Phụ nữ sinh nở nhiều lần, lao động nặng, coi chừng bị sa sinh dục

Căn bệnh “khó nói” này khiến phụ nữ khổ sở trong sinh hoạt cá nhân lẫn sinh hoạt tình dục. Thế nhưng nhiều người lại chịu suốt nhiều năm nên để lại hậu quả nặng nề.

Sa sinh dục (hay còn gọi sa các cơ quan vùng chậu) là tình trạng bàng quang, tử cung, và/hoặc trực tràng bị sa ra khỏi âm hộ.

Trung bình mỗi tháng gần đây, Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) tiếp nhận đến 50 - 60 ca sa sinh dục có chỉ định phẫu thuật. Đáng nói là vì người bệnh không biết tìm đến nơi có thể chữa trị bệnh hiệu quả cộng thêm cộng thêm tâm lý cam chịu, khá nhiều phụ nữ mắc chứng sa sinh dục trong thời gian dài, khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều.

Phụ nữ sinh nở nhiều lần, lao động nặng, coi chừng bị sa sinh dục - Ảnh 1.

Sa sinh dục gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống phụ nữ

Sa sinh dục khiến tử cung bị đẩy xa âm hộ

Điển hình là trường hợp của bà Lìu Xí M. nhập viện vì bí tiểu, sốt cao và lạnh run. Qua thăm khám, các BS phát hgười bệnh bị khối sa sinh dục (sa bàng quang và tử cung) trên 10 năm nay, dù đã 91 tuổi. Chính vì tuổi quá cao, bà M. không biết tình trạng bệnh của mình có thể chữa khỏi được mà chỉ nghĩ là do lớn tuổi và sinh đẻ nhiều nên chấp nhận chịu đựng chứng bệnh khổ sở này.

Hậu quả của việc kéo rớt tử cung và bàng quang ra xa khỏi âm hộ là bà M không dám đi lại, chỉ giới hạn mọi sinh hoạt quanh giường của mình. Khối sa còn bị trầy xước, lở loét, chảy dịch làm cho người bệnh rất khổ sở. Thời gian gần đây, tình trạng nặng lên khiến bệnh nhân không thể tiểu được. Nước tiểu tồn đọng lâu ngày trong bàng quang gây nhiễm khuẩn niệu rất nặng.

Phụ nữ sinh nở nhiều lần, lao động nặng, coi chừng bị sa sinh dục - Ảnh 2.

Bà M. bị căn bệnh sa sinh dục hành hạ hơn 10 năm

Theo TS BS. Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu BV ĐHYD, sau khi điều trị hết nhiễm trùng đường tiểu, bà M. được làm phẫu thuật nội soi ổ bụng để khâu treo khối sa sinh dục. Ngay sau phẫu thuật, khối sa sinh dục đã được kéo về vị trí cũ, không còn xuất hiện ở âm hộ gây khó chịu cho người bệnh. Sau mổ 1 ngày, người bệnh đã có thể đi lại được thoải mái, không còn bị "giam giữ" như 10 năm vừa qua.

Chị B – con gái của bà M. tâm sự: "Má em đã bị bệnh này 10 năm rồi, gia đình cũng đi khắp nơi để tìm Thầy thuốc giỏi để chữa cho Má nhưng đều bị từ chối vì Má quá lớn tuổi. Mỗi ngày chăm sóc Má, em đều chảy nước mắt vì Má cử động rất khó khăn và đau đớn. Được các y bác sĩ cứu chữa, giờ Má em không còn phải âm thầm chịu đựng bệnh tật nữa. Em mừng quá".

Cam chịu vì sợ hết "yêu", không còn khả năng sinh con

BS Đức cho biết, nguyên nhân của sa sinh dục là do hệ thống cơ và dây chằng vùng đáy chậu bị lão hóa, "nhão ra" nên không còn khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí giải phẫu của các cơ quan đó. Nguyên nhân chủ yếu là do phụ nữ đẻ nhiều, đẻ không an toàn khiến tầng sinh môn bị rách nhưng không khâu lại. Sau sinh, người mẹ lao động quá sớm hay quá nặng cũng làm tăng áp lực lên ổ bụng, dẫn đến sa sinh dục. Ngoài ra, chứng bệnh này còn nảy sinh bởi yếu tố cơ địa và rối loạn dinh dưỡng.

"Giai đoạn sớm, người bệnh thấy có khối phồng ở vùng âm hộ, khối phồng xuất hiện không thường xuyên, chỉ thấy khi ngồi xổm hoặc khi ho rặn đi cầu. Càng ngày, khối phồng vùng âm hộ càng sa ra ngoài nhiều hơn và thường xuyên hơn. Đến khi tình trạng thật nặng thì khối sa thường trực nằm ở ngoài âm hộ không đẩy vào trong âm đạo được nữa"- BS Đức mô tả.

Phụ nữ sinh nở nhiều lần, lao động nặng, coi chừng bị sa sinh dục - Ảnh 3.

Phụ nữ sanh nở nhiều là đối tượng dễ bị sa sinh dục. (Ảnh minh hoạ)

Trước đây, phương pháp điều trị sa sinh dục thường là cắt tử cung đường âm đạo, khâu treo bàng quang, làm lại thành trước và sau âm đạo, hay thậm chí khâu bít âm đạo. Chính vì vậy, người phụ nữ sau đó không còn khả năng chăn gối, và dĩ nhiên không thể sinh con. Cũng bởi lý do này, cộng thêm việc nghĩ chứng bệnh này là một quy luật của tuổi già (41% phụ nữ trên 60 tuổi mắc bệnh này) hay sẽ phải xảy ra với phụ nữ sinh nhiều con mà nhiều người bệnh cam chịu, không dám chữa trị.

Tuy nhiên trong thời điểm y học đã phát triển hiện đại, các cách điều trị mới có thể giữ được tử cung người bệnh, nên những chức năng trên của người phụ nữ không bị ảnh hưởng.

"Ở giai đoạn sớm khi các cơ quan vùng chậu mới sa ít, phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn bằng các bài tập vật lý trị liệu vùng chậu. Ở giai đoạn muộn, điều trị lý tưởng nhất là phẫu thuật để củng cố và tăng sức kéo của hệ thống dây chằng vùng chậu. Phẫu thuật có thể tiến hành qua ngã âm đạo hoặc qua ngã nội soi ổ bụng. Phẫu thuật viên sẽ dùng các mảnh vật liệu sinh học để thay thế các dây chằng đã bị lão hóa" – BS chia sẻ cách điều trị.

Để phòng ngừa sớm bệnh sa sinh dục, TS BS. Nguyễn Hoàng Đức khuyên chị em cần hạn chế táo bón, hạn chế các bài tập thể dục làm tăng áp lực trong ổ bụng, giảm cân, tránh béo phì. Khi mới bị sa sinh dục phải đi khám với bác sĩ chuyên khoa ngay để có biện pháp điều trị thích hợp, tránh khối sa diễn tiến nặng hơn đến mức độ phải phẫu thuật.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang