Nếu ai có dịp đi qua xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đều không khỏi xao xuyến bởi hương đậu nành tỏa ra từ các mái nhà. Đến tận nơi, ta sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất thủ công những miếng tàu hũ ky và nghe những câu chuyện làm nghề.
Nghề thủ công được truyền cho cả làng
Có một sự tích về món tàu hũ ky mà cư dân địa phương thường truyền tai nhau. Ngày xưa, có một gia đình nghèo làm nghề bán sữa đậu nành. Vào một hôm nọ, cặp vợ chồng gây nhau lớn, đến mức bỏ quên luôn nồi sữa đậu nành đang nấu trên bếp. Đến lúc mở ra thì đậu đã bị đóng thành váng. Tiếc của, người vợ mới vớt lấy váng đậu treo lên cây sào, nhưng lại bỏ quên mấy ngày. Đến khi nhà đã cạn đồ ăn, người vợ nhìn lên vách bếp thấy miếng váng đậu đã khô cong, đèm mang đi nấu để ăn cho qua cơn đón. Nhưng không ngờ được, hương vị của món này lại đặc biệt ngon hơn cả tàu hũ tươi.
Đó là lời kể, còn theo sử sách, vào khoảng thế kỷ 19, khi người Hoa di chuyển xuống phương Nam đã mang theo những ngành thủ công gia truyền, trong đó có nghề làm tàu hũ ky. Ban đầu, công thức chỉ được truyền cho những người cùng dòng họ và thuê một số nhân công là hàng xóm xung quanh đến phụ giúp.
Dần dần, bà con trong làng ai ai cũng quen với việc làm tàu hũ ky và kéo đến xin học nghề. Từ đó, số người thạo công việc ngày một nhiều và sau này hình thành lên cả một làng nghề truyền thống, lấy đó làm kế sinh nhai.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại, cuộc sống của những người dân Mỹ Hòa đã gắn liền với hình ảnh giàn phơi tàu hũ ky dọc bờ sồng và đưa những miếng tàu hũ vàng óng đi khắp cả nước.
Muốn giàu phải chịu được sức nóng của lò than
Thực chất, để chế biến tàu hũ ky chỉ cần một nguyên liệu duy nhất là đậu nành, ngâm khoảng 2 - 3 tiếng để đậu nở mềm, rồi đổ vào nước, sảy cho thật sạch vỏ. Kế đó, bỏ vào cối xay nhuyễn thành bột và vắt lấy nước, đổ vào lò nấu. Khi đậu đóng thành váng thì gợt miếng tàu hũ ra vắt lên sào. Sau đó mang đi phơi nắng cho khô lại là ra thành phẩm mà chúng ta thường ăn.
Đơn giản là thế, ngày nay cũng có thêm các máy móc hỗ trợ việc tách vỏ, xay bột, thế nhưng theo những người thợ lành nghề, để làm ra được một mẻ tàu hũ ky ngon đúng chuẩn Mỹ Hòa vẫn phải phụ thuộc vào sự khéo léo và nhanh nhạy của người thợ. Khi xưa, lò đốt bằng rơm, sau này mới bằng trấu, bằng củi và hiện tại đã cải tiến thành lò than.
Ở công đoạn này, người ta phải canh làm sao cho khi lửa than cháy cũng là lúc bọt đậu phải được vớt hết. Khi trên mặt chảo hình thành một lớp váng, người thợ sẽ kiểm tra bằng kinh nghiệm để biết tàu hũ đã chín hay chưa. Kế đó, phải dùng một lưỡi dao nhỏ, chia đôi lớp váng và đưa que tre lấy miếng đậu lên dàn phơi.
“Công việc hiện giờ không còn nặng nhọc như trước, chỉ cần chăm chỉ, thức đêm và đặc biệt không ngại cái nóng của lò than thì thu nhập trung bình có thể lên tới 10 triệu đồng/tháng”, một người thợ làm tàu hũ ky chia sẻ.
Thậm chí, một chủ cơ sở sản xuất cho biết: “Nhiều gia đình trong làng Mỹ Hào nhờ vào nghề làm tàu hũ ky đã vượt khó, có nhà còn vươn lên khá giả, con cái được ăn học”.
Theo tiết lộ của một trong 29 hộ sản xuất, ngày thường, họ cứ túc tắc làm việc. Song, đến các dịp như Tết Nguyên đán, rằm tháng Bảy, tháng Tám, để phục vụ nhu cầu của người dân cả nước, các công xưởng trong làng Mỹ Hòa sẽ tăng gấp 2- 3 lần công suất bình thường.
Mỗi mẻ nấu với gần 200 chảo, mỗi ngày 1 cơ sở sản xuất cho ra từ 250kg - 300kg tàu hũ ky. Tuy nhiên, vì nhiều công đoạn bắt buộc phải sử dụng sức người nên bao nhiêu đây thôi chưa đủ để phục vụ nhu cầu. Mỗi ngày, các cơ sở sản xuất vẫn nhận được hàng trăm cuộc gọi đặt đơn mới. Trong dịp Tết vừa qua, họ đã phải “chốt sổ” sớm từ trước 23 tháng Chạp bởi số lượng làm ra không đủ bán.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.