Nhật ký "Ba nhảy ra, Mẹ nhảy vào" của mẹ bỉm sữa mà ai cũng nên đọc

Hôm nào mình bắt ngồi nghe mình nói nghiêm túc thì anh đâm cáu, bảo: “Em nói nhiều quá. Nó hư thì phải đánh cho nó nhớ. Em nhỏ nhẹ với nó, nó quát lại em đó em không thấy à? Ngày xưa ba anh cũng đánh anh hoài đó, có sao đâu!”

Từ một người chồng thích "Ừ" …

Mình có một người bạn trai ít nói nhưng vô cùng tốt bụng, về sau, trở thành chồng mình và bố của hai đứa con mình. Khi mình thấy hai đứa quen lâu quá mà anh chỉ dắt đi ăn thôi thì mình cũng lo, mình nói: “Hay cuối năm nay mình cưới đi!”. Anh “Ừ”, thế là anh có vợ. Khi mình thích em bé quá mình nói: “Em không ngừa nữa nhé”, anh lại “Ừ”, thế là bọn mình thành ba mẹ. Bé được hơn 2 tuổi, ăn ngoan ngủ say khiến mẹ hồi sức nhanh chóng, lại thèm cho con được có chị có em. Mình bèn nói chồng “Sinh thêm đứa nữa cho vui nha anh”, anh lại “Ừ”.

Cuộc sống cứ như thế thì cũng chả có gì đáng phải bàn!

Đến một người cha thích quát mắng

Chỉ đến khi bé gái đầu lòng bước vào “terrible two”, mình có một mối bận tâm mới, đó là làm sao để con có nề nếp, kỷ luật mà không cần đánh mắng. Ở tuổi này, con chỉ thích làm theo ý mình, hay đòi hỏi, không được đáp ứng thì lăn ra ăn vạ. Nhiều buổi sáng mình đánh vật mãi mới có thể đánh răng tắm rửa cho con. Chiều đi học về con xin ăn kẹo, nhưng ăn xong một chiếc lại đòi chiếc nữa, mình không cho con thêm thì con lăn ra gào khóc, ném đồ vật cho bõ tức.


Ảnh minh họa

Ôi, bé gào rồi, mình đến xem ngay để biết con đang cảm thấy thế nào. Rồi nhẹ nhàng nói cho con hiểu và cương quyết cho con biết giới hạn. “Ô kẹo dẻo này ngon lắm đúng không con? Con thích ăn lắm phải không? Con đã ăn một viên rồi nè. Mà ăn kẹo nhiều sẽ bị con sâu răng cắn răng đẹp của con đó. Mai mẹ sẽ cho con ăn một viên nữa nha. Giờ con muốn chơi rửa rau với mẹ không?” Sau tất cả, con đã học được cách đối thoại và đàm phán với mẹ, bớt dần những lần “ăn vạ” vô lối, tự chủ và tin yêu mẹ rất nhiều. Mình thực sự mừng vì điều đó.

Mình nghĩ bé út là con trai, cho bé chơi với ba và chị càng tốt, nên mình “khoán” 2 chị em cho ba, mình lo cơm nước. Ở trong bếp nhìn ra thấy cảnh ba cha con vật lộn với nhau vừa buồn cười vừa bực bội. Nghe cô chị hét, ba vội phân xử nghiêm minh, lấy đồ từ trong tay chú em trả cho cô chị. Thế là chú em lăn ra khóc, giãy chân đành đạch. Ba giận, nạt mấy câu chú càng khóc. Có nhiều lần chú ăn vạ ghê quá ba lôi cả cây thước may của mẹ ra định đánh luôn!

Tối đến con ngủ rồi, mình mới nhỏ nhẹ nói với chồng: “Con chưa được hai tuổi, chưa hiểu lý lẽ gì đâu anh ạ, thấy đồ chơi đẹp là muốn giành lấy, thấy bánh kẹo ngon thì muốn ăn. Anh đừng quát con, đánh con, con sợ nhưng không hiểu mình sai chỗ nào nên chẳng thể nào tiến bộ”. Thao thao bất tuyệt mà không nghe tiếng ừ ừ đáp lại, hóa ra anh ấy ngủ mất rồi! 

Hôm nào mình bắt ngồi nghe mình nói nghiêm túc thì anh đâm cáu, bảo: “Em nói nhiều quá. Nó hư thì phải đánh cho nó nhớ. Em nhỏ nhẹ với nó, nó quát lại em đó em không thấy à? Ngày xưa ba anh cũng đánh anh hoài đó, có sao đâu!”

"Ba nhảy ra, Mẹ nhảy vào"

Đến nước này thì chả thể coi như không có chuyện gì nữa. Tối đó dỗ con ngủ xong thì bắt chàng ngồi xuống. Hỏi: “Sao anh cứ quát, đánh con?” Đáp: “Vì anh nói đàng hoàng rồi mà nó có nghe đâu?”

Mình tuôn một tràng: “Em nói con nghe em vì sao anh biết không? Vì con tin em đấy! Vì em thông cảm và hiểu con đấy. Nói nghe cứng nhắc, nhưng các em bé rất cần được biết vì sao không nên ăn nhiều kẹo, vì sao không nên ngồi quá gần tivi, vì sao nên thử nếm món rau này, vì sao không nên cầm bút chì rồi chạy? Sau đó, nếu không thể đáp ứng nhu cầu của con ngay, em sẽ báo cho con một cái hẹn. Rồi em giúp con đi qua cảm xúc tiêu cực đó, em tìm một hoạt động khác mà con có hứng thú để con vui vẻ tham gia!”
Thấy anh có vẻ quá tải rồi, mình chốt: “Thôi em có ý này. Từ nay khi con làm anh phát điên, anh chỉ cần nói rằng “con làm abc gì đấy khiến ba tức giận rồi”, xong rồi anh nhảy ra, em nhảy vào giải quyết! Nhé!”


Ảnh minh họa

Từ đó có hôm mình nhảy vào - anh nhảy ra tới mấy lần. Chỉ có lúc mình đang tắm nghe con khóc dưới nhà thì cũng phải chịu, đành để anh một mình “luyện công”. Chiến thuật hợp đồng tác chiến này cũng hiệu quả phết. Cu con sau năm bảy trận làm tàng thì đã hiểu có giãy đành đạch cũng không được ăn thêm kẹo. Mình cũng thấy thời lượng “kiên nhẫn” của chồng mình tăng dần lên.

Cho đến ngày mình lui cui trong bếp, nghe ba nói với anh út: “Ba phút nữa mình tắt tivi nha!”. Lát sau lại nghe: “Giờ con tắt tivi đi, ba với con chơi lego”. Anh út cũng luyến tiếc cầm remote tắt bụp rồi nhảy xuống sofa lôi thùng lego ra chơi với ba.

Đường còn xa tít tắp

Anh út chơi với ba ổn ổn rồi, mình nói với chồng là chị Hai năm tuổi rồi, đã đến lúc con cần góc học tập riêng để dần hình thành thói quen tự học mỗi tối. Anh lại ừ. 


Ảnh minh họa

Vậy là chị Hai có bộ bàn học, và kệ sách riêng. Mỗi tối hai mẹ con dắt nhau lên đó, còn ba chơi với em bé dưới nhà. Em bé cũng dần hiểu rằng: giờ “học” của chị là thiêng liêng, em không thể mon men lên phá được. Hết giờ thì xuống, hoặc chị năn nỉ để con làm nốt cái này cho xong thì mẹ cũng đồng ý, bảo mẹ xuống với em trước, con học xong tắt đèn tắt quạt nhé!


Chồng thấy mình “dạy” con có vẻ bài bản thì bán cái luôn: “Thôi mai mốt con vào lớp một, em dạy con học luôn nhé!”. Mình dạ nhẹ nhàng, nhưng chồng ơi, em đang ủ mưu đấy. Dù gì anh cũng là kỹ sư tin học, máy móc rất rành, biết làm cả kính viễn vọng để chơi, biết bơi, biết câu cá, không để anh dạy con học em thấy phí làm sao!


Hãy cứ để em giúp, giúp anh đồng hành cùng con, dù anh chả chịu đọc cuốn sách nào!

Chỉ cần Anh cứ tiế tục “ừ” là được!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang