#Tôi dạy con: Ok, con cứ giành đồ chơi của bạn nếu con muốn!

Giành đồ chơi của bạn là sai, nhưng con nhất quyết như vậy thì mẹ đồng ý để con giành lấy nó từ bạn Chíp. Nhưng trước khi con ra đó và giành nhau với bạn Chíp chúng ta nên phân tích một chút các tình huống con có thể gặp phải, con đồng ý chứ.

Tôi có một cậu con trai tinh nghịch và cá tính. Cậu bé có xu hướng làm ngược lại những gì ba mẹ nói ở độ tuổi lên 3. Và tôi biết nếu như khi con muốn dành đồ chơi của bạn mà mẹ ngăn cản hoặc phạt thì câu chuyện mãi đi vòng vòng và chẳng bao giờ tôi có thể giải quyết được vấn đề này cả. Cậu bé cũng chưa thể phân biệt đúng, sai nên thường không chấp nhận việc đó là đúng, việc đó là sai. Vì vậy tôi đã từng rất đau đầu khi khuyên nhủ con.

- Mẹ ơi, con sẽ đi ra đó và giành đồ chơi của bạn Chíp

Khi tôi đang ngồi trên ghế giữa sân trường sau giờ học của con, cậu con trai 3,5 tuổi của tôi đang chơi tiến lại gần và nói với ánh mắt rất chắc chắn với mẹ như vậy. Tôi ngồi xuống ngang tầm mắt với con và nói:

- Vì sao con lại muốn giành đồ chơi của bạn?

- Vì con thích con vịt bằng cao su đó lắm

- Nhưng đó là của bạn mà?

- Không chịu, con muốn giành lấy nó để chơi

- Ok, giành đồ chơi của bạn là sai nhưng con nhất quyết như vậy thì mẹ đồng ý để con giành lấy nó từ bạn Chíp nhưng trước khi con ra đó và giành nhau với bạn Chíp chúng ta nên phân tích một chút các tình huống con có thể gặp phải, con đồng ý chứ.

Con trai nhìn tôi và gật đầu đồng ý.

- Sẽ có hai tình huống xảy ra khi con ra đó và giành con vịt đó của bạn ấy: Trường hợp thứ nhất: Con sẽ không giành được con vịt ấy vì bạn Chíp lớn hơn con, bạn ấy sẽ đẩy con ngã, con đau và khi con đau mẹ sẽ không bênh vực con đâu vì giành đồ chơi của bạn là sai.

- Nhưng con nhất định sẽ giành được! - cậu bé nhất quyết.

- Ok đó là trường hợp thứ 2: Con sẽ giành được con vịt đó, con nghĩ bạn Chíp sẽ làm gì?

- Chắc bạn ấy sẽ khóc to lắm, như Tom Nhí khi bị lão chuột cống bắt ấy

- Đúng rồi, con nói đúng lắm. Chíp sẽ khóc và mẹ Chíp ngồi đằng kia chắc chắn sẽ chú ý và tất nhiên bác ấy sẽ mắng con và có thể sẽ nổi giận với con. Lúc đó mẹ cũng không thể bệnh vực con đâu vì con đang làm sai.

- Con sẽ bắt mẹ bạn Chíp bỏ vào thùng rác!

- Bắt người khác là vi phạm luật, lúc đó các chú cảnh sát sẽ bắt con và con sẽ không được ở với bố mẹ nữa. Con thấy có buồn không khi không được ở với bố mẹ?

Cậu bé hơi lưỡng lự một chút nhưng vẫn quả quyết:

- Không, con muốn giành đồ chơi của bạn Chíp!

- Ok, mẹ đã phân tích cho con các tình huống rồi nếu vẫn chấp nhận và có cách giải quyết con hãy ra đó và giành đi nhé.

Cậu bé dạ và bước đi. Tôi nín thở chờ đợi. Được nửa đường, tôi thở phào khi con quay lại và nói với mẹ:

- Con không giành nữa đâu, không được ở với bố mẹ thì chán lắm mẹ nhỉ?

- Ừ đúng rồi con trai, mẹ thật vui vì con biết suy nghĩ như vậy.

Câu chuyện được giải quyết xong êm xuôi.


Ảnh minh họa

Tôi nhận ra rằng thay vì ngăn cản, áp đặt ý kiến chủ quan của mình bố mẹ hãy giúp trẻ dần dần nhận thức được vấn đề. Muốn làm như vậy bố mẹ hãy chịu khó dành chút thời gian khơi gợi và hướng dẫn con những tình huống có thể xảy ra và lắng nghe cách giải quyết của bé.

Không chỉ việc giành đồ chơi của bạn, mỗi khi con trai nói với mẹ là sẽ làm một việc gì đó, tôi thường cùng bé phân tích những tình huống có thể xảy ra và để tự con trai quyết định. Con muốn mặc nguyên áo khoác to bự để đi học vào ngày hè tôi đồng ý, con muốn không tắm hôm nay tôi đồng ý, con muốn mang đồ chơi đến lớp (dù cô giáo không khuyến khích) tôi cũng đồng ý…Nhưng trước khi đồng ý tôi sẽ cho con suy nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu con làm vậy, cách giải quyết nó.


Sẽ có đôi lúc sau khi phân tích hết tất cả bé vẫn quyết định sẽ làm việc đó, tôi vẫn để bé làm miễn là việc đó trong tầm chấp nhận được và khi đó bé nhận được lại bài học nhanh hơn bất cứ bài thuyết giáo nào

Khi con nói muốn giành đồ chơi của bạn tôi luôn nói “ok con cứ giành đi” nhiều phụ huynh nhìn tôi rất ác cảm. Nhưng mỗi người mẹ sẽ có một cách tốt nhất với đứa con của mình, và chỉ mình họ biết mà thôi!

Theo Làm Cha Mẹ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang