và ớn lạnh.

- Phát ban (có người phát ban đỏ toàn thân hoặc cục bộ tại một số bộ phận cơ thể như ngực, lưng, bẹn, tay và chân v.v., có thể là ban sẽ phát ngay ngày thứ 2 hoặc đến ngày thứ 4 mới phát ban). Những người phát ban sớm sẽ lâu khỏi hơn, những người phát ban muộn là khi cơ thể đã đỡ sốt và bệnh tình đã thuyên giảm (thoái bệnh). Tuy nhiên, lúc này cơ thể bắt đầu bước vào giai đoạn nguy hiểm (biến chứng, xuất huyết nội tạng v.v.) một câch âm thầm và lặng lẽ (đa số bệnh nhân gặp nguy hiểm ở giai đoạn này, di chủ quan, tưởng hết sốt là hết bệnh nên coi thường, biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong). CÁC BẠN HẾT SỨC LƯU Ý GIAI ĐOẠN 4 ngày cuối này). Thông thường thì trong vòng 7-8 ngày, bệnh sẽ lui, tuỳ theo phác đồ điều trị và kháng thể của mỗi người.

Các bạn để ý triệu chứng phát ban trên cơ thể: nốt ban không sần, xuất hiện những vết đỏ chi chít dưới da, có người cảm thấy ngứa, có người không thấy ngứa. Khi ta dí tay vào thì vết ban đỏ mất đi, bỏ tay ra vết ban lại hiện ra (đó chính là xuất huyết dưới da). Hầu như ai bị SXH cũng đều phát ban cả, có điều nó xuất hiện sớm hay muộn mà thôi.

- Đau hốc mắt (không phải tất cả bệnh nhân sốt XH đều có triệu chứng này, nhưng đa số có cảm giác đau hốc mắt, đi gội đầu mà chạm vào mắt là đau nhức lắm). Các bạn nên nhỏ thuốc để giảm đau và xuất huyết đáy mắt. Nếu mắt đỏ như máu thì là xuất huyết đáy mắt đấy !!!

- Có thể đau bụng và đi ngoài, đây cũng là triệu chứng không rõ ràng, nhưng nên để ý.

- Đau đầu và đau chân tóc, chạm vào tóc là đau kinh khủng, bệnh nhân rất ngại chải đầu.

- Chán ăn, nhai cơm như nhai rơm, miệng đắng ngắt, ngủ chập chờn do lúc sốt nóng, lúc sốt lạnh. 3 ngày đầu các bạn chú ý nghỉ ngơi và hạn chế đi lại để dưỡng sức cho 4 ngày tiếp theo.

- Có thể đau họng hoặc không (trường hợp nhà tôi ko ai bị đau họng cả). Qua lâm sàng, nhiều người bị đau họng nên lầm tưởng là viêm họng và dùng kháng sinh (đây là sai lầm nghiêm trọng).


Anh đang điều trị tại bệnh viện

Các bạn lưu ý: Nếu tính từ ngày bắt đầu sốt thì từ ngày 1-3 là ngày sốt cao và mệt nhất, nhưng đây mới chỉ là giai đoạn khởi phát của bệnh và không nguy hiểm. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 cơ thể sẽ đỡ sốt, song đây lại là giai đoạn nguy hiểm nhất, do tiểu cầu sụt, mà sụt cực nhanh, nếu tiểu cầu sụt quá xuống quá thấp (dưới 20-30), cơ thể có nguy cơ cao bị xuất huyết nội tạng: xuất huyết não, dạ dày, suy gan, suy thận. Vì vậy, giai đoạn này cần theo dõi tiểu cầu liên tục, ngày có thể phải xét nghiệm máu 3-4 lần để theo dõi sự sụt giảm của tiểu cầu và bổ sung ngay, nếu cần. Tôi đã phải bổ sung tiểu cầu khi sụt còn 50k.

2. Điều trị

- Hiện nay SXH chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng và tăng sức đề kháng của cơ thể, đại khái là thiếu gì, ta bổ sung nấy, đặc biệt là tiểu cầu.

- Do tình trạng dịch bệnh đang ở thời kỳ cao điểm, số bệnh nhân SXH tăng lên từng ngày, các bệnh viện đều quá tải, ta không cần nhập viện ngay khi biết mình bị sốt XH, trừ khi có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Vào viện, ngoài truyền dịch và theo dõi tiểu cầu và truyền khi cần thiết, các bác sỹ cũng không làm gì hơn. Trong khi đó, nằm viện tâm lý rất mệt mỏi và nóng nực, gây ức chế cho cả bác sỹ và bệnh nhân, khổ cả người thân vạ vật chăm sóc. Nhiều người đi chăm người thân ốm cũng lăn ra ốm luôn hihi...

- Khi phát hiện sốt, với một trong số những đặc điểm nêu trên, ta cần làm ngay những việc sau:

+ Xét nghiệm máu để tìm kháng nguyên của virus SXH (ra viện hoặc gọi dịch vụ tại nhà: khoảng 500K). 4 tiếng sau có kết quả ngay. Tuy nhiên, theo khuyến cáo thì sau 4 ngày tiểu cầu mới giảm, lúc đó ta sẽ làm xét nghiệm thì chắc chắn hơn. Bản thân tôi, xét nghiệm sau 1 ngày và 2 ngày sau xét nghiệm lại để theo dõi độ suy giảm của tiểu cầu để có phác đồ điều trị đúng hướng.

+ Bổ sung điện giải Oresol (1-1,5 lít/ngày), lưu ý là pha Oresol phải đúng liều lượng chỉ định, không loãng hoặc không đặc quá, theo đúng liều lượng in trên bao bù, khi uống nhấp từng ngụm nhỏ cho đỡ hại dạ dày (lúc đầu tôi không biết, chơi cả cốc to đùng bằng 2 hơi), đó là phản khoa học và không đúng cách. Đây là kinh nghiệm xương máu, các bạn lưu ý khi pha và uống điện giải. Uống càng nhiều, càng tốt vì khi sốt cao, cơ thể mất rất nhiều nước. Cảm giác khô môi, nhợt nhạt thường thấy nhiều trên lâm sàng.

+ Uống thật nhiều nước cam, ăn nhiều hoa quả, nước dừa tươi và Na là 2 lựa chọn tốt.

+ Ăn nhẹ, nên ăn cháo, phở, không nên ăn đồ cứng để tránh xuất huyết dạ dày. Có thể thì nên ăn cháo chim hoặc cháo tim cho có chất, cháo nên nấu loãng để bệnh nhân dễ húp.

+ Không uống đồ có ga, cồn, tuyệt đối không uống rượu vì dễ gây xuất huyết dạ dày.

+ Theo dõi kỹ các phản ứng của cơ thể: Có tự nhiên chảy máu cam, chảy máu chân răng hay không? Đi ngoài phân có đen hay không? Đầu có đau dữ dội không? Có đau bụng không? Có đau vùng hạ sườn phải không (suy GAN đấy) v.v. Đại khái, mọi biểu hiện bất thường của cơ thể đều nên ghi nhận lại và phản ánh với bác sỹ để có cách điểu trị phù hợp.

+ Phải đi tiểu tiện được, nếu truyền dịch sẽ đi gấp 3 lần ngày thường. Nếu ko đi giải đc, phải báo bác sỹ ngay vì nếu truyền dịch nhiều mà ko đi tiểu tiện đc là dễ tràn dịch nội tạng, đặc biệt là tràn dịch màng phổi. Nếu khó thở, phải báo bác sỹ ngay.

+ Do nhiệt độ thường xuyên, hiện nay trên thị trường có loại nhiệt kế điện tử đo rất nhanh và tiện (giá khoảng 600-800k/chiếc, rất tiện lợi và khá chính xác) để theo dõi thân nhiệt, các bạn lưu ý, khi sốt cao là lúc cơ thể MẤT TIỂU CẦU NHANH NHẤT, SỐT CÒN PHÁ HỦY CẢ HỒNG CẦU NỮA.

+ Nếu sốt cao, uống hạ sốt bằng Paracetamol, không uống các thuốc hạ sốt khác, 6 tiếng/1 lần. Tốt nhất là nên hạ sốt bằng cách chườm nước nóng lên trán và toàn bộ cơ thể, tránh lạm dụng thuốc hạ sốt vì dễ gây đau dạ dày.

+ Cách ly với người thân là rất cần thiết để tránh lây lan dịch.

+ Ngủ tuyệt đối phải mắc màn.

+ Gọi y tế phường đến phun thuốc muỗi toàn bộ khu nhà, trách nhiệm của họ, không cần trả phí.

+ Loại bỏ các vũng nước lưu cữu lâu ngày, kể cả các lọ nước đựng hoa trên ban thờ cũng là nơi khu trú của bọ gậy, tạm bỏ hết đi v.v.

+ Tuyệt đối ko uống kháng sinh, nếu viêm nhiễm chỗ khác, phải hỏi Bác sỹ chỉ định thuốc.

+ Với nữ giới, không may mắc SXH đúng chu kỳ phụ nữ, các bạn phải theo dõi kỹ, nếu ra quá nhiều thì phải tiêm thuốc cầm máu, tránh băng huyết, các bạn gái hết sức lưu ý việc này. Có người bạn tôi bị sốt đến ngày thứ 5 rồi mà vẫn phải nhập viện vì băng huyết !!!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang