Những người lớn vô duyên đến tàn nhẫn và câu chuyện ám ảnh tuổi thơ của bà mẹ 2 con

Nhiều người lớn luôn tự cho mình cái quyền được trẻ con tôn kính nhưng họ lại chẳng bao giờ biết tôn trọng trẻ con. Họ cũng luôn tự cho mình cái quyền được mang trẻ con ra làm trò đùa. Làm ơn, hãy lắng nghe trẻ con bởi chúng cần được lắng nghe, cần được thấu hiểu, cần được yêu thương hơn bao giờ hết!

Bạn sẽ dạy con xử trí ra sao nếu gặp những người luôn ỷ mình là người lớn và mặc sức xỉa xói vào nỗi đau của những đứa trẻ? Hẳn phải im lặng bỏ đi, bởi những đứa trẻ ngoan luôn được mặc định rằng không được cãi tay đôi với người bề trên. Tuy nhiên, cô bé Lê Thanh Ngân ngày ấy, bây giờ là bà mẹ hai con Thanh Ngân đã chọn cách xử sự khác.

Câu chuyện của Ngân đã xảy ra cách đây 20 năm nhưng lại không phải là một câu chuyện đã cũ. Nó luôn luôn nhức nhối như vết thương đang mưng mủ. Và bằng cách kể lại câu chuyện ám ảnh tuổi thơ của mình, Ngân muốn những người lớn hãy ngừng làm tổn thương những đứa trẻ. Bởi, “chúng ta đối với trẻ như thế nào, chúng sẽ đối lại y như vậy.”

Ngày bé, mình rất láo. Người lớn đánh giá như vậy bởi họ nói, mình gặp họ không chào, họ trêu vài câu là mình đốp lại.

Mình còn nhớ, một ngày hè oi ả, mình bám theo chị gái đi chăn trâu khắp các cánh đồng. Đang thả trâu ăn cỏ, ngồi hóng mát dưới bóng tre thì bỗng tự nhiên ở đâu có một bà đi qua. "Ơ hay, con này. Mày gặp bác mà không chào bác à?", bà ấy nói giọng như bức xúc lắm mà mình thì không biết bà ấy là bà bác nào, ở đâu ra nên cứ trân trân nhìn chứ chả cậy mồm nói câu nào.

- Tối về tao bảo mẹ mày, gặp bác mà trợn ngược mắt lên không chào nhé!

- Cháu chào bác!

- Úi giời. Nhắc đến mẹ phát là phải chào ngay!

Chưa cần biết thế nào chứ cứ mang mẹ ra dọa là mình sợ.

"Ừ, con này ngoan nhỉ. Thế bố mày sắp về chưa?", bà ấy được thể hỏi tiếp. "Bố cháu chưa".

- Bố mày không về nữa đâu! Bố mày đi theo gái rồi! Sinh em bé ở trong miền Nam rồi. Bỏ mẹ con mày rồi!", bác ta bắt đầu châm kích.

- Không phải đâu! Bố cháu không đi theo gái đâu. Bố cháu viết thư về bảo đến Tết bố cháu về!

- Có mà Tết Tây đen. Ông ấy nói phét mày đấy. Chứ tao nhìn thấy rồi. Vợ ông ấy xinh hơn mẹ mày nhiều. Bà ấy đẻ con trai chứ không như mẹ mày, chỉ đẻ con gái. Ông ấy chán, ông ấy đi theo gái là phải!

- Không phải, bác nói phét.

Hình tượng của bố bị người ta vấy bẩn, bôi nhọ, mình gào lên trong ấm ức.

- Ơ cái con này, tao người lớn, tao nói phét mày làm gì!

- Không phải. Bác cút đi!

- Ơ con này láo. Tối về tao bảo mẹ mày đánh cho trận, chừa cái thói láo toét đi.

Mình lại sừng cồ lên chửi. Càng thấy mình chửi, bà ấy càng cười to: "Ha ha đúng là cái đồ con không cha là nhà vô phúc. Bố đi theo gái rồi còn bênh bố chằm chặp. Thế nó đi bao nhiêu năm đã gửi về cho mẹ con mày cái gì chưa? Hay chỉ viết mỗi thư thôi?". Nghe bà ấy nói đến đây, mình bắt đầu mếu máo. "Thôi, về mà bảo mẹ mày lấy chồng đi!".

Khi bà ấy nói thêm câu này thì mình khóc thật. Bà ấy đã chạm vào đúng điểm yếu của mình. Mình không có bố. Đúng là bố đã bỏ mẹ con mình đi. Nhưng mình vẫn luôn tin và hy vọng sẽ có ngày bố trở về, mua cho mình con gấu bông thật to, kiệu mình đi khắp làng để cho họ nhìn thấy... Mình thèm thuồng cảm giác ấy vô cùng, cảm giác được có bố.

Tối hôm đó, lúc về nhà, mình bị mẹ đánh một trận tơi bời vì tội dám chửi bậy. Mình càng cố gân cổ lên thanh minh "vì bác ấy bảo bố đi theo gái rồi" thì mẹ càng vụt mạnh hơn. Mình đau. Mình khóc. Khóc nhiều lắm. Mẹ chẳng bao giờ lắng nghe mình nói, chỉ đơn giản vì mình là một đứa trẻ. Thanh minh tức là cãi. Mà cãi là láo!

Những năm tháng tuổi thơ của mình cứ trôi qua như thế và mình thấy người lớn thật quá tàn nhẫn với trẻ con. Họ gần như vầy nát tuổi thơ của mình. Người thì trêu, người thì kích... mình lại chửi, lại cãi, lại bị mẹ đánh. Cuối cùng, mình chính là nạn nhân trong những trò đùa ác khẩu của họ.

Chuyện này đã xảy ra cách đây 20 năm rồi nhưng lại không phải là một câu chuyện đã cũ. Nó luôn luôn nhức nhối như vết thương đang mưng mủ.

Nhiều người lớn luôn tự cho mình cái quyền được trẻ con tôn kính nhưng họ lại chẳng bao giờ biết tôn trọng trẻ con. Gặp trẻ con, họ bắt chúng phải chào hỏi một cách vô điều kiện mà không bao giờ mảy may suy nghĩ rằng họ cũng cần có lời chào chúng. Và thậm chí, người lớn đáng nhẽ ra nên mở lời chào trước. Chào trẻ con để làm gì? Để gửi tín hiệu làm quen. Để bày tỏ rằng chúng đang được tôn trọng như những người trưởng thành khác. Để gián tiếp dạy chúng cách mà chúng nên làm khi gặp mọi người. Mọi người chứ không phải là chỉ gặp người lớn mới chào!

Người lớn nên biết rằng, đối với thế giới của một đứa trẻ, tất cả những gì chúng cần là bố mẹ, vì vậy, chúng không có nhu cầu phải đi làm quen hay gửi tín hiệu kết nối đến bất cứ ai. Muốn chúng "ngoan", người lớn hãy cứ ngoan trước đã.

Nhiều người lớn luôn tự cho mình cái quyền được mang trẻ con ra làm trò đùa nhưng lại không biết rằng trái tim nhỏ bé của trẻ rất mong manh. Trẻ luôn muốn được nói chuyện, bày tỏ quan điểm trong một bầu không khí nghiêm túc, không cợt nhả. Chúng ta đối với trẻ như thế nào, chúng sẽ đối lại y như vậy. Ở những thành phố lớn văn minh, hiện đại, câu chuyện trêu chọc trẻ về một người bố bỏ vợ con đi theo người khác đã giảm, nhưng những câu chuyện kiểu như "mẹ sắp đẻ em bé, cháu sắp bị ra rìa rồi" thì vẫn nhan nhản.

Những câu trêu đùa tưởng chừng như vô hại thực tế đã không ít lần gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Mình còn nhớ, ngày mình học cấp 2, gần nhà có một gia đình sinh được hai bé trai, anh 5 tuổi, em 2 tuổi. Nhà nghèo, hai anh em chẳng đi học mẫu giáo, chỉ toàn ở nhà trông nhau cho bố mẹ đi làm đồng. Thế rồi có lần, một ông bác hàng xóm sang chơi vui mồm trêu, bảo anh ở nhà thấy em quấy khóc thì cứ xẻo 'chim' đi, và thằng bé làm thế thật trong một lần em ăn vạ.

Hay đơn giản chẳng đâu xa, trong chính ngôi nhà mình. Con gái mình hơn 2 tuổi, thỉnh thoảng vẫn bị trêu "cháu bị ra rìa rồi", "làm sao cháu khóc thế? Em Boi đánh à? Để bác đánh cho nó trận nhé"... Con bé từ một đứa rất yêu thương, nhẹ nhàng với em, chuyển sang ghét em và xuất hiện tình trạng đánh vào đầu em. Mình đã phải mất rất nhiều công sức để làm công tác ổn định tinh thần trở lại cho con. Thậm chí, mỗi lần 2 chị em khóc cùng lúc, mình đều chạy lại ôm bé chị trước, dỗ con nín rồi mới ra bế cậu em. Nên chính ra, em mới bị thiệt thòi chứ không phải chị.

Vậy đấy, hậu quả của những câu nói đùa tưởng như vô hại ấy hóa ra lại vô cùng tai hại. Thế nên, người lớn đừng bao giờ mang nỗi thiệt thòi của một đứa trẻ ra để đùa.

Đừng bao giờ lấy bố mẹ chúng ra dùng như một thứ vũ khí hủy diệt, khiến chúng nhìn bố mẹ bằng con mắt sợ hãi. Chúng sẽ chẳng bao giờ mở miệng nói cho bố mẹ biết bất cứ chuyện gì đã xảy ra dù nó đúng hay sai. Đừng bao giờ khiến trái tim chúng bị tổn thương bởi chính tình yêu của chúng dành cho bố mẹ. Đừng bao giờ mang giới tính của chúng ra để dè bỉu. Đừng bao giờ bỏ qua những câu chuyện của chúng!

Làm ơn, hãy lắng nghe trẻ con bởi chúng cần được lắng nghe, cần được thấu hiểu, cần được yêu thương hơn bao giờ hết! Đừng bao giờ tước đoạt đi quyền được thanh minh của chúng. Đến như một tội phạm, trước khi kết án vẫn còn được thanh minh cho bản thân trước tòa cơ mà. Tại sao, con cái chúng ta lại không được hưởng cơ hội để được bố mẹ hiểu hơn? Đó cũng là cơ hội để bố mẹ kịp thời có những biện pháp uốn nắn nếu con có lệch lạc thực sự về cách nghĩ cũng như cách hành xử. Trẻ con cần nhất là tình yêu của cha mẹ! Luôn cần được người lớn bao bọc, che chở và dẫn đường!"

Câu chuyện của Ngân đã nhận được hơn 12 ngàn lượt like và hơn 7 ngàn lượt chia sẻ sau vài ngày đăng trên trang facebook cá nhân. Hầu hết mọi người đều đồng tình với quan điểm của cô, trong đó, có những người cho biết bản thân cũng từng là nạn nhân của những người lớn vô duyên ngày còn bé.

Bạn Hoàng Thanh B. chia sẻ, “đến tận bây giờ minh vẫn nhớ, đến tận bây giờ mình vẫn thấy những người lớn lúc đó thật độc ác và vô tâm. Không một lí do nào có thể biện minh cho họ. Từ thưở bé mình đã tròn trịa hơn những đứa bé khác cùng tuổi. Hồi đó mình còn chưa biết nhìn vào trong gương trông như thế nào nữa, nhưng mọi người ai cũng bảo mình béo? Và những cái câu kiểu như "Ăn ít thôi", "Khiếp béo thế" đã bắt đầu phải nghe rồi. OK 1-2 người nói mình chắc mình chẳng để ý. Nhưng hôm đó, ngay tại nhà bà ngoại mình có mấy người hàng xóm sang nhà chơi và đồng loạt dè bỉu cái sự "béo" của mình với những cái bĩu môi và cười khẩy. Lúc đó mình lặng im, nhưng mà như sắp khóc luôn, đến bữa ăn mình chẳng ăn nổi nữa. Nhưng dì với bà ngoại mình vẫn còn cố hỏi câu "Sợ béo à?" mới đáng sợ.Mình không hiểu sao những người lớn lúc đó lại đi xúc phạm ngoại hình của 1 đứa trẻ 10 tuổi và khiến nó ám ảnh đến tận bây giờ?”.

Một số ý kiến khác cho rằng, không cần biết thế nào, trẻ cứ chửi bậy là láo rồi, theo Ngân thì: “Chửi bậy đôi khi chỉ là thói quen, nó không đánh giá được tâm hồn của trẻ. Ngày bé do toàn chơi với đám bạn chăn trâu mà chúng nó nói bậy nên mình cũng lây. Sau đó, mình đã tự sửa được. Và biểu hiện hỗn hào của trẻ theo mình còn chính là sự tổn thương trong tâm hồn. Một đứa trẻ bị người lớn coi là láo toét rất có thể là 1 đứa trẻ bị tổn thương”.

“Thật vui vì có nhiều bố mẹ đồng quan điểm với mình đến vậy. Đó là tín hiệu tốt cho thấy bố mẹ đang đặt việc quan tâm, giáo dục con lên hàng đầu. Lễ phép với người lớn nhưng vẫn vui vẻ và tự tin thể hiện cá tính, quan điểm của bé chứ không phải o ép, khúm núm hay ấm ức, hậm hực bởi những nỗi oan ức không được giãi bày”, bà mẹ hai con này chia sẻ.

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang