Bà bầu 33 tuổi can đảm trong hành trình "giữ con"

(lamchame.vn) - Sản phụ 33 tuổi phát hiện bị rau cài răng lược ngay ở những tuần đầu của thai kỳ, phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng vẫn nhất quyết "giữ lấy con".

Gian nan giữ con

Chị Chu Thị Hoa Hảo (SN 1989) lặn lội đường xá xa xôi đến gặp bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhờ khám thai, hiện thai đã ở tuần 34. Ở tuổi 33, chị Hảo mang thai lần 3 nhưng lại bị rau cài răng lược. Hành trình chị mang thai vô cùng gian nan và vất vả, 3 lần mang thai là cả 3 lần chị phải nỗ lực đến cùng để giữ lấy con.

Hai lần mang bầu trước, chị đã mổ đẻ, cả 2 đều có những di chứng đáng tiếc. Chị chia sẻ: “Mổ đẻ lần 1, tôi có một sẹo mổ vô cùng xấu khiến tôi khá tự ti. Lần 2 thì lại bị tiểu đường thai kỳ, phải tiêm insulin, tuần 28 thì cổ tử cung ngắn, phải hạn chế vận động. Hơn nữa tôi từng mang thai và em bé bị mất tim thai ở tuần thứ 8. Lần này lại gặp phải tình trạng như vậy, tôi không muốn con xảy ra chuyện”.

Chị Hảo cho biết ở lần mang thai này, chị đã phát hiện những dấu hiệu bất thường nên đã đến gặp bác sĩ nhờ thăm khám và điều trị ngay.

Sau khi thăm khám, hội chẩn cho chị Hảo, các bác sĩ nhận định, thai nhi nằm ngay vết mổ đẻ. Tuy nhiên rất may mắn, thai lại nằm thiên về buồng tử cung nhiều hơn.

Các bác sĩ đã đưa ra 2 lựa chọn, 1 là đình chỉ thai nghén nhưng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro như vị trí rau cài có nguy cơ chảy máu khi dùng thủ thuật và có nguy cơ cắt tử cung, gây nhiều tai biến cho người mẹ. Với lựa chọn thứ 2 là giữ thai khi mổ đủ tháng cũng vẫn sẽ có nguy cơ phải cắt tử cung, nhưng có cơ hội làm mẹ. Khao khát có thêm con, chị Hảo quyết định bằng mọi cách phải giữ con.

BS Phan Chí Thành chia sẻ: “Sản phụ Hảo bị rau cài răng lược lại có tiền sử sinh non nên cần phải giữ thai và hạn chế vận động tối đa. Những lần trước mang thai đã vô cùng khó khăn, lần này còn khó khăn và nguy hiểm gấp nhiều lần. Đặc biệt ở lần này, nếu đẻ non thì vừa mất con, vừa nguy hiểm tính mạng vì chảy máu và vẫn phải cắt bỏ tử cung vì rau cài răng lược ăn vào vết mổ đẻ cũ... Tuy nhiên với nghị lực và tình yêu vô bờ của người mẹ, chị Hảo vẫn quyết tâm giữ con bằng được. Với tư cách y bác sĩ, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp sản phụ. Đây là một người mẹ đầy nghị lực và can đảm”.

 
Nghị lực phi thường của bà mẹ ngoài 30 tuổi trong hành trình ‘giữ con’ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

BS Thành cho biết hành trình giữ thai cho sản phụ Hảo còn rất nhiều gian nan phía trước. Chị Hảo bị rau tiền đạo trung tâm và cài răng lược ăn trực tiếp vào sẹo mổ (bánh rau che toàn bộ đường ra tử cung và ăn vào sẹo mổ). “Chúng ta tưởng tượng tử cung như quả bóng được bơm liên tục khi thai nhi lớn thêm mỗi tuần. Ở các bệnh nhân rau tiền đạo, việc bánh rau di chuyển kết hợp với cơn gò tử cung có thể gây bong rau và chảy máu rất nhiều. Trường hợp chị Hảo còn bị rau cài răng lược, các mạch máu tăng sinh to như ngón tay, nên khi chảy máu có thể mất hàng lít máu và đe dọa tính mạng cả 2 mẹ con.

Hiện thai nhi đã được 34 tuần tuổi, chúng tôi cân nhắc cho chị Hảo nhập viện hoặc phải ở thật gần bệnh viện để nếu chảy máu có thể vào viện ngay kịp thời”, BS Thành cho biết.

Lựa chọn phương pháp sinh phù hợp

BS Thành lưu ý việc nhiều mẹ lựa chọn phương pháp mổ đẻ là an toàn, dễ dàng và thẩm mỹ là không đúng. Hiện nay, hậu quả sau những lần mổ đẻ là lần mang thai sau, bánh rau cài răng lược ăn vào vết mổ để lại hậu quả vô cùng nặng nề.

“Lần mang thai đầu đã mổ đẻ, thì đến lần mang thai kế tiếp, người mẹ vẫn phải mổ đẻ. Do đó, với những mẹ con so mang thai lần đầu, bác sĩ luôn động viên và hỗ trợ tối đa các mẹ có thể đẻ thường nếu sức khỏe cho phép, để tránh việc phải sinh mổ. Bởi đẻ thường không những tốt cho 2 mẹ con trong lần mang thai này mà còn đảm bảo cho tương lai sinh sản sau này của người mẹ”, BS Thành nói.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang