Tầm quan trọng của điện thoại trong cuộc sống ngày nay đang ngày càng được khẳng định. Mọi người hầu như mang theo chúng ở mọi lúc mọi nơi, từ nơi làm việc, văn phòng, chỗ vui chơi, khu công cộng đến phòng tắm, phòng ngủ. Chính điều này đã tạo điều kiện cho bụi bẩn, vi trùng và vi khuẩn bám vào điện thoại một cách dễ dàng.
Các chuyên gia đến từ Đại học Arizona đã tiến hành nghiên cứu điện thoại của 27 học sinh trung học và phát hiện ra 17000 gen vi khuẩn trên thiết bị này. Trong số đó có các vi khuẩn có khả năng gây bệnh như Staphylococcus aureus và pseudomonas. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra một số mầm bệnh khá nguy hiểm như streptococcus, MRSA và E.coli trên điện thoại. Vì vậy, điện thoại thực sự là vật dụng chứa nhiều mầm bệnh nhất bạn vẫn dùng mỗi ngày.
Karen WeiRu Lin, chuyên gia y khoa kiêm phó trưởng khoa nghiên cứu y học toàn cầu tại Trường Y Rutgers Robert Wood Johnson cho biết, các vi khuẩn trong điện thoại không phải lúc nào cũng gây bệnh. Bạn sẽ không sao nếu chúng không xâm nhập vào cơ thể. Tuy vậy, trên thực tế hầu hết mọi người có thói quen cầm điện thoại đặt gần mặt.
Nhìn chung, nguy cơ bệnh nếu bạn hầu như không làm sạch điện thoại là 50/50. Mặt khác, vệ sinh thiết bị này thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của nhiều virus.
Hiển nhiên, điện thoại không phải là thứ mọi người có thể dễ dàng cọ rửa bằng xà phòng và nước. Vì vậy, nếu bạn đang băng khoăn về việc làm sạch thiết bị này, hãy tham khảo những thông tin dưới đây:
Vệ sinh điện thoại bao lâu một lần?
Theo chuyên gia Lin, việc làm sạch phụ thuộc vào mức độ thường xuyên và nơi bạn sử dụng điện thoại. Do đó, nếu đặt thiết bị này ở một nơi an toàn sạch sẽ như trong túi xách và chỉ dùng khi rửa tay sạch, có lẽ bạn không cần vệ sinh chúng hàng tuần.
Trên thực tế, hầu hết mọi người có thói quen mang theo điện thoại bên mình khắp mọi nơi nên làm sạch vật dụng này vài lần một tuần là việc làm cần thiết, đặc biệt trong mùa lạnh và cúm.
Làm thế nào để vệ sinh và khử trùng điện thoại hiệu quả nhất?
Vệ sinh điện thoại của với bất kỳ sản phẩm tẩy rửa nào vẫn tốt hơn là không. Rajeev Fernando, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Southampton, New York khuyên bạn nên thực hiện như sau:
Tắt điện thoại trước khi vệ sinh.
Sử dụng khăn lau có tẩm dung dịch tẩy rửa và nhẹ nhàng làm sạch điện thoại. Lật ngược thiết bị này sau khi lau chùi để giữ cho chất lỏng không chảy vào bên trong.
Lựa chọn một miếng vải sợi nhỏ hoặc vải không có xơ đã tẩm nước để lau điện thoại.
Cuối cùng, lau điện thoại lần nữa với một miếng vải khô.
Có nên dùng thiết bị để làm sạch điện thoại?
Hiện nay, rất nhiều sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh và thậm chí cả thiết bị khử trùng bằng tia cực tím bán trên thị trường được quảng cáo với công dụng làm sạch điện thoại vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên bạn không nên dùng vì chúng chưa được nghiên cứu và chứng minh kỹ.
Donald W. Schaffner, tiến sĩ, giáo sư tại Đại học Rutgers cho biết: "Tôi không bao giờ sử dụng một trong những thiết bị trên để vệ sinh điện thoại của mình. Bạn không thực sự cần thiết phải dùng những sản phẩm như vậy". Thay vào đó, theo chuyên gia Fernando, vệ sinh điện thoại bằng phương pháp truyền thống là việc làm tốt nhất.
Cần lưu ý gì khi làm sạch điện thoại?
Hãy sử dụng thuốc tẩy để vệ sinh điện thoại và không được sử dụng loại khăn lau khử trùng mạnh vì chúng dễ làm hỏng thiết bị này.
Các sản phẩm tẩy rửa có khả nẳng ảnh hưởng tới lớp phủ chống dầu, nước và bề mặt nhận diện vân tay. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề đáng lo ngại nếu bạn dùng miếng dán cứng bảo vệ.
Làm cách nào để tránh mắc bệnh khi dùng điện thoại?
Theo chuyên gia Lin, mọi người có thể cân nhắc sử dụng tai nghe hoặc loa khi gọi điện để tránh màn hình điện thoại tiếp xúc trực tiếp với mặt.
Ngoài ra, vệ sinh tay thường xuyên cũng góp phần ngăn ngừa vi khuẩn lây lan. Trên thực tế, thay vì lo lắng về những mầm bệnh trên điện thoại, mọi người nên quan tâm nhiều hơn đến vi khuẩn trên tay.
(Nguồn: Womenshealthmag)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.