Đổi đời nhờ vườn dừa có mùi thơm như lá dứa, trái chi chít

(lamchame.vn) - Mới đây, trong chuyến khảo sát vùng duyên hải ngập mặn ven biển Tây cùng đoàn Đại học An Giang và các chuyên gia nông nghiệp Úc, chúng tôi tìm đến vườn dừa dứa Tám Phong của anh Nguyễn Thanh Phong (tên thường gọi là Tám Phong, ở ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới A, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, anh nhớ lại câu chuyện cơ cực, làm đủ thứ nghề, rày đây mai đó tứ xứ để mong tìm được công việc ổn định. Đôi bàn tay to, chai sần song cách nói chuyện khéo léo, dí dỏm đã cho thấy đây là con người của lao động và ham học hỏi.

Anh Tám Phong kể: Năm 2010, khi còn ở Bình Thuận, anh chợt nhận ra tại sao một vùng đất khô cằn như thế này lại sản sinh ra một loại trái cây đặc sản là thanh long và giá trị thương hiệu của loại này đã vang danh khắp thế giới. Vậy là anh nghĩ, mình cần về quê để trồng một loại cây, mà cũng sẽ là đặc sản.

Anh Tám Phong bên gốc dừa dứa đang cho những trái chiếng.

Anh tâm sự: “Ở lứa tuổi U.40, đời tôi cũng phải vài 3 lần khởi nghiệp rồi. Nhớ ngày đầu về quê, mượn ông già miếng đất rồi nói cho con làm vườn. Từ miếng đất có nhiều cây trái, chủ yếu là để nhà ăn, cho con cháu mỗi khi sum họp gia đình, tôi thuê máy cuốc san phẳng, đào ao, phân liếp trồng dừa. Trải qua thời gian đầu gian khổ, vừa làm vừa học, vừa suy nghĩ, chịu biết bao “tai tiếng, bị chửi khùng” khi tự nhiên đi trồng dừa, đến năm 2014, những trái dừa đầu tiên ra đời”.

- “Lứa dừa đầu tiên, vợ chồng thử dừa riết không ăn cơm nổi, để xem chất lượng trái như thế nào, có thơm hay không để đi chào hàng. May mắn là trái nào cũng thơm và ngọt đều nhau, thế là vợ chồng đi chào hàng ở các quán nước trong địa bàn TP Sóc Trăng. Gặp may nữa là có 1 quán chịu bao tiêu sản phẩm cho mình với yêu cầu là trái dừa dứa chỉ được bán ở quán này mà thôi”- anh Tám Phong chia sẻ thêm.

Anh bắt đầu thực hiện quy trình sản xuất dừa giống để cung cấp ra thị trường từ đầu năm 2017. Anh bảo, nếu lúc trước cứ “xô” xuống ghe lái, thì bây giờ đã không còn thương hiệu dừa dứa Tám Phong, dừa dứa đặc sản của Sóc Trăng nữa. Hiện vườn dừa dứa của anh Tám Phong đã có 420 gốc dừa, toàn bộ chỉ để sản xuất dừa giống.

- Sao anh lại chọn dừa mà không chọn loại cây khác, phù hợp với vùng đất bị xâm nhập mặn như ở Trần Đề này? Chúng tôi hỏi và được anh trả lời:

- Cây dừa là loại cây tốt, phù hợp với khá nhiều điều kiện khí hậu, thời tiết, quan trọng là kinh nghiệm. Đối với dừa dứa, mặn ngọt đều trồng được bởi điều đặc biệt là nó chịu mặn được tới 5- 6 phần ngàn.

Anh Phong cũng chia sẻ thêm rằng: “Mỗi khi thấy mấy cây lục bình dưới sông trước cửa nhà héo lá, là tôi tranh thủ bơm nước vào vườn. Bởi đây là điều kiện để cây dừa cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt với độ mặn thích hợp, hương vị cũng như chất lượng nước của trái dừa rất cao.

Đổi đời nhờ vườn dừa có mùi thơm như lá dứa, trái chi chít

Điều này đi ngược lại quy luật cây trồng cũng như nhận định của nhiều người. Nhưng đối với tôi, nước bị xâm nhập mặn đôi khi là một điều kiện tốt trong sản xuất, không chỉ riêng về cây dừa dứa này…”

Có thể nói, với kinh nghiệm của mình, hiện nay, dừa dứa Tám Phong đã được bán giống đi rất nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, từ Nam chí Bắc, thậm chí hiện nay, nông dân ở Bến Tre phải đi qua mua lại giống và học hỏi kinh nghiệm trồng dừa dứa. Anh Tám Phong còn cho rằng, đối với biến đổi khí hậu khó đoán như hiện nay, cây dừa dứa có thể là một giải pháp cho vùng xâm nhập mặn, lại là sản phẩm có đầu ra tốt trên thị trường.

Theo anh, đơn giản là anh đã giữ lại cho bằng được nguồn gien chuẩn của giống dừa dứa do áp dụng quy trình sản xuất cũng như bảo quản giống. “Hiện nay, nhiều người ở các vùng bị xâm nhập mặn ở Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long,… đến tìm mua giống và học tập kinh nghiệm, hy vọng dừa dứa sẽ là một loại trái cây đặc sản không chỉ riêng Sóc Trăng”- anh Phong cho biết.

Trải lòng mình qua từng chén trà, qua từng trái dừa tươi anh tự tay hái đãi khách, Tám Phong quay mặt vào trong để nhắc vợ “nhà có khách quý”, dọn bàn trà để tiếp câu chuyện- qua một cái bàn khác.

Chia tay gia đình anh, Tám Phong chia sẻ: “Trong sớm thôi, sẽ đầu tư một khu kiểu Homestay trong vườn dừa dứa. Đây sẽ là 1 điểm đến trong hành trình du lịch Sóc Trăng- Côn Đảo, một khu sinh thái dừa dứa yên bình ngay bên cạnh rạch An Nô của huyện Trần Đề mùa có xâm nhập mặn này…”.

Theo giadinh.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang