Từng mảng da "tuột" khỏi người con
Mới đây, bà mẹ Nicola Grantham, đến từ Clayton-le-Moors, Lancashire (Anh), đã kinh hoàng khi thấy một mảng da rơi ra từ một má của con trai Lennon (5 tuổi), khi vào đánh thức con dậy sau giấc ngủ trưa. Chị vội vàng gọi điện thoại cho chồng, anh Leon Townsend, về nhà ngay. Và cặp vợ chồng đã kinh hoàng khi nhấc con ra khỏi giường thì phát hiện toàn bộ phần da ở lưng đã "tuột" ra khỏi cơ thể. Tức tốc, anh Leon và chị Nicola đưa con vào bệnh viện Blackburn cấp cứu.
Ban đầu, các bác sĩ tỏ ra bối rối rằng "có khi nào cậu bé bị bỏng không", nhưng bà mẹ 2 con khẳng định con mình trông như bị bỏng nhưng không hề bị bỏng. Và sau một loạt các xét nghiệm sinh thiết, bác sĩ chẩn đoán đứa trẻ bị mắc phải hội chứng Stevens-Johnson (SJS) – một bệnh về da hiếm gặp do phản ứng của cơ thể với thuốc hoặc nhiễm trùng.
Bác sĩ cũng cho biết thêm là trường hợp của Lennon đã ở giai đoạn cuối và nghiêm trọng rồi. Đó là một dạng biến thể gọi là Toxic Epidermal Necrolysis (TEN) – gây ảnh hưởng đến da, niêm mạc, bộ phận sinh dục và mắt. Nó nghiêm trọng đến mức người bệnh trông như bị bỏng toàn thân nên sẽ được băng bó từ đầu đến chân, còn mắt thì bị khâu lại.
Cuộc phẫu thuật dự kiến trong 3 giờ nhưng đã kéo dài tới 7 tiếng đồng hồ
Bà mẹ 2 con kể: "Lennon rất đau đớn và khó chịu. Các bác sĩ đã phải khoan vào ống chân để lấy một đường truyền thuốc kháng sinh vào cơ thể của con. Tuy nhiên, tình trạng của con trai tôi ngày càng xấu đi. Con phải sử dụng máy thở và được chuyển thẳng đến bệnh viện nhi Manchester.
Đến nơi, Lennon ngay lập tức được đưa vào phòng phẫu thuật. Bác sĩ dự kiến ca phẫu thuật sẽ diễn ra trong vòng 3 giờ đồng hồ. Nhưng không, nó đã kéo dài đến 7 tiếng. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ da, rửa cơ thể con bằng một dung dịch đặc biệt và băng bó con từ đầu đến chân. Họ còn cho biết rằng Lennon bị bỏng 90% cơ thể và mắt cũng bị ảnh hưởng nên họ phải khâu lại".
Vài ngày sau, bé trai trông có vẻ tốt hơn một chút, và 1 tuần sau thì Lennon đã có thể tự thở mà không cần phải dùng máy. Cậu bé tiếp tục được điều trị tẩy tế bào chết nhằm loại bỏ các mô đã chết và bị tổn thương một tuần một lần. Cứ như thế, cơ thể của Lennon bắt đầu lên da non.
Chị Nicola bộc bạch: "Những ngày Lennon nằm viện là những ngày dài nhất trong cuộc đời tôi. Chúng tôi chỉ ở bên giường bệnh của con và cầu nguyện con sẽ sống sót. Có lẽ sự thành tâm của chúng tôi đã hiệu quả. Chúng tôi thật sự kinh ngạc về các bác sĩ ở bệnh viện nhi Manchester".
Bà mẹ 2 con còn kể thêm rằng khi mang thai Lennon được 28 tuần, bác sĩ nói rằng thai nhi có vấn đề. Không chỉ nước ối quá nhiều, kết quả chụp cắt lớp còn cho thấy em bé bị khuyết một phần não thường giúp các bộ phận trong cơ thể giao tiếp với nhau. Vì vậy, khi sinh ra Lennon sẽ khó đi tiêu, chậm phát triển và cơ bắp yếu.
Khi được 12 tháng tuổi, bé trai được chẩn đoán mắc hội chứng Mowat-Wilson - một tình trạng di truyền hiếm gặp gây chậm phát triển. Đồng thời, cậu bé còn bị một chứng rối loạn đường ruột gọi là bệnh Hirschsprung.
"Lúc đó, con trai tôi bị cắt bớt ruột già, phải ăn qua ống và sử dụng một chiếc xe đẩy đặc biệt để đi lại. Lennon còn bị động kinh nữa. Cho đến tháng 8 vừa qua, thằng bé bị sốt và phát ban toàn thân. Bác sĩ nói là Lennon bị nhiễm virus, nhưng những vết phát ban không mất sau hai tuần. Cho đến hôm đó thì chúng tôi thấy một mảng da ở má của con bị rớt xuống giường. Và khi được bố bế lên, toàn bộ phần da lưng đều rời khỏi cơ thể. Thật khủng khiếp khi phải chứng kiến cảnh tượng đó", chị Nicola chia sẻ thêm.
Hiện tại, các bác sĩ vẫn chưa biết được nguyên nhân vì sao da của Lennon lại phản ứng như vậy. Họ nghi ngờ cậu bé không hợp với một trong số loại thuốc mà cậu đang dùng. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn được bác sĩ tìm hiểu.
Còn vợ chồng chị Nicola vô cùng biết ơn các bác sĩ đã cứu sống Lennon. Dẫu biết con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng đối với anh chị, con trai còn sống đã là niềm hạnh phúc vô bờ.
Hội chứng Stevens-Johnson là gì?
Theo thông tin từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh, hội chứng Stevens-Johnson là một rối loạn hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ảnh hưởng đến da, màng nhầy, bộ phận sinh dục và mắt. Ở đây, màng nhầy là lớp mô mềm dẫn hệ tiêu hóa từ miệng đến hậu môn, cũng như đường sinh dục và nhãn cầu.
Hội chứng Stevens-Johnson thường gây ra bởi phản ứng bất lợi không thể đoán trước của cơ thể với một số loại thuốc. Nó sẽ bắt đầu bằng các triệu chứng giống như bệnh cúm, sau đó là phát ban đỏ hoặc tím lan rộng và hình thành mụn nước. Da sẽ bị ảnh hưởng cuối cùng, dẫn đến tình trạng da chết và bị bong tróc ra.
Hội chứng Stevens-Johnson là một trường hợp cấp cứu khẩn cấp và cần được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt hoặc khoa bỏng của bệnh viện. Do đó, khi thấy con bị đau da, các nốt phát ban có màu sẫm ở giữa và nhạt ở xung quanh bên ngoài, tuy không ngứa nhưng lan rộng trong vài giờ hoặc vài ngày. Sau đó, các mụn nước lớn hình thành, rồi vỡ ra tạo thành vết loét gây đau đớn thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.
Nguồn: TheSun
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.