Chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho bản thân về những sai lầm nhỏ nhặt mà chúng ta không biết, hoặc trừng phạt bản thân vì những lỗi lầm. Đôi khi, bạn cảm thấy rằng áp lực, kiệt sức và kỳ vọng cao nhất đến từ chính bạn chứ không phải là ai khác.
Mặc dù đúng là “không có ai để đổ lỗi ngoài chính bạn”, và nó giúp bạn phát triển tính kỉ luật cũng như sống có trách nhiệm hơn, nhưng đó cũng không phải là tiêu chuẩn hoàn toàn đúng. Bạn có thể nhận ra rằng lòng tốt và sự tử tế lớn nhất mà bạn cần, đến từ chính bạn chứ không phải những người xung quanh.
Và dưới đây là 6 cách để bạn có thể sống tử tế hơn với chính mình.
1. Đi dạo cho đầu óc tỉnh táo
Gần đây bạn có thời gian để ra ngoài không? Có thể bạn đã bị cuốn vào công việc, việc nhà hay những việc lặt vặt mà quên dành thời gian cho bản thân để đi ra ngoài hoặc làm điều gì đó giúp giải tỏa đầu óc. Đi bộ đến nhà hàng, địa điểm yêu thích hay du lịch ngắn ngày có thể giúp giảm lo lắng và căng thẳng đáng kể.
Một phần quan trọng trong việc thể hiện sự tử tế với bản thân là đảm bảo rằng bạn đang cho mình thời gian cần thiết để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng. Một chuyến đi dạo giữa thiên nhiên, công viên hoặc không gian ngoài trời mà bạn thực sự yêu thích là cơ hội hoàn hảo để giảm căng thẳng và lo lắng. Bạn có thể ngắm bình mình hay hoàng hôn, nếu lâu rồi bạn chưa có cơ hội ngắm. Bạn cũng có thể ngắm mưa hay nằm xuống ngắm sao trời. Hòa mình vào thiên nhiên thực sự có thể giúp ích cho bạn.
2. Xác định những gì bạn cần và làm theo
Hãy suy nghĩ về những gì bạn cần ngay tại thời điểm này. Có thể là một giấc ngủ ngắn, hay một cốc nước ấm? Hãy dành cho mình một phút để đánh giá về tình hình hiện tại của bạn đang như thế nào.
Một khi bạn bắt đầu thực sự tập trung suy nghĩ, bạn có thể nhận thấy rằng bạn đã và đang làm việc quá sức. Bạn quên uống nước, hay mắt bạn đã mỏi vì nhìn màn hình quá lâu hay cơ thể bạn đang thực sự cần được hoạt động?
Hãy tiếp thu những cảm xúc mà bạn đang có ngay bây giờ và hướng tới chúng. Lựa chọn lắng nghe cơ thể của bạn có thể giúp bạn đi một chặng đường rất dài, đặc biệt là khi bạn chọn những gì bạn cần ưu tiên trong suốt cả ngày, ngay cả khi đó là chính bạn.
Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng kiệt sức và khiến bạn cảm thấy sẵn sàng cho những điều quan trọng đối với bạn. Đưa ra quyết định sáng suốt về những gì bạn cần và nạp năng lượng cho các ưu tiên trong cuộc sống là cách để tử tế hơn với chính mình.
3. Ăn, uống và nghỉ ngơi
Chúng ta luôn nghe về những lợi ích tuyệt vời của việc ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý. Nhưng làm như thế nào mới đúng thì chưa chắc bạn đã biết.
Ví dụ, bạn có biết rằng nếu bạn cảm thấy khát nước, điều đó có nghĩa là bạn đang bị mất nước ở mức độ nhẹ. Hãy luôn mang một chai nước bên mình, hoặc để cốc nước ở gần nếu bạn cần tập trung để làm việc. Đó là cách giúp bạn luôn có thể uống đủ nước.
Khi quá áp lực, căng thẳng hoặc cảm thấy chán nản, chúng ta có xu hướng quên ăn, quên uống và thậm chí là quên ngủ. Hãy thử hình dung về một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình mà bạn yêu quý không ăn uống cả ngày vì bất kì lý do gì, bạn sẽ mang đến cho họ một bữa ăn nhẹ hoặc nhắc nhở họ sinh hoạt điều độ chứ? Hãy làm điều tương tự với chính mình, đó là một sự tử tế.
4. Nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian căng thẳng
Bạn đã bao giờ ép buộc bản thân phải hoàn thành deadline chưa? Hay thức đêm để ghi nhớ kiến thức cho bài thi hôm sau hay một buổi thuyết trình? Bạn dành cả một ngày dài để tập trung vào việc học, ghi nhớ, làm việc, nhưng thực tế khả năng ghi nhớ thông tin và giải quyết vấn đề của bạn lại không hiệu quả.
Vậy thì thay vì học 5 tiếng đồng hồ liên tục, hãy chia nhỏ khoảng thời gian học tập cho một ngày để giúp cải thiện khả năng học và ghi nhớ các kỹ năng mới của bạn.
Cách này cũng có thể được thực hiện trong nhiều tình huống khác nhau, vì vậy bạn có thể không cần thức khuya hay làm việc liên tục không nghỉ. Đôi khi, đợi đến sáng có thể giúp bạn tiếp cận vấn đề ở một góc độ mới mẻ và độc đáo hơn.
Sau mỗi sự kiện hoặc một khoảng thời gian tập trung căng thẳng, hãy dành cho mình ít nhất 10 phút để nghỉ ngơi thực sự trước khi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác.
5. Tự thưởng cho mình khi đã hoàn thành tốt công việc
Khi chúng ta có xu hướng khắt khe với bản thân, biến những trải nghiệm lẽ ra tốt thành một trải nghiệm bình thường sẽ khiến chúng ta kém hứng thú hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Và phần thưởng được đặt ra là để giải quyết điều đó.
Nếu bạn đã hoàn thành xong một dự án, một nhiệm vụ mà bạn đã dành cả tuần để làm, hoặc bạn đã rất cố gắng để tập một thói quen lành mạnh nào đó, hãy dành cho bản thân sự vỗ về. Bạn có thể tự hào về những thành tích mình đã đạt được cho dù nó lớn hay nhỏ.
Chẳng hạn, nếu mục tiêu của bạn là chạy 5km mỗi ngày. Sau 1 tháng hình thành thói quen, hãy tự thưởng hoặc ăn mừng cho bản thân mình một điều gì đó. Chúc mừng bản thân mình cũng giống như cách mà bạn chúc mừng những người bạn yêu.
6. Tha thứ cho bản thân và tiến về phía trước
Tất cả chúng ta đều đã từng làm một điều gì đó mà mình phải hối tiếc trước đây. Cho dù đó là bỏ lỡ một cơ hội, vô tình làm tổn thương người bạn yêu thương hay thậm chí là quên thực hiện trách nhiệm của bản thân, bạn có thể thấy mình đang tìm kiếm một thứ gì đó để đổ lỗi. Và khi không có ai ở bên và không có ai để đổ lỗi, chúng ta có xu hướng mặc nhiên đổ lỗi cho chính mình.
Điều này có thể dẫn đến việc chúng ta xúc phạm chính mình, trí thông minh của mình hoặc đặt câu hỏi tại sao. Mặc dù việc tự phản ánh và chịu trách nhiệm là rất quan trọng, nhưng vẫn có những thứ thúc ép bản thân quá mức hoặc buộc bản thân phải chịu trách nhiệm theo một tiêu chuẩn không hợp lý.
Hãy thử nghĩ về một người tốt nhất mà bạn biết, một trong những người mà bạn yêu thương nhất, bạn có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng họ cũng đã từng phạm sai lầm giống bạn. Dù lớn hay nhỏ, ai cũng có những tiếc nuối.
Và vì vậy mà tha thứ cho bản thân là một trong những cách để yêu thương bản thân tuyệt vời nhất mà bạn có để giúp chính mình tiến về phía trước. Hãy nhớ rằng bạn chỉ là một con người và việc mắc sai lầm là việc bình thường, tha thứ cho bản thân sẽ giúp bạn có thể bước tiếp và tránh mắc sai lầm trong tương lai.
Nguồn: Psych2go
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.