Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có tới 6 bệnh về đường hô hấp.
Ở thời điểm hiện tại, thời tiết giao mùa; dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; cúm A bùng phát bất thường; số người mắc viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản cũng tăng dần, kéo theo đó là tỷ lệ nhập viện do các bệnh này cũng tăng theo, trong đó có cả những ca bị suy hô hấp nặng, phải thở máy và lọc máu.
Vậy, làm thế nào để theo dõi và điều trị các bệnh này một cách an toàn? Khi nào cần nhập viện?
Tất cả sẽ được TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM giải đáp trong chương trình Chuyện khó có bác sĩ kỳ này.
Kính mời quý độc giả đón xem chương trình tại đây!
Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:
Bệnh hô hấp đang gia tăng
Hỏi: Những bệnh hô hấp nào đang có xu hướng gia tăng? Bệnh nào là bệnh đáng lo ngại nhất?
Đáp: Hiện nay, trong thời điểm giao mùa, có hai nhóm bệnh hô hấp đang gia tăng, bao gồm:
- Nhóm bệnh dị ứng: viêm mũi dị ứng, hen suyễn
- Nhóm dị ứng siêu vi, dị ứng vi trùng: cúm mùa, cảm lạnh, COVID-19, virus gây viêm phổi. Trong thời điểm hiện tại, người dân cần chú ý đến 2 bệnh lý là cúm mùa và COVID-19.
Hỏi: Thông thường mọi người cho rằng bệnh hô hấp là bệnh thường gặp vào mùa đông, nhưng tại sao ở thời điểm mùa hè, khi thời tiết nắng nóng lại có sự gia tăng bệnh hô hấp?
Đáp: Khi chúng ta hít thở không khí, đường hô hấp trở thành “cửa ngõ” để các tác nhân gây hại bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Cơ thể dễ mắc bệnh hô hấp khi xuất hiện 2 yếu tố là điều kiện môi trường thuận lợi và sức đề kháng suy giảm.
Mùa đông hoặc mùa hè đều có các thời điểm là điều kiện thuận lợi để gây bệnh đường hô hấp. Vào mùa đông, thời tiết lạnh, ít ánh nắng mặt trời tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tồn tại và phát triển.
Ngược lại, vào mùa hè, nhiệt độ cơ thể thường thay đổi đột ngột do thay đổi giữa môi trường nắng nóng ngoài trời và văn phòng có điều hoà. Chênh lệch nhiệt độ đột ngột có thể khiến hệ thống hô hấp trở nên nhạy cảm, khiến các tác nhân gây hại bên ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh đường hô hấp như viêm phế quản và viêm phổi.
Ảnh minh hoạ: Khi chúng ta hít thở không khí, đường hô hấp trở thành “cửa ngõ” để các tác nhân gây hại bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.
Hỏi: Các bệnh hô hấp thường có triệu chứng khá giống nhau. Xin BS chỉ cách phân biệt một số bệnh hô hấp, ví dụ như cúm A, COVID-19 và viêm phế quản, viêm phổi?
Đáp: Rất khó để phân biệt rõ ràng triệu chứng của từng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt 2 nhóm: bệnh do virus gây ra và bệnh do vi trùng gây ra.
Đối với nhóm bệnh do virus gây ra, các triệu chứng tương đối nhẹ. Triệu chứng xuất hiện đầu tiên là sốt sau đó là ho, ho có đờm, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, đau toàn thân. Bệnh do virus gây ra thường có diễn tiến nhẹ, các triệu chứng giảm dần theo thời gian và sau 1 - 2 tuần người bệnh sẽ tự khỏi.
Còn nhóm bệnh do vi trùng gây ra thường gây ra các triệu chứng nặng như viêm phổi. Các triệu chứng sẽ nặng dần theo thời gian nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng của bệnh do vi trùng gây ra bao gồm sốt kéo dài không dứt, khó thở gia tăng, đờm đổi màu, đờm dính máu,...
Trường hợp mắc COVID-19 có thể phân biệt qua dấu hiệu mất vị giác, khứu giác. Tuy nhiên nếu không xuất hiện hai triệu chứng này, chúng ta cũng rất khó để phân biệt COVID-19 và các bệnh hô hấp thông thường.
Trong một số trường hợp, người bệnh chỉ có thể xác định mình nhiễm bệnh thông qua các xét nghiệm được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín hoặc tại bệnh viện.
Hỏi: Nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách, các bệnh hô hấp có thể gây ra những biến chứng gì cho sức khỏe?
Đáp: Các bệnh hô hấp do vi trùng gây ra thường gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong do viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời.
Đối với các bệnh hô hấp do nhiễm siêu vi, COVID-19 được xem là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nhất. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết người dân đã được tiêm ít nhất 2-3 mũi vaccine phòng bệnh nên tỷ lệ người dân mắc COVID-19 gặp biến chứng nặng phải nhập viện tương đối thấp.
Đối với cúm mùa, đa số người dân đều có thể tự hồi phục sau một thời gian, chỉ một số ít trường hợp như nhóm đối tượng có bệnh lý nền hoặc người mắc cúm ác tính mới dễ gặp biến chứng nặng, gây tử vong.
Khi xuất hiện các triệu chứng nặng như sốt kéo dài,... người dân cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.
Hỏi: Những nhóm đối tượng nào dễ bị bệnh nặng nếu mắc các bệnh hô hấp?
Đáp: Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh hô hấp thường là những người phải làm việc trong môi trường ô nhiễm hoặc môi trường phải tiếp xúc với nhiều người khiến bệnh dễ lây lan.
Nhóm đối tượng dễ trở nặng khi mắc bệnh hô hấp là người già, trẻ em và những người có bệnh lý nền. Đặc biệt, những người mắc bệnh lý nền mạn tính như tiểu đường, huyết áp, suy tim, hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh dễ gặp biến chứng nặng.
Phòng ngừa và điều trị thế nào?
Hỏi: Khi nào bệnh nhân có thể tự điều trị các bệnh hô hấp tại nhà? Các dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện là gì?
Đáp: Mỗi người có sức đề kháng khác nhau, vì vậy chúng ta cần căn cứ vào diễn tiến của triệu chứng bệnh để xác định khi nào cần nhập viện, khi nào cần đi khám và khi nào có thể điều trị tại nhà.
Nhóm đối tượng như người già trên 65 tuổi, trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi hoặc những người mắc bệnh nền thường có sức đề kháng kém, khi mắc các bệnh đường hô hấp cần cảnh giác cao độ. Sau 5 - 7 ngày mắc bệnh, nếu có các dấu hiệu nặng như khó thở nặng, nổi ban đỏ, sốt không dứt, hôn mê, đi tiểu không có nước tiểu…, người bệnh cần đến các cơ sở để thăm khám, điều trị và có thể phòng tránh các biến chứng nặng.
Những người có sức đề kháng bình thường mắc các triệu chứng nhẹ có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà và không cần đến bệnh viện.
Ảnh minh hoạ: Nếu có các dấu hiệu nặng như khó thở, sốt không dứt, hôn mê,… người bệnh cần đến các cơ sở để thăm khám, điều trị và phòng tránh các biến chứng nặng.
Hỏi: Khi có các dấu hiệu này, bệnh nhân có cần thực hiện điều gì, ví dụ như các biện pháp hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro trước khi tới viện để cấp cứu không?
Đáp: Đối với những người có bệnh lý nền về hô hấp như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, khi mắc bệnh đường hô hấp cần phải chuẩn bị sẵn thuốc điều trị (thuốc cắt cơn hen, thuốc điều trị phổi tắc nghẽn). Ngoài ra, nhóm đối tượng này cần nắm rõ các phương pháp sơ cứu bệnh hen suyễn hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính để bảo vệ đường hô hấp trong khi chờ nhập viện điều trị.
Đối với những người khoẻ mạnh bình thường, cần theo dõi sát sao các triệu chứng và điều trị biểu hiện bệnh, ví dụ như sử dụng thuốc hạ sốt, chú ý bù nước cho người bệnh...
Đối với những người hôn mê, cần cố gắng đánh thức người bệnh và đưa người bệnh nhập viện để điều trị kịp thời.
Hỏi: Trong khi chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh hô hấp tại nhà, cần lưu ý những điều gì để tránh biến chứng nguy hiểm?
Đáp: Khi chăm sóc người mắc bệnh hô hấp tại nhà, chúng ta cần lưu ý các điều sau:
- Khi có triệu chứng ho, cần để bệnh nhân ho hết đờm nhớt trong cơ thể ra, tránh uống thuốc để kiềm chế các cơn ho.
- Trong trường hợp mất nước bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi khạc nhổ đờm ra. Lúc này người bệnh không nên cố gắng khạc đờm ngay lập tức mà cần bổ sung nước để làm loãng đờm trước.
- Cho bệnh nhân nằm, ngồi, đứng đúng tư thể để giảm tình trạng khó thở.
- Nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm để nhập viện điều trị kịp thời như ngủ gật đối với người lớn và lơ mơ, nằm im không khóc đối với trẻ em; môi tím, đầu ngón tay tím (biểu hiện của tình trạng suy hô hấp).
- Theo dõi nhịp thở của người bệnh, nhịp thở nhanh ở trẻ em có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm phổi.
- Theo dõi cử động hô hấp của người bệnh.
- Theo dõi các dấu hiệu ở da như nổi nốt ban đỏ.
- Hỏi thăm tình trạng của người bệnh thường xuyên để nhận biết các dấu hiệu khác.
- Đo nhiệt độ, đo huyết áp, đo nhịp tim, đo SpO2 thường xuyên.
Hỏi: Về chế độ ăn uống, bệnh nhân nên ăn gì để nhanh bình phục?
Đáp: Người bệnh nên ưu tiên áp dụng chế độ ăn dưới đây để nhanh bình phục:
- Ăn các món ăn dễ tiêu, hạn chế ăn các món quá nhiều dầu mỡ, quá cứng, quá dai để tránh tăng gánh nặng cho hệ tiêu hoá khi cơ thể đang mệt mỏi, ốm yếu.
- Uống nhiều nước để bù nước cho cơ thể.
- Bổ sung các loại vitamin thông qua các loại rau củ quả.
- Đối với những người bị dị ứng, cần tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng. Ngoài ra cũng cần tránh kiêng cữ quá nhiều, nên ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Ảnh minh hoạ: Người bệnh cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn các loại rau củ quả để bổ sung vitamin giúp bệnh mau khỏi.
Hỏi: Nhiều người có quan niệm khi mắc bệnh hô hấp thì nên kiêng tắm. Điều này có nên không?
Đáp: Khi mắc bệnh hô hấp chúng ta vẫn có thể tắm nhưng cần tắm nhanh và sử dụng nước ấm khi tắm.
Hỏi: Chúng ta đang trong thời điểm giao mùa, từ hè sang thu. Đây cũng thường là “mùa” của những bệnh hô hấp. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 cũng đang diễn tiến khó lường. Vậy để phòng các bệnh về đường hô hấp hiệu quả nhất, chúng ta cần làm gì?
Đáp: Để phòng ngừa bệnh hô hấp hiệu quả, chúng ta cần:
- Hạn chế đến những nơi đông người. Nếu phải đến những nơi đông người cần đeo khẩu trang để hạn chế lây nhiễm bệnh.
- Khi đi du lịch, cần theo dõi dự báo thời tiết để chuẩn bị quần áo phù hợp, tránh để cơ thể nhiễm lạnh.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây hại bên ngoài.
- Khi sử dụng điều hoà vào mùa nắng nóng, không nên để nhiệt độ trong phòng điều hoà quá thấp, gây ra tình trạng chênh lệch nhiệt độ quá nhiều với môi trường bên ngoài để tránh gây kích thích đường hô hấp. Vào mùa đông, khi ra ngoài cần quàng khăn để giữ ấm cho đường hô hấp.
- Tiêm phòng vaccine để bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Link gốc: https://toquoc.vn/benh-ho-hap-gia-tang-chuyen-gia-chi-cach-bao-ve-cua-ngo-cua-co-the-va-luu-y-khi-dieu-tri-tai-nha-20220817152020765.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.