Rất nhiều người sống đến 30 tuổi nhưng vẫn loay hoay không biết mình là ai, mình muốn thế nào, con đường mình cần hướng đến là gì. Lý do lớn nhất dẫn đến vấn đề này là vì họ thiếu đi sự nhận thức về chính bản thân.
Nói một cách đơn giản, nhận thức và hiểu rõ về bản thân sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần và hành vi của cả một con người. Chỉ khi ta nhận thức được bản thân là ai, đang ở vị trí nào thì mới có cơ hội thay đổi số phận. Không những thế ta học được cách bao dung, có cái nhìn xa hơn, hiểu biết hơn về cuộc sống, về những thiên biến vạn hoá xung quanh ta. 3 câu chuyện về tầm quan trọng của sự tự nhận thức dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ ràng hơn!
1. Thiếu tình yêu không phải là khiếm khuyết, điều quan trọng là ta học được cách yêu
Khi còn nhỏ, bố mẹ tôi thường xuyên cãi nhau và hiếm khi quan tâm tới con cái. Ở trường, tôi hơi ít nói và không có bạn bè. Tôi luôn cảm thấy mình là một con người thiếu thốn tình cảm, thứ tôi cần chỉ là tìm được một người bạn thân có thể thấu hiểu và ở bên mỗi khi tôi buồn.
Cứ như thế tôi lớn lên, cuối cùng cũng vào đại học. Quãng thời gian học đại học tôi từng có 2 mối tình. Chúng đều không kéo dài được lâu. Bởi vì trong mỗi cuộc cãi vã, tôi thường cảm thấy chúng tôi không hợp nhau. Đối phương chắc chắn cũng không hề muốn cùng tôi bước tiếp, tốt nhất là chia tay.
Năm ngoái tôi tốt nghiệp, ra trường và bắt đầu có những mối quan hệ xã hội đầu tiên. Một đêm nọ, tôi học chỉnh sửa video ở nhà để phục vụ công việc mới. Do không có nền tảng nên phải tự mày mò rất lâu. Học cũng chỉ là học thôi, tôi chợt nghĩ: Từ nhỏ đến lớn tôi chưa học được cách yêu người khác. Tình yêu đáng lẽ ra nên học từ nhỏ bởi nó là một thứ gì đó vô cùng tận, học mãi không đến được bờ bên kia. Thật ngu ngốc khi tôi vẫn ôm giấc mộng hồng có thể gặp được một người có thể thấu hiểu và chịu đựng được thói xấu của bản thân mà không hề nhận ra chỉ có mình mới hiểu rõ mình nhất.
Nghĩ đến đây, tôi bắt đầu khóc khi nhớ lại những ký ức buồn vì từng bị bỏ bê trong quá khứ. Khóc chán chê tôi mới nghiệm ra rằng: Bạn không thể mãi ngủ quên trong giấc mộng tình yêu hoàn hảo như câu chuyện cổ tích, mà còn phải nỗ lực học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm về nó. Cho đi tình yêu một cách đúng đắn có lý trí thì cơ hội gặt hái được những mối quan hệ thật sự có ích sẽ ngày càng cao.
Sau khi thay đổi suy nghĩ, tôi quyết định quay lại với mối tình thứ hai. Mặc dù đôi lúc còn loay hoay nhưng mối quan hệ cũng dần ổn định, giữa chúng tôi có một sự kết nối sâu sắc hơn. Bây giờ tôi đã hiểu thiếu tình yêu không phải là khiếm khuyết, điều quan trọng là ta học được cách yêu. Thật tốt khi tìm được một người sẵn sàng cùng ta học cách yêu, cùng nhau trưởng thành.
2. Thay vì cố làm hài lòng tất cả mọi người, hãy làm hài lòng chính bản thân mình
Trong quá khứ, tôi dường như không tranh cãi với bất kỳ ai. Bất kể là loại người nào, tôi luôn có thể hoà hợp với họ.
Hồi đó, tôi có một người bạn. Nó rất quảng giao, rất nhiều bạn. Hai đứa đi đâu cũng có nhau, thậm chí đi chơi với bạn trai, nó cũng gọi tôi đi cùng. Nổi tiếng, xinh đẹp, ôn hoà là tất cả những gì tôi thấy ở cô bạn của mình. Ở bên nó giúp tôi ngày càng kết bạn được với nhiều người hơn.
Tôi thật sự thích vòng quan hệ ấy, và luôn nghĩ rằng mình là một mắt xích, mình là một trong số họ. Cho đến khi có người nói rằng tôi sống như cái bóng của cô bạn thân. Câu này khiến tôi choáng váng. Lúc đầu có tức giận, nhưng tôi tự nhủ rằng đây không phải là tôi. Tôi không có dễ tức giận như vậy. Nhưng câu nói ấy thì vẫn đọng lại trong tâm trí đến tận giờ.
Điểm mấu chốt ở câu nói chính là tôi nhận ra rằng: Hoá ra mình luôn sống như một cái bóng, không chỉ là cái bóng của cô bạn thân mà còn là bóng của mọi người xung quanh. Tôi có thể gia nhập một đám đông là vì họ thường thích nói chuyện với những người đồng ý với quan điểm của mình. Điều họ thích không phải con người thật của tôi mà là sự đồng ý đến từ một cá nhân họ không quan tâm cho lắm chỉ để thoả mãn sự tung hô bản thân lên trời xanh. Và cái "tôi" thực sự trong việc theo đuổi tình cảm từ người khác hết lần này đến lần khác chỉ còn một cái vỏ mỉm cười giả tạo.
Nhận ra điều này, tôi bắt đầu học cách quan sát cảm xúc và yêu bản thân nhiều hơn. Đôi khi tôi bày tỏ suy nghĩ của mình trước các bạn học cũ. Họ ngạc nhiên chứ, trong số đó có người ủng hộ nhưng cũng có người quay lưng lại và dần trở nên xa cách. Nhưng tôi đã có thể chấp nhận nó một cách bình tĩnh. Rằng thay vì cố làm hài lòng tất cả mọi người, tốt hơn là học cách khẳng định và làm hài lòng chính mình.
3. Khái niệm tình bạn "có đi có lại và cùng có lợi" không giúp duy trì tình bạn
Tôi luôn cảm thấy rằng lợi ích chung là nền tảng của tình bạn, mình phải làm điều gì đó cho người ta thì mới là bạn. Khi cảm thấy mình không còn hữu ích cho đối phương, tôi sẽ tự động rời xa người bạn này, bởi vì trước sau gì tôi cũng sẽ bị bỏ rơi tốt hơn hết là rời đi sớm.
Do đó, tôi không có cái gọi là tình bạn tri kỷ hay bạn thân. Người duy nhất tôi chơi thân trong 5 năm là cô bạn học cùng khoá thạc sĩ. Vào thời điểm đó, mỗi đứa giỏi mỗi môn khác nhau, có thể bù đắp những thiếu sót của đối phương. Sau đó hai đứa cùng vượt qua bài kiểm tra thạc sĩ, rồi lên tiến sĩ. Cô ấy nhận được bằng tiến sĩ còn tôi thì không.
Sau đó, cô ấy ngỏ ý giúp tôi ôn lại tài liệu và liên lạc lại với giáo viên, tôi từ chối. Bởi tôi cảm thấy rằng tôi không thể báo đáp cô bạn này và đương nhiên tôi không xứng để nhận được sự giúp đỡ. Cô ấy không hài lòng và nói thẳng rằng tôi không biết chớp thời cơ tốt, không biết tận dụng cơ hội. Tôi bực mình, cầm lấy lọ hoa ném xuống sàn. Từng mảnh thuỷ tinh bắn tung toé, tôi kể cô ấy nghe rằng tôi đã khó chịu như thế nào về sự giúp đỡ của cô ấy và lo lắng mình không thể báo đáp. Cô bạn ngạc nhiên một lúc rồi hỏi: "Bà nghĩ gì về con người tôi vậy? Bà nghĩ gì về chính bà vậy?".
Tôi chợt nhận ra rằng khái niệm tình bạn "có đi có lại và cùng có lợi" của tôi khiến mọi thứ trở nên bung bét và mất đi giá trị thật của nó. Cô bạn của tôi kết bạn với tôi không phải vì tôi có thể giúp cô ấy, đơn giản vì cô ấy đánh giá cao tôi và sẵn sàng ở bên tôi mỗi khi tôi cần. Hóa ra, bằng suy nghĩ hạn hẹp kia, tôi đã mất đi giá trị của chính mình, thậm chí có vẻ coi thường tình cảm chân thành của cô bạn. Lòng tôi trở nên nhẹ nhõm hơn vì tôi thấy đòi hỏi của bản thân trong nhiều năm qua là sai lầm. Tôi không có bạn bè có lẽ vì tôi nhìn họ một cách thực dụng.
Sau vụ đó, tôi học cách chấp nhận lòng tốt của người khác và họ đối xử với tôi cũng tốt hơn trước. Cả tôi và bạn bè đều không có giá trị gì có ích cho đối phương. Thay vì rối rắm cho rằng bạn vô dụng, tốt hơn là nên chú ý đến nhau một cách chân thành và biết ơn khi bạn được coi trọng.
Link báo gốc: http://ttvn.toquoc.vn/3-cau-chuyen-chung-minh-thay-thai-do-thuc-su-co-the-doi-cuoc-doi-dung-bao-gio-co-gang-lam-hai-long-tat-ca-moi-nguoi-2202026025682.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.