Tất tần tật về thai nhi trong 3 tháng cuối

Khi thai lớn lên thì cũng đồng nghĩa là có ít không gian hơn để di chuyển tự do, vì vậy, bạn sẽ có thể cảm nhận được rõ hơn những chuyển động của bé bên trong.

Giai đoạn 3 (khoảng thời gian từ tuần 26 cho đến tuần 40 của thai kỳ) là giai đoạn mà tất cả các cơ quan và các hệ thống trong cơ thể em bé đã sẵn sàng để sống thêm một quãng thời gian nữa trong tử cung của mẹ. Khi bé lớn lên thì cũng đồng nghĩa là có ít không gian hơn để di chuyển tự do, vì vậy, bạn sẽ có thể cảm nhận được rõ hơn những chuyển động của bé bên trong.

27 tuần

Một đặc điểm nổi bật của thai nhi tuần này là em bé sẽ dành phần lớn thời gian để... ngủ để tiết kiệm năng lượng và tích lũy mỡ cần thiết cho cơ thể. Em bé của bạn lúc này đã nặng chừng 1kg và dài hơn 37cm. Với thị lực đã phát triển, bé có thể có thể nhìn thấy ánh sáng mờ mờ qua thành tử cung của mẹ.

28 tuần

Não bé tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, vì vậy, bạn cần ăn nhiều loại thực phẩm tốt cho não. Các cơ bắp của bé cũng vững chãi hơn. Phổi cũng đã có thể hít thở được không khí. Đặc biệt, bộ não bé đang phát triển hàng triệu neuron thần kinh. Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của bé, mẹ sẽ cần rất nhiều protein, vitamin C, axit folic và sắt.

29 tuần

Ngang ngửa một bắp súp-lơ xanh, thai 29 tuần đang dần hoàn thiện khả năng thị giác của mình. Đang có hơn 0,8 lít nước ối bao quanh bé, nhưng khối nước này sẽ giảm đi khi bé ngày một lớn lên và chiếm nhiều không gian hơn trong tử cung.

30 tuần

Với kích thước như một quả bí lớn, bé đã có thể quay đầu từ bên này sang bên kia, ngọ nguậy nhiều, đạp và lộn nhào khiến bạn khó ngủ. Tay, chân và thân mình bắt đầu trở nên đầy đặn hơn do chất béo cần thiết đang bắt đầu tích tụ dưới da.

31 tuần

Bé của bạn tăng cân rất nhanh trong tuần này, đến khoảng 450 gram. Bây giờ bé đã có móng chân, móng tay, tóc và lông tơ. Da của bé mềm và mịn do bé đang tròn trĩnh hơn.

32 tuần

Da của em bé rất đỏ và vẫn còn lùng nhùng. Lúc này thai nhi vẫn tiếp tục nhấp nháy di chuyển, chụp và nắm một cách vô thức. Phải vài tháng nữa em bé mới có được những cử động có ý thức và có đích. Sự chuyển động và nghỉ ngơi của thai nhi lúc này theo chu kỳ khá đều đặn.

33 tuần

Tuần này, thai nhi có chiều dài khoảng 44cm. Bộ não của bé đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Xương trên hộp sọ bé chưa chụm vào, có thể dịch chuyển và hơi chồng lên nhau để bé dễ chui lọt qua đường sinh khi chào đời. Áp lực tác động lên đầu bé trong quá trình sinh ra lớn đến nỗi nhiều đứa trẻ sinh ra có chóp đầu nhọn hình nón.

34 tuần

Hệ thần kinh trung ương và phổi của bé đang trưởng thành. Nếu mẹ từng lo lắng về chuyện sinh non thì nay có thể thở phào vì hầu hết những em bé sinh ra trong khoảng từ 34-37 tuần, đều khỏe mạnh.Từ tuần này, bạn có thể cảm thấy như em bé “rơi” xuống thấp hơn vào vùng xương chậu của bạn. Như vậy nghĩa là bạn dễ thở hơn nhưng áp lực lên bàng quang thì lại nặng hơn.

35 tuần

Lúc này bé đã dài hơn 46cm và nặng khoảng 2,4kg, cỡ một quả bí hồ lô. Thận của bé đã phát triển đầy đủ, gan của bé cũng có thể sản xuất chất thải. Nếu bạn sinh em bé vào tuần này thì phổi của bé đã có thể hoạt động độc lập hiệu quả. Bé đã có thể tự thở mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào.

36 tuần

Từ tuần này trở đi, thai nhi được xem như là đã đủ ngày đủ tháng, có thể chào đời bất kỳ lúc nào, vì vậy, bạn cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Bé đang “rụng” dần phần lớn lớp lông tơ bao phủ cơ thể và lớp sáp bao phủ làn da của bé trong suốt chín tháng nằm trong túi nước ối. Da của bé đã bớt nhăn nheo, và đã có thể nhận thấy rõ lớp mỡ bên dưới da.

37 tuần

Tất cả các hệ thống trong cơ thể em bé bắt đầu làm việc từ bây giờ. Em bé của bạn đã sẵn sàng cho một cuộc sống độc lập và chuẩn bị chào đời. Bé vẫn đang tăng trọng lượng và phát triển não. Nếu bạn có kế hoạch sinh mổ chủ động thì đây thường là tuần được chọn để tiến hành mổ lấy thai.

38 tuần

Bé tiếp tục tích thêm mỡ dưới da để giúp kiểm soát thân nhiệt sau khi ra đời. Bé đã dài cỡ 50 cm và nặng khoảng 3,2 kg, bằng cỡ một quả bí đỏ lớn. Các bé trai thường nặng hơn bé gái một chút. Những lớp biểu bì bên ngoài đang được trút bỏ và thay thế bằng những lớp da mới bên dưới.Nếu bạn đã vào bệnh viện thì hãy sẵn sàng bất cứ lúc nào.

39 tuần

Lúc này, bé có thể đã nặng 3,2 - 3,4kg và dài 50cm. Xương sọ của bé chưa khít lại, chúng có thể chồng lên nhau một chút để có thể chui lọt qua ngả âm đạo của mẹ.

40 tuần

Bé luc này dài 50cm và có thể nặng đến 3,6kg. Vì sự an toàn của bé, bác sĩ có thể đề cập với mẹ về việc “kích sinh” nếu bé vẫn chưa muốn ra đời trong tuần tới. Hầu hết các bác sĩ sẽ không để quá hai tuần từ ngày dự sinh của mẹ vì như thế sẽ đặt hai mẹ con vào nguy cơ biến chứng cao.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang