Nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong chia sẻ cách "ứng xử" của bố mẹ: Làm gì khi con ngã?

Trong tập 2 của chương trình truyền hình thực tế "Bố ơi, mình đi đâu thế" cậu bé Xì Trum nhà Nguyễn Hải Phong bất ngờ bị ngã xuống kênh, sự việc khiến bố Hải Phong "hết hồn" nhưng rồi nhanh chóng bình tĩnh lại. Cũng nhờ đó mà ông bố nhạc sỹ có một bài chia sẻ dài trên trang cá nhân với chủ đề "Làm gì khi con ngã".

Vốn là một ông bố nổi tiếng thường xuyên đi sớm về khuya với các dự án âm nhạc, thế nhưng Nguyễn Hải Phong vẫn có cách dạy con khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Hai vợ chồng anh khi giao tiếp với con hay đặt câu hỏi con muốn gì? Điều đó giúp bé quen việc nói ra mong muốn, suy nghĩ của mình. Nguyễn Hải Phong từng chia sẻ hiệu quả của phương pháp này chính là việc Xì Trum không bị phụ thuộc bởi quyết định của người khác mà thường đưa ra chính kiến bản thân. Đó cũng là cách giúp con học cách tự lập từ rất sớm.


Nguyên văn đoạn chia sẻ của nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong


Xitrum lúc bị ngã xuống kênh 

Làm gì khi con ngã?

"Thường thì mọi cú ngã của trẻ con đều đau nhưng có hai nỗi đau khác nhau. Một là nỗi đau thể chất, tức là khi va đập kiểu gì cũng phải đau. Hai là nỗi đau tác động bởi phản ứng người xung quanh, đặc biệt là người thân, hay còn gọi là nỗi đau tâm lý."

Giọng ca "Ba kể con nghe" dẫn ra 2 vấn đề mà chúng ta vẫn hay dùng nhất khi con bị ngã: Một là mỗi khi trẻ bị ngã, nỗi đau về thể chất thì ít, đôi khi chỉ một vết trầy xước nhỏ nhưng tinh thần thì lại rất đau, trẻ sẽ khóc toáng lên vì hoảng sợ chẳng hạn. Thứ hai là các các ông bố, bà mẹ hay làm chính là... biểu hiện thái quá: Ôi thôi chết!, Á!, Ôi!, Tội nghiệp, Trời ơi!…

Đúng là rất khó kiềm cảm xúc khi thấy con ngã, bởi vì con ngã nhưng người đau xót cũng chính là cha mẹ. Thế nhưng khó vẫn phải tập.

Cách thứ nhất:

"Thằng ku ngã xuống ao từ cầu khỉ, thằng ba chạy tới, ôi trời ơi thôi chết rồi, ba đã nói là cầu khỉ này nguy hiểm lắm, phải cẩn thận!" Nếu trong lúc đó, Nguyễn Hải Phong nói với Xì trum những lời này, ắt hẳn cậu bé dù đang ổn cũng sẽ chuyển sang trạng thái sợ sệt ngay lập tức và ngày càng yếu đuối, từ sợ đến chẳng bao giờ dám đi cầu nữa!

Cách thứ hai:

"Im lặng, giấu cảm xúc đi, và đừng nói gì ngoài việc hỏi xem thằng ku có chỗ nào không ổn, rồi tìm cách cho thằng ku kể lại sự việc, ví dụ như: Chuyện gì vừa xảy ra vậy, ba không kịp thấy, con kể ba nghe với? Hắn sẽ kể cho mà nghe đúng trình tự, lại còn diễn tả nữa, sau đó động viên hắn, bảo là Té cáo như thế mà vẫn không sao cả ư! Khá lắm! Con biết cách đi qua cầu làm sao không bị té chưa? Thế là hắn bô bô cái miệng cho mà xem."

Cách mà ông bố trẻ lựa chọn chính là cách thứ 2, rất bình tĩnh và bản lĩnh. Rõ ràng cậu bé không hề khóc mà nghe lời bố chạy đi mượn hàng xóm đôi dép để mang thay vì đi vớ (tất) sẽ trơn. 

"Vì sao Xitrum lại khóc?

Thế thì vì sao Xitrum lại không khóc?"

"Bình thường, mọi cú ngã của Xitrum, ba đều không cảm xúc, im lặng một lúc rồi nói chuyện bình thường như chưa có chuyện gì. Nhưng riêng cú ngã cầu khỉ này thì ba thấy nghiêm trọng thiệt. Lập tức chạy đến. Sao không chạy đến được, ai biết dưới ao có cái gì đâu."

Nếu để ý, sẽ thấy lúc đầu Xitrum không khóc, bởi vì đã quen với điều đó rồi. Nhưng khi liếc thấy Ba chạy tới với vẻ hốt hoảng (điều chưa từng thấy), chính là lúc Ba trao cho con thêm một nỗi đau tinh thần. Miệng con mếu ra và cứ thế khóc thôi. Nhưng ngay sau đấy, mọi chuyện đã trở lại bình thường. Cậu bé có một bài học đi cầu khỉ, quan trọng là con không sợ cái cầu, lại càng thích thú vì đã có một cú ngã ngoạn mục, một trải nghiêm tuyệt vời. Muốn bé ám ảnh cái cầu hay muốn bé đi đâu cũng khoe về cú ngã cầu, là tuỳ thuộc vào người lớn.

- Làm gì khi con khóc?  Khóc có xấu không?

- Không!

- Buồn thì khóc, đau thì khóc, tức thì khóc, làm không được thì khóc!

Tại sao cứ phải ép con đừng khó nữa hoặc nạt con: "Nín đi!"? Thực chất khi người lớn bảo con nín khóc đó chẳng qua chỉ là cảm xúc của người lớn, không phải của đứa trẻ. Vô tình qua đó dạy cho trẻ sự hiểu biết đầu tiên về khái niệm "Dối". Bố Xì trum giải thích thêm, khi đó, trẻ con sẽ thấy mình không nên bày tỏ cảm xúc mà hãy kìm nén lại, hãy bắt đầu giả vờ. Và đây chính là cái sai "lớn" của người lớn.

Anh cũng không quên nhắn gửi đến các bậc làm cha mẹ khác, thay vì quát nạt, bắt con nín đi thì hãy nói: "Con khóc đi, khóc nữa đi, lúc nhỏ ba khóc nhiều hơn con nữa, vì ba hay bị té đau nè, hay buồn nè, ba thấy khóc cũng chẳng sao cả, mình thích thì mình khóc thôi. Thằng nhỏ quay sang hỏi, lúc nhỏ ba khóc mấy lần? Nín lúc nào không hay."

Thật ra mà nói, các bậc làm cha mẹ chỉ cần khéo léo một chút, bình tĩnh một chút thì chuyện con ngã hay con khóc đều không thành vấn đề. Với cách dạy con khôn ngoan và điềm tĩnh, Nguyễn Hải Phong đã dạy cho cậu hai Xìtrum những bài học tuổi thơ có giá trị, cậu bé vừa có được những trải nghiệm trọn vẹn, vừa được rèn dũa bản thân với những "quy tắc" tự nhiên nhất. 

Nguồn: FBNV

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang