Ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh: Miền Bắc, miền Trung đối mặt nhiều hình thái thời tiết đáng lo ngại

(lamchame.vn) - Mưa rào và dông rải rác tại các tỉnh miền Bắc sẽ duy trì đến ngày 14/11. Trong khi đó, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to tại các tỉnh Trung Bộ sẽ tiếp tục trong nhiều ngày tới, gây ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm.

Miền Bắc có nơi rét đậm rét hại

Sáng nay (13/11), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Dự báo chiều và đêm nay (13/11), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh: Miền Bắc, miền Trung đối mặt nhiều hình thái thời tiết đáng lo ngại - Ảnh 1.

Ngoài chênh lệch nhiệt độ từ trạng thái oi nóng chuyển lạnh đột ngột, người dân miền Bắc cần lưu ý những hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra như: Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh,...

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 12-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ.

Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, ngày 14/11 không khí lạnh tiếp tục được tăng cường ổn định, khu vực Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất từ 17-20, vùng núi 14-17, vùng núi cao có nơi dưới 13 độ. Trong khi đó, tại khu vực Bắc Trung Bộ, nền nhiệt thấp nhất từ 17-20 độ, trời rét.

Miền Trung mưa to liên tiếp nhiều đợt

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh kết hợp với địa hình đón gió của dãy Trường Sơn, từ ngày 12/11, khu vực Trung Bộ đã có mưa vừa, có nơi mưa to. 

Đặc biệt, từ đêm 12/11 đến sáng sớm13/11 khu vực từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Quảng Nam có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h/12/11 đến 07h/13/11 có nơi trên 130mm như: Bản Ngần (Hà Giang) 131.8mm, Trịnh Tường (Lào Cai) 173.8mm, TP. Vinh (Nghệ An) 186.4mm, Đại Lộc (Hà Tĩnh) 205.2mm, Hòa Bắc (Đà Nẵng) 212.8mm, Đập Hà Thành (Quảng Nam) 192.0mm, ...

Mưa lớn đã ngây ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm như ngập úng ở vùng trũng thấp, lũ lụt, sạt lở đất ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam,... 

Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, ngày và đêm 13/11, ở khu vực Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 60-150mm, có nơi trên 180mm. Mưa sau đó giảm dần ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, phạm vi mưa sẽ mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên với lượng mưa từ 100-200mm, có nơi trên 500mm.

Trong đó 4 địa phương, gồm: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi là những địa phương được dự báo sẽ là trọng tâm của đợt mưa lớn lần này. Từ đêm 14-17/11, khu vực này tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-350mm, có nơi trên 450mm.

Cảnh báo: Từ ngày 15-17/11, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-150mm, có nơi trên 250mm.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, dự báo từ 13-18/11, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, bắc Phú Yên ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2, có sông trên BĐ2. Các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.

Chuyên gia khí tượng khuyến cáo, đợt mưa còn mở rộng phạm ra ra cả phía Đông của khu vực Tây Nguyên với lượng mưa từ 60-120mm, có nơi trên 150mm.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Dự báo xa, cơ quan khí tượng nhận định, từ nay cho đến đầu tháng 12, khu vực miền Trung có thể đối mặt với nhiều đợt mưa lớn, do tác động của chủ yếu của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông và địa hình đón gió của dãy Trường Sơn.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang