Những cuộc tình kéo dài đến lúc nhắm mắt vẫn không chịu buông tay

Phải cùng người mình yêu đi hết đoạn đường dài mấy mươi năm thì chúng ta mới hiểu được phúc báu và thành tựu vĩ đại nhất của đời người không gì khác ngoài gương mặt đầy nếp nhăn mà ta luôn muốn khẽ hôn lên mỗi đêm.

Chưa bao giờ nhân loại trải qua thời kì như hiện nay, nền văn minh công nghệ làm đứt gãy sự kết nối nguyên sơ giữa con người. Một thế kỉ bức tử những điều lãng mạn đến chết ngạt, tình yêu dần trở thành niềm khát khao viễn vông chảy âm ỉ trong từng thớ tim. Sau bao va vấp thương tổn, ngày nay người ta dường như không còn đủ niềm tin vào tình yêu nữa. 

Nhưng vẫn tồn tại đâu đó những câu chuyện tình đơn sơ kéo dài suốt mấy mươi năm, mà tình cảm vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Hãy đọc và ghi nhớ, bởi nó sẽ thắp lên cho bạn niềm tin vào tình yêu một lần nữa, dẫu cho hạnh phúc luôn mong manh.

Chuyện tình 56 năm của PGS Văn Như Cương và vợ

Sự ra đi của PSG Văn Như Cương vào ngày 9/10/2017 vừa qua là mất mát lớn của nền giáo dục Việt Nam, hàng nghìn học sinh bày tỏ sự tiếc thương và mong nhớ người thầy đáng kính. Nhưng tất cả điều đó cũng không là gì so với nỗi niềm mất đi người mình yêu thương của vợ ông. Ở cái tuổi mà thân thể đã rệu rã phải chống chọi với bệnh tật, thầy Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh) luôn được người vợ tảo tần ngày đêm cận kề săn sóc.

PSG Văn Như Cương bên vợ là cô Đào Kim Oanh.

Cuộc tình đơn sơ đi hết đời người của họ bắt đầu khi PGS Văn Như Cương là chàng sinh viên Bách Khoa quê Nghệ An về trường nữ sinh Trưng Vương thực tập và phải lòng cô học trò Đào Kim Oanh. May mắn là gia đình cô Oanh cũng có truyền thống nghề giáo nên thấu hiểu lý lẽ, không phân biệt sang hèn. Gia đình cô chấp thuận cho con gái theo thầy Cương vào Nghệ An học tập khi thầy nhận nhiệm vụ xây dựng trường Đại học đầu tiên tại Vinh năm 1959.

Hai năm sau cô Oanh tốt nghiệp và họ chính thức trở thành vợ chồng cùng chia ngọt sẻ bùi. Cuộc tình của họ trở thành giai thoại thời đó bởi việc một cô tiểu thư Hà Thành yêu chàng trai tỉnh lẻ đất Nghệ Tĩnh tưởng chừng sẽ gặp nhiều ngăn cấm. Nhưng tấm lòng chân thành và nhân cách cương trực mẫu mực của thầy Cương đã khiến bậc thân sinh cô Oanh hết mực tin tưởng, yên tâm giao phó cô con gái cho thầy giáo trẻ xứ Nghệ.


Thầy Cương luôn nắm tay cô Oanh khi ở nơi đông người.

Nổi tiếng là người đàn ông mẫu mực, nghiêm khắc, sống trách nhiệm và vô cùng quyết liệt trong giáo dục nhưng thầy Cương có quan niệm và cách thể hiện tình cảm rất tân thời. Cô Văn Thùy Dương, con gái của thầy nói rằng “Bố cả đời chưa bao giờ gọi anh xưng em với bất cứ người phụ nữ nào ngoài mẹ và em gái”. Khi những cặp vợ chồng già thường xưng hô “ông – bà” thì hai người vẫn gọi nhau trìu mến “anh – em” như thuở đầu mới yêu mấy mươi năm về trước.

Những điều lãng mạn của thầy Cương dành cho cô cũng rất đặc biệt theo cách riêng, thầy đăng tấm ảnh hai vợ chồng già ôm nhau lên mạng và nói dí dỏm “Valentine xế muộn”. Dạo trước trên mạng có trào lưu các cô vợ trẻ nhắn tin cho chồng rằng “Em yêu anh” trong ngày bình thường không nhân dịp kỉ niệm, kết quả là những anh chồng tỏ thái độ vô cùng kinh ngạc, thậm chí còn nghĩ vợ mình đang vòi vĩnh hay giở chứng “thần kinh”. Thầy Cương nói rằng nếu cô Oanh nhắn cho thầy như thế thì thầy sẽ không ngần ngại trả lời “Anh yêu em”, bởi thầy và cô vẫn luôn nói với nhau những lời chứa đầy yêu thương ngọt ngào. Và hiếm có người đàn ông nào ngày nay có thể cúi xuống giúp vợ chỉnh lại vạt áo dài như thầy Cương. Vết tích thời gian điểm tô trên mái đầu không làm tình cảm trong lòng họ suy suyển mà ngày càng gắn bó bền chặt hơn. Thầy Cương đã nắm tay cô Oanh đi đến hết cuộc đời, cho đến lúc họ buộc phải nói lời từ biệt ở kiếp sống này.


Nụ cười hạnh phúc ẩn chứa nét tinh nghịch như ngày trẻ của thầy Cương và cô Oanh khi bên cạnh nhau.


Họ không ngại dành cho nhau những lời nói ngọt ngào và cử chỉ yêu thương.

Bà cụ 90 tuổi chờ chồng suốt 50 năm an lòng khi biết chồng đã có vợ mới

Ai cũng nghĩ rằng chuyện tình đẹp thì phải sống cùng nhau đến đầu bạc, nhưng câu chuyện về tấm lòng son sắt và bao dung của cụ Nguyễn Thị Xuân 94 tuổi (thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) khiến chúng ta hiểu rằng, tình yêu là không nhất thiết phải bên cạnh người mình yêu đến cuối đời, mà chỉ cần nhìn thấy người ấy hạnh phúc.

Mùa đông năm 1944, cụ Xuân gặp ông Shimizu Yoshiharu (sinh năm 1919) tại Hải Phòng khi đi bán hàng ăn, lúc đó ông đang phục vụ quân đội Nhật. Ông hỏi cụ Xuân rằng “Cô Xuân có người yêu chưa?”, cụ bẽn lẽn trả lời chưa, vậy là ông nói “Thế thì tôi yêu cô”. Chuyện tình bình dị của họ bắt đầu như thế.


Cụ Xuân đợi đợi chồng trở về suốt 50 năm. (Ảnh: Mai Lân)


Ông Shimizu Yoshiharu chồng của cụ Xuân thời trẻ. (Ảnh Mai Lân) 

Một năm sau hai người kết hôn, ông Yoshiharu lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đức để tham gia quân đội Việt Minh. Mỗi nơi ông đóng quân huấn luyện binh lính, cụ Xuân đều bế con theo. Những lần đi công tác xa ông đều tranh thủ gửi thư hay đạp xe về thăm nhà, có khi ông đạp xe từ tận Thái Nguyên ra Hà Nội rồi chiều hôm sau về lại đơn vị.

Cuộc chia tay định mệnh là vào năm 1954, ông Đức phải đi chuyến công tác dài đến Nhật Bản. Cụ Xuân quay lại Hà Nội một mình chăm lo cho 3 đứa con nhỏ, ngày đêm ngóng trông dáng hình thân thương. Nhưng biệt vô âm tín, người ra đi mãi không trở về. Cụ Xuân tưởng ông đã mất nên đành chọn ngày cuối cùng gặp ông làm giỗ. Dù thế, cụ luôn ấp ủ hy vọng chồng mình vẫn còn sống.

Người phụ nữ phải đơn thân chèo chống nuôi con, thiếu đi đôi bàn tay đàn ông đỡ đần, nhiều lúc cụ Xuân gần như hóa điên vì nỗi đau mất mát nhưng phải tự an ủi mình rằng nếu ngã xuống thì các con không ai chăm lo.


Thay vì oán hận chồng không trở về, cụ Xuân lại thấy yên lòng khi ông có gia đình mới bên cạnh (Ảnh: Mai Lân)


 Cụ luôn nhắc kỉ niệm đẹp trong 9 năm hai người sống bên nhau và khen ông hiền lành yêu thương vợ con. (Ảnh: Mai Lân) 

Năm 2006, qua bao nỗ lực tìm kiếm, cụ Xuân biết được chồng mình còn sống và đã lập gia đình khác tại Nhật. Cụ gửi cho ông Đức bức thư vỏn vẹn dòng chữ “Tôi không ngờ, tôi lại mất anh?”. Ông gửi lại cho cụ một đôi đũa, 3 chiếc thìa và một đôi tất mang ngụ ý “Trước sau vẫn là vợ chồng/Còn con, còn cái vẫn còn ấm chân” và tặng cụ 10 chiếc khăn tay lau nước mắt.

Ông hiểu tất cả đau đớn khó nhọc mà cụ Xuân phải chịu đựng trong mấy mươi năm qua, nên những ngày cuối đời, dù phải ngồi trên xe lăn, ông vẫncố gắng vượt hơn 4000km sang Việt Nam gặp lại vợ con mình.

"Ngày sang Việt Nam, gặp nhau rồi thì xúc động lắm, cả hai đều rưng rưng nước mắt. Ông ấy cứ nhìn tôi suốt. Các con thì ôm bố khóc. Ông bảo ông yếu lắm, không đủ sức nói nhiều, chỉ muốn dặn dò các con phải luôn tôn trọng mẹ dù ở địa vị ông, chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm của một người cha" – cụ Xuân nói về lần hội ngộ ngắn ngủi sau 50 xa cách.

Khi biết ông được vợ hai chăm sóc yêu thương thì cụ cũng thấy an lòng: "Lúc gặp lại, ông ấy nói mình hối hận nhiều lắm. Trên sân thượng, ông ấy nắm tay tôi rưng rưng, hỏi rằng bây giờ anh phải làm thế nào. Tôi bảo tôi chẳng cần gì cả, chỉ cần ông về thăm, thế là đủ". Cuộc tình của họ không trọn vẹn theo cách gắn bó bên nhau cả đời, nó trọn vẹn vì tình yêu còn sống mãi trong lòng qua bao tháng năm đổi dời.


Tấm lòng son sắt và bao dung của cụ Xuân không phải người phụ nữ nào trên đời này cũng có được. (Ảnh: Mai Lân) 

Những bức thư của người vợ đầu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nâng niu cất giữ

Khi những bức thư chứa chan tình cảm của người vợ đầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho ông từ năm 1933 - 1936 được công bố, chúng ta mới được biết đến một góc khuất đời thường rất khác của vị Đại tướng tài năng lẫy lừng này.

Lúc yêu nhau và gần 10 năm nên duyên vợ chồng, Đại tướng và bà Nguyễn Thị Quang Thái luôn sống xa cách. Họ thường trao đổi thư từ với nhau mỗi ngày để bày tỏ nỗi lòng mong nhớ và có khi là trao đổi về công việc. Trong thư bà Thái thường xưng hô với Đại tướng là “Giáp – Thái”, bà rất hiếm khi gọi người mình yêu là “anh”: “Giáp đi phen này, Thái ở nhà nỗi nhớ nhung khó lòng khuây khỏa lắm…”. Hay một thư khác, bà viết: “Nhờ 6 ngày nay mà Thái hiểu Giáp hơn và có ái tình mật thiết hơn xưa. Bây giờ mới đúng là ái tình chứ không phải ái tình 6 tháng trước kia…”.


Bà Nguyễn Thị Quang Thái vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp


 Bức thư của bà Quang Thái viết cho Đại tướng.

Những bức thư tình luôn chứa chan nỗi mong nhớ thiết tha và sự quan tâm của bà Thái dành cho chồng, đôi khi là tâm trạng xót xa lo lắng cho sự an nguy của Đại tướng: “... Con Anh đã ngủ từ lúc 8h. Nó vừa giở mình nằm nghiêng như người lớn… Giáp có biết lúc ở ga về Thái nghĩ gì không?... Nhớ những lần Thái tiễn Giáp ở Vinh ra Hà Nội, vừa đi như đi 'trong mộng'. Thái không biết ai đi chung quanh mình nữa. Về ẵm con, tắm cho con rồi Thái bế nó đi rong trong nhà mãi. Nhà vắng, trời chiều, mẹ bế con rươm rướm nước mắt”. Trong một bức thư bà trìu mến gọi chồng là “anh”: “Anh đã khỏe hơn chưa? Anh có mang theo gương không đấy? Hãy thử soi xem nước da có tốt hơn không?”. “Tương lai với chúng mình khổ ư? Chúng ta có như ai mà mê giàu sang? Tinh thần, lý tưởng thì quyết bền vững, không như những thứ ái tình xốc nổi, yêu vì danh, lợi, tài, sắc”.


 Hai người yêu nhau giữa chiến tranh không màng đến tương lai.

Mười năm tình nghĩa vợ chồng ngắn ngủi kết thúc khi Đại tướng sang Trung Quốc, họ chia tay bên đường Cổ Ngư. Bà Thái bị thực dân Pháp bắt giam ở Hòa Lò và chết trong ngục. Sự ra đi của người vợ yêu quý là cú sốc lớn đối với Đại tướng. Khi về nước ông vất vả tìm kiếm nơi chôn cất bà để đưa về nghĩa trang. Đại tá Huy Văn nói rằng, mãi sau này thỉnh thoảng Đại tướng lại thở dài nhắc về người vợ đầu ông yêu thương: “Anh thương chị Thái lắm!”. 


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cô con gái đầu lòng Võ Hồng Anh.

Nhật ký 5 ngày cuối cùng người chồng viết trước lúc vợ mất

Đoạn nhật ký xúc động của cụ ông Bùi Hữu Trí 86 tuổi viết về 5 ngày cuối trước khi vợ mất được cô cháu gái chia sẻ đã khiến biết bao bạn trẻ rơi nước mắt. Nếu không chứng kiến người mình yêu thương chống chọi với quy luật sinh tử tất yếu thì có lẽ ta không thể nào hiểu thấu được những đớn đau mất mát mà cụ Trí phải trải qua. Tình yêu của cụ Trí dành cho vợ là cụ Bùi Thúy Anh thể hiện qua từng câu chữ xót xa đến quặng thắt lòng.


Nhiều bạn trẻ chia sẻ đoạn nhật ký cụ Trí viết về 5 ngày cuối bên giường bệnh người vợ thân yêu.


Cụ Bùi Hữu Trí và cụ Bùi Thúy Anh bên cạnh con cháu.

“Thúy Anh ho nhiều và ngày càng ho nặng, những cơn ho rũ rượi như xé phổi xé ngực của vợ, đồng thời vò xé trái tim chồng. Mỗi tiếng ho của vợ là chồng ngồi lên ngay, vuốt nhẹ vào lưng vợ mong cơn ho mau chấm dứt. Lúc nào thấy vợ nằm im một lúc lâu không ho, là chồng mừng, mừng đến rơi nước mắt….
…………….

Thúy Anh giục tôi viết điếu văn. Tôi đau đớn viết điếu văn và lời nói cuối đời của tôi dành cho Thúy Anh. Thúy Anh xem, gạch chỗ nào nói đến công đức và thành tích của mình, rồi đưa lại cho tôi, vẻ ưng ý và cảm động… Đó là ngày 8/5/2014, đúng 5 tháng trước ngày kỷ niệm 60 năm ngày cưới của hai chúng tôi.
…………….

Ngày 1/9/2014, buổi sáng. Sau khi cô giúp việc vừa dỗ vừa ép, múc đút cho bà ăn xong ba thìa rưỡi cháo, giúp bà xúc miệng, đánh răng, Thúy Anh nửa nằm nửa ngồi trên giường, tôi ngồi ở cuối giường, hai vợ chồng nhìn nhau nói chuyện.

Thúy Anh thều thào nói: “Anh ơi!... Anh ơi!... Anh ơi!... Em thích gọi hai tiếng này lắm, và suốt đời em, sáu mươi năm qua em đã gọi hai tiếng Anh ơi trong niềm hạnh phúc. Nhưng sắp đến lúc không gọi được nữa rồi.”. Sau câu nói đó hai vợ chồng cùng khóc…
…………………

Ngày 2/9/2014, trong một lúc đỡ mệt và tỉnh táo, Thúy Anh nói một câu dài mạch lạc, là câu nói mạch lạc cuối cùng: “Em cảm ơn anh vì hạnh phúc cả cuộc đời anh đã dành cho em. May làm sao đời em lại gặp được anh. Trong cuộc sống có lúc có điều không phải với anh, anh tha lỗi cho em.”

Tôi ứa nước mắt: “Anh cũng cảm ơn em vì hạnh phúc đời người mà em đã mang lại cho anh. Em chẳng có lỗi gì cả. Trái lại chỉ có đôi lần trong đời, anh gắt với em, nhưng gắt xong là anh hối hận ngay. Em có biết không?” Thuý Anh trả lời trong nước mắt: “Em biết chứ!”
…………

Đêm 4/9/2014

Và Thúy Anh nhắm mắt, đinh ninh ngủ đến sáng sẽ dậy. Nhưng đau đớn thay! Không bao giờ dậy nữa!

Lúc đó là 11 giờ 45 phút đêm 4/9/2014.
 
Cuộc đời hạnh phúc lứa đôi của chúng tôi: Trí và Thúy Anh chấm dứt từ đây. Chúng tôi đã sống trọn vẹn với nhau hai vạn hai ngàn hai trăm mười sáu ngày, chỉ còn ba mươi tư ngày nữa là tròn 22.250 ngày (sáu mươi năm).

Sao kiếp người lại có những lúc đau đớn cùng cực đến thế này. Một người thân nhất trên đời, gắn bó với nhau từng hơi thở suốt sáu mươi năm, nay xa nhau và không bao giờ gặp lại nhau được nữa.

Thương em!

Em về đón anh đi với em ơi!"

Thế mới biết, đi đến tận cùng kiếp sống vô thường người ta nhận ra rằng phúc báu và thành tựu lớn nhất của đời người chính là tình yêu. Ngày trẻ, ta có thể vì tham vọng hẹp hòi mà hủy hoại hay nhẫn tâm chối bỏ nhau nhưng khi đứng trước ngưỡng cửa cái chết, bạn đâu mong gì hơn được bàn tay dấu yêu nắm lấy khẽ xoa dịu cơn đau của mình.
 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang