Cha mẹ đừng đánh đồng cơn nóng giận với sự nghiêm khắc: Nếu không thể kìm chế khi dạy con học, hãy tìm dây trói tay mình lại!

Giận quá mất khôn là khi chúng ta không thể kiểm soát được bản thân mình, còn nghiêm khắc là khi chúng ta giáo dục con có phương pháp, mục tiêu rõ ràng, và không mất kiểm soát.

Thi thoảng trên facebook cá nhân của tôi, lại có người đăng một link bán hàng vui vui trên trang thương mại điện tử đình đám. Mặt hàng được bán là "roi mây dùng khi dạy con học, mua 1 tặng 1, chỉ 28 ngàn". Các cha mẹ nô nức comment bên dưới "nửa đùa, nửa thật" rủ nhau đặt mua. Và không hiểu vì lý do gì, càng vào kì học online, bài đăng đó càng được share rộng rãi, kèm với đó là dày đặc những than thở về "tình cảm gia đình sứt mẻ" mỗi khi dạy con học.

Có bao giờ cha mẹ có thời gian ngẫm nghĩ lại, rằng tại sao bản thân mình lại dễ "điên tiết" khi kèm cặp con chuyện học hành chưa? Thử để ý mà xem, câu chúng ta thường hay quát lên với tông giọng khiến hàng xóm cách đó 10 mét có khi cũng giật mình, đó là: "Dốt quá, dễ như thế cũng không hiểu!". 

Nếu cha mẹ không thể kìm chế khi dạy con học, hãy tìm dây trói tay mình lại - Ảnh 1.

Con học online, nhiều cha mẹ căng thẳng và mất kiên nhẫn. (Ảnh minh họa)

Mỗi người để làm quen với công việc có 1-2 tháng thử việc. Những đứa trẻ cũng cần ít nhất 1-2 tháng để thích nghi với năm học mới

Chúng ta mất kiên nhẫn khi giảng đi giảng lại một kiến thức mà mặt con vẫn cứ ngơ ngác (và sợ sệt). Thiếu nghiệp vụ sư phạm, thiếu kiến thức tâm lý, căng thẳng với đủ áp lực cuộc sống, hầu như rất ít cha mẹ đặt mình vào vị trí của đứa con mới sống 6, 7 năm trên đời. Chúng ta không hiểu rằng tất cả những dòng chữ, những phép toán, kiến thức mà cha mẹ thấy hiển nhiên "chưa nghĩ đã ra" là vô cùng mới mẻ, thử thách với con trẻ.

Làm phép so sánh dễ hiểu, thì việc một đứa trẻ bắt đầu năm học mới cũng giống như người lớn thử việc ở 1 công ty mới. Cha mẹ hãy nhớ cái cảm giác lo lắng đến không ngủ nổi vào những ngày đầu tiên nhận việc, cảm giác căng thẳng trước những thử thách chưa từng gặp trong đời, cảm giác lạ lẫm khi xung quanh thật nhiều người mới… Thì tâm trạng bồn chồn của con cái chúng ta cũng tương tự như thế, áp lực đè lên thân hình và bộ não bé nhỏ cũng nhiều tương đương như thế.

Nếu cha mẹ không thể kìm chế khi dạy con học, hãy tìm dây trói tay mình lại - Ảnh 2.
 

Mỗi người để làm quen với công việc có 1-2 tháng thử việc. Những đứa trẻ cũng cần ít nhất 1-2 tháng để thích nghi với năm học mới. (Với học sinh lớp 1, chuyển cấp thì có khi còn hơn). Những người đồng nghiệp tốt, lãnh đạo tốt sẽ tạo ra môi trường lành mạnh, thân thiện, thách thức vừa đủ để "lính mới" có thể nhanh chóng bắt kịp công việc và làm quen với văn hóa công ty. 

Tương tự, ngôi trường tốt, giáo viên tốt, cha mẹ đủ thấu hiểu cũng sẽ cố gắng tạo cho học sinh một môi trường giàu lòng nhân ái, kỉ luật vừa đủ, kích thích đúng tầm để các con có thể hứng thú với con đường học tập, trở thành một con người có đạo đức, lòng tin và ý chí.

Chuyện học tập của con cái không thể thiếu sự đồng hành của cha mẹ, nhất là trong thời điểm học trực tuyến như hiện nay. Thế nhưng, thật đáng buồn là không nhiều cha mẹ đủ (ít nhất là) lòng kiên nhẫn. 

Nếu cha mẹ không thể kìm chế khi dạy con học, hãy tìm dây trói tay mình lại - Ảnh 3.
 

Phần kiến thức bổ sung, ôn lại bài chưa hiểu, nộp bài tập… trong thời kì bình thường hầu hết do giáo viên đảm nhận giờ "trút" phần nhiều lên phụ huynh. Cộng với những áp lực trong lúc dịch bệnh hoành hành khiến thời gian kèm con học trở thành "bi kịch gia đình". Khi cơn giận nổi lên, nhiều cha mẹ không còn là mình. Và rồi nhiều câu chuyện đáng buồn đã xảy ra, và hậu quả chẳng thể nào cứu vãn…

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện thật 100%, về một ông bố đăng tải một bức ảnh ngồi dạy con học. "Đây là cách giúp tôi kiên nhẫn ngồi hướng dẫn con làm bài tập về nhà"- lời chia sẻ của anh gửi kèm đã gây chấn động dư luận. Con trai anh đang học lớp bốn tại một trường tiểu học. Mỗi lần kèm con làm bài tập, giảng mãi con không hiểu, anh cảm thấy bất lực và trở nên nóng giận.

Nếu cha mẹ không thể kìm chế khi dạy con học, hãy tìm dây trói tay mình lại - Ảnh 4.

Thỉnh thoảng, bình tâm suy nghĩ, anh nhận ra cách làm của mình khiến con gần như không có tuổi thơ. Anh tìm cách kiểm soát cảm xúc, bình tĩnh và tránh vô tình làm tổn thương con. Anh quyết định nhờ vợ trói tay mình lại.

Anh nói mình chia sẻ bức ảnh, không bàn đến chuyện đúng sai, chỉ muốn nói lên rằng đừng vì 1 phút nóng giận mà trút bạo lực lên con. Xét cho cùng, anh cũng chỉ mong con mình lớn lên thành người tốt. Vài năm nữa, bố mẹ rồi chẳng đủ kiến thức để kèm dạy con mình.

Mỗi phụ huynh chúng ta, không chỉ lúc dạy con, mà trong cả cuộc sống thật sự cần cho mình một "sợi dây trói tay" như vậy. Chúng ta là cha mẹ, không có nghĩa là được quyền làm tổn thương con cái dù bằng lời nói hay hành động. Nỗi đau bị cha mẹ bạo hành không gây ra hậu quả to lớn ngay lúc đó, cũng sẽ đeo đẳng đứa trẻ đến mãi mãi về sau, trở thành vết thương tâm lý khó có thể chữa lành. 

Khi bị nhiếc móc, con cảm thấy oan uổng, sợ hãi, uất ức. Khi bị đánh đập, con sẽ bị đau đớn, tàn tật. Còn bản thân cha mẹ nếu nổi nóng cũng có thể phải gánh chịu những hệ lụy nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe.

Nói thì đơn giản, để thực hành sự kiên nhẫn đó, phụ huynh cũng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và luyện cách kiểm soát bản thân, kiểm soát cơn giận.

Nếu cha mẹ không thể kìm chế khi dạy con học, hãy tìm dây trói tay mình lại - Ảnh 5.
 

Một số gợi ý phụ huynh có thể tham khảo như sau

Trước khi cùng con học hay làm bất cứ điều gì, hãy giữ cho tâm lý được thoải mái: Hãy đi tắm, giũ bỏ mọi mệt mỏi cơ thể và thư giãn đầu óc trước khi dạy con. Khi cha mẹ có tâm trạng thoải mái thì những sai sót của con dễ được thông cảm hơn.

Đừng cầu toàn: Đừng đòi hỏi con quá nhiều thì sẽ đỡ được cảm giác nóng giận bực mình, vì trẻ nhỏ đương nhiên không thể hiểu nhanh bằng người lớn.

Nhận diện cơn giận: Nếu cảm thấy mình bắt đầu mất kiểm soát, bố mẹ hãy hít một hơi thật sâu và đếm đến 10, sau đó bạn hãy bước sang phòng khác, uống 1 cốc nước và nhìn ra cửa sổ. Bạn sẽ thấy bất ngờ khi chỉ một vài phút đó cũng khiến sự bình tâm đến rất nhanh.

Cuối cùng, bố mẹ nên tự nhắc nhở mình về điều quan trọng nhất: Đó là chỉ cần con được mạnh khỏe, bình an lớn lên đã là một điều hạnh phúc lắm rồi. Nhớ kỹ điều quan trọng, chúng ta sẽ sống đơn giản hơn, bớt kì vọng vào con hơn, dễ thông cảm với con. Và con cũng hiểu được cảm xúc và tình yêu cha mẹ dành cho mình. Và bạn tin không, khi đó việc học hành của con sẽ trở nên suôn sẻ hơn rất nhiều!

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang