Thời bao cấp "phát sợ" vì ăn sắn độn nhưng giờ đây lại có 4 món từ sắn cực ngon

Đặc biệt, 4 món từ củ sắn này lại vô cùng thích hợp với tiết trời mùa đông của miền Bắc, không thử thì phí cả một thời thanh xuân đấy.

Nếu từng được ông bà, bố mẹ kể, chắc hẳn bạn sẽ biết đến sự có mặt của củ sắn thời bao cấp. Khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, cơm ăn không đủ, cha ông ta đã phải ăn cơm độn sắn trong suốt một thời gian. Củ sắn khi đó là một loại lương thực phổ biến, lại rẻ nên khi nấu cơm thường hay cho vào độn cùng với gạo, nếu không thì sẽ ăn sắn luộc, sắn hấp... Ăn mãi, ăn mãi như vậy nên nhắc đến sắn nhiều khi còn thấy... phát sợ. Ấy vậy mà bây giờ, sắn lại trở thành những món ăn cực ngon, cực hấp dẫn rồi nhé!

Xôi sắn

Xôi sắn ở Hà Nội không nhiều nơi bán, thế nên những điểm hiếm hoi như hàng xôi sắn ở Ngô Sĩ Liên luôn đông tấp nập. 

Sắn được đồ với gạo nếp, khi ăn sẽ cho thêm thịt băm, hành phi, hành xanh hấp chín, vừng giã nhỏ. Xôi dẻo, sắn bùi cắn ngập răng, lại thêm thịt băm đầy ú ụ với hành phi, hành hấp thơm lừng đã tạo nên một món xôi vô cùng hấp dẫn. Ăn độn mà như thế này thì ăn mãi cũng được ấy nhỉ?

Hàng xôi sắn này thường mở từ 3h chiều, có khi là bác trai bán, có khi là bác gái bán. Mỗi hộp xôi có giá 10 - 15k tuỳ loại. Tuy khách không kéo đến xếp hàng ầm ầm, chỉ luân phiên nhau nhưng thường thì chỉ khoảng 2 - 3 tiếng sau là hết hàng. Bởi vậy, nếu ai muốn ăn xôi sắn thì chịu khó đến mua sớm sớm nhé!

Ngoài ra, bên cạnh địa chỉ 40 Ngô Sĩ Liên, các bạn còn có thể ghé tới quán xôi sắn ở bên hông sân vận động Nghĩa Tân, cũng bán từ 15 giờ đến 18 giờ, giá trung bình 20 ngàn/bát.

Bánh sắn nướng

Các bạn học sinh, sinh viên chắc hẳn đã rất quen mặt với món bánh sắn nướng thơm lừng cổng trường mỗi khi chiều về. Bánh sắn nướng thường được bán trên những chiếc xe đạp nhỏ, lang thang trên nhiều con phố, mà phổ biến nhất là ở khu vực cổng các trường học.

Mỗi chiếc bánh chỉ có giá khoảng 3k. Theo chia sẻ của một chị bán bánh sắn nướng ở khu vực Chùa Láng, bánh sắn này có nguyên liệu chủ yếu là sắn, thế nhưng người ta vẫn phải cho thêm nhiều thứ khác như một chút khoai lang, dừa nạo sợi rồi trộn với bơ, đường, sữa rồi mới nặn thành bánh và nướng lên. Bảo sao mà bánh sắn nướng lúc nào cũng thơm lừng, đứng cách mấy mét mà đã thấy nức mũi rồi.

Mùa đông, còn gì thích bằng cầm những chiếc bánh sắn nướng nóng hổi, bẻ từng miếng nhỏ, vừa thổi phù phù vừa thong dong ăn từng miếng. Vị ngọt, vị bùi và mùi thơm ngọt dễ chịu làm cho mùa đông Hà Nội trở nên vô cùng thú vị.

Chè sắn

Nguyên liệu nấu chè sắn rất đơn giản, chỉ có sắn với bột sắn. Củ sắn được cắt thành miếng nhỏ vừa ăn, nấu tới khi vừa chín thì xuống chút bột sắn cho vừa sánh mịn. Đặc biệt, một thứ không thể thiếu để bát chè sắn dậy mùi thơm chính là vị cay nồng của gừng. 

Bát chè sắn có độ đặc vừa phải, miếng sắn mềm, bở, ngọt vừa vặn. Tuỳ từng nơi, trước khi ăn, người ta còn có thể rắc thêm chút gừng nạo sợi lên trên, cầu kỳ hơn thì cho thêm nước cốt dừa để chè sắn ăn ngậy hơn, thơm hơn.

Một số địa chỉ gợi ý cho món chè sắn ở Hà Nội là 54 Bạch Mai, 39 Lý Quốc Sư hoặc 35 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sắn hấp dừa

Gần gũi với món sắn thời bao cấp nhất có lẽ chính là món sắn hấp. Trên những gánh hàng rong hay những chiếc xe nhỏ lang thang khắp phố phường với đầy những khoai, những ngô, củ sắn cũng góp mặt vô cùng giản dị.

Củ sắn trắng muốt, nóng hổi, được hấp tới độ bở vừa vặn, không bị cứng cũng không bị nát. Một số nơi còn cho thêm ít dừa nạo vào, khiến cho củ sắn thơm lừng và trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.

Trong cái lạnh run rẩy của mùa đông Hà Nội, hoài cổ với các món từ sắn nóng hổi này quả là điều vô cùng thú vị phải không nào?

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang