Tập thể dục trong môi trường ô nhiễm, mắc bệnh phổi lúc nào chẳng hay

Tập thể dục và thường xuyên đi lại trên những đường phố bị ô nhiễm có thể dẫn đến nguy cơ hít phải khí độc và gây hại cho hệ hô hấp của cơ thể. Có thể nói ô nhiễm khí thải giao thông đang quét sạch mọi lợi ích của việc tập thể dục.

Đi bộ trên phố ô nhiễm chỉ là "công dã tràng"

Lợi ích của việc thường xuyên tập luyện các môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, yoga, dưỡng sinh…là điều không cần bàn cãi. Bởi những động tác này giúp con người hòa mình với thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, rèn luyện cả tinh thân và thể chất, giảm stress, béo phì, tim mạch, giúp xương chắc khỏe, ….

Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm không khí đang gia tăng ở nhiều thành phố như hiện nay thì việc tập thể dục thường xuyên trên các đường phố ô nhiễm sẽ gây hại cho sức khỏe nhiều hơn là lợi ích.

Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Luân Đôn tiến hành đã chỉ ra, việc đi bộ gần khu vực không khí ô nhiễm do khói bụi, xe cộ, hoạt động công nghiệp…gây nên có thể làm giảm lợi ích của việc tập thể dục. Ngay cả những người thường xuyên đi bộ dạo quanh các khu vực này cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ.

Cụ thể, các nhà khoa học thuộc Đại học Luân Đôn và Đại học Duke ở Mỹ đã chọn ra 119 người cả khỏe mạnh hoặc đang mắc bệnh phổi mãn tính hay bệnh tim mạch để tham gia vào nghiên cứu. 119 người này được phân chia ngẫu nhiên để đi bộ quanh đường phố Oxford Street hoặc công viên Hyde Park trong vài tuần rồi đổi địa điểm. (Oxford Street được xem là một khu vực ô nhiễm không khí khét tiếng với lượng khói bụi, nitơ điôxit cao.)

Sau một thời gian đi bộ, những người thường xuyên dạo quanh công viên đều cảm thấy sảng khoái khi dung tích phổi của họ được tăng lên sau vài giờ đầu tiên. Thậm chí lưu lượng máu của họ còn được cải thiện đáng kể và huyết áp động mạch giảm 24%. Ngược lại, những người đi bộ quanh đường phố đông phương tiện qua lại nhất tại Luân Đôn- Oxford Street lại không thấy được điều đó. Sức khỏe của họ hầu như không được cải thiện gì, hoặc cải thiện ở mức độ rất nhỏ 4,6% đối với những người tham gia vốn khỏe mạnh.

Theo Fan Chung, giáo sư – bác sĩ chuyên khoa hô hấp, Trưởng Phòng Y học thực nghiệm, Viện tim và phổi quốc gia thuộc Imperial College London, nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng với nhiều người, nhất là người già, người luôn phải dành nhiều thời gian ở những khu vực bị ô nhiễm và người mắc bệnh mãn tính thường xuyên đi bộ để tập thể dục. Họ nên đi bộ trong không gian xanh và tránh xa công trường xây dựng, nơi bị ô nhiễm giao thông cao.

Đi bộ trong nhà có tối ưu hơn không?

Khối lượng khí bụi và chất ô nhiễm chúng ta hít vào phụ thuộc vào mức độ và tần suất tập luyện, nhịp thở, kiểu thở và nồng độ chất ô nhiễm có tại thời điểm đó. Hoạt động thể lực càng cao càng làm tăng nhịp thở, khiến chúng ta chuyển từ thở bằng mũi sang bằng miệng , từ đó cơ chể lọc chất ô nhiễm ở bộ phận mũi mất tác dụng.

Khi chạy, tần suất hít vào của con người tăng gấp 2 lần so với đi bộ nên khối lượng chất ô nhiễm hít vào tăng lên. Trẻ em sẽ hít chất ô nhiễm gấp 5 lần người lớn do nhịp thở tăng nhiều hơn. Người già, người không khỏe mạnh cũng sẽ phải hít thở nhiều hơn người bình thường khi vận động cùng một mức độ. Cho nên họ sẽ dễ hít phải không khí ô nhiễm nhiều hơn.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã khẳng định, không khí ô nhiễm có thể gây viêm phế quản cấp và mạn, gây viêm phổi, hen cấp tính, tăng nguy cơ ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp…Tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài sẽ làm quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn, làm giảm chức năng phổi và làm giảm tuổi thọ.

Vì vậy, đi lại thường xuyên ở nơi có không khí ô nhiễm sẽ gây nhiều tác hại hơn là lợi. Nếu chúng ta chuyển sang tập luyện trong nhà thì có tốt hơn không?

Theo nhiều nghiên cứu về môi trường sức khỏe tại Mỹ và Canada, không khí trong nhà cũng không an toàn như bạn tưởng. Thậm chí chúng cũng bị ô nhiễm không kém ngoài trời nếu công tác vệ sinh không được chú trọng.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra, tỷ lệ các chất ô nhiễm trong nhà  cũng cao gần bằng môi trường bên ngoài, đặc biệt nhà ở ven đường, khu công nghiệp. Nếu trong nhà kín có máy điều hòa thì ô nhiễm không khí có thể đến từ các hạt bụi kích thước nhỏ, các loại nấm mốc, từ bếp nấu gas, ozôn từ các vật dụng chạy điện và máy lạnh…

Nguồn: Tổng hợp DailyMail, Business Insider, Telegraph

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang