Hôm nay, hãy thử hỏi con câu này, chắc hẳn bố mẹ sẽ bất ngờ với câu trả lời của con

Có lẽ câu trả lời của con sẽ giúp bạn nhận ra nhiều điều, hoặc chí ít nó cũng là lời nhắc nhở chúng ta về cách mình yêu và thể hiện tình yêu với con.

Dạo gần đây mình nghĩ nhiều về chuyện những đứa trẻ sẽ cảm nhận tình yêu của bố mẹ như thế nào, không phải chỉ qua lời nói. Rõ ràng con người chúng ta cảm nhận được tình yêu không phải bởi một chuyên gia phân tích hay là thông qua khoa học lý thuyết phức tạp. Chúng ta cảm nhận sự yêu thương bằng bản năng của một con người.

Nhưng cũng có một nghịch lý đó là, trải qua tuổi thơ, trải qua những rung động hay trải qua hôn nhân rồi, đôi khi ta nghe ai đó nói họ yêu ta, nhưng những gì họ làm lại không thể hiện tình yêu đó.

Ngày bé bố mẹ nói yêu ta, rồi lại đánh đòn ta. Lớn lên người nói yêu ta, rồi lại lừa dối ta. Vậy thì, việc nói "yêu" có thực sự ý nghĩa nhiều hay không? Nhất là với những em bé?

Hôm nay, hãy thử hỏi con câu này, chắc hẳn bố mẹ sẽ bất ngờ với câu trả lời của con - Ảnh 1.

Việc nói "yêu" có thực sự ý nghĩa nhiều hay không? Nhất là với những em bé? (Ảnh minh họa)

Tình yêu không chỉ là lời nói, nó cần phải đi kèm với hành động

Thực tế là có những khi chúng ta không biết những người chúng ta yêu cần được yêu như thế nào. Đó là những gì mình đã học được từ cuộc sống hơn 32 năm qua. Mình chắc rằng nhiều người cũng từng có cảm giác tương tự. Cái cảm giác một người biết rằng mình yêu người kia, nhưng lại không thể hiện được nó ra bên ngoài. Vậy thì đó có phải là tình yêu?

Nhiều người nghĩ "tình yêu" là sự chữa lành, là sự giúp đỡ. Nhiều người nghĩ tình yêu là sự thay đổi, cố gắng. Hay tình yêu phải qua khó khăn cách trở mới là tình yêu thực sự. Nhiều người nghĩ tình yêu là những món quà đắt tiền… Tất cả đều có thể đúng. Nhưng nếu chúng ta không yêu một người theo cách để họ cảm nhận được tình yêu, thì đó có phải là tình yêu thực sự?

Làm thế nào để một người cảm thấy được yêu thương?

Cuộc trò chuyện ngắn với con trai trong những ngày gần đây khiến mình ngạc nhiên bởi sự sâu sắc của một cậu bé trai 4 tuổi rưỡi.

Hôm kia trước khi đi ngủ, mình hỏi con "Con có biết lúc nào là lúc mẹ yêu con không?". Chàng trai suy nghĩ một lát, rồi bảo "Khi mẹ nấu cho con ăn phải không?".

Sáng hôm qua lúc trên xe buýt, mình lại hỏi "Ốc có biết lúc nào là lúc mẹ yêu con không?". Bạn ấy tựa sát vào người mẹ rồi bảo "Lúc mẹ ôm con như này này".

Hoặc là "Khi mẹ xem con chơi đàn". Thêm một câu trả lời khác nữa, khi mình hỏi con trên đường đi học về chiều qua.

Vậy thì với bạn, khi nào bạn cảm thấy được yêu? Bố mẹ có thể làm gì để con cảm thấy mình được yêu thương?

Hôm nay, hãy thử hỏi con câu này, chắc hẳn bố mẹ sẽ bất ngờ với câu trả lời của con - Ảnh 2.
 

Mình nhận ra rằng, con cảm thấy mình được yêu thương khi bố mẹ thể hiện sự quan tâm đến thứ gì đó mà con yêu thích, đam mê mặc dù đó có thể không phải là sở thích của bố mẹ. Con cảm thấy được yêu thương khi bố mẹ tham gia cùng con, xem con "toả sáng" khi đạt được hoặc làm gì đó mà con rất tự hào.

Thực ra, việc biến yêu thương thành hành động cũng không có gì to tát. Mình nghĩ rằng nó cũng chỉ đơn giản như cách mà một em bé lên 5 đang nghĩ mà thôi.

Yêu thương là khi ta nắm tay con. Là khi ta thực sự lắng nghe con nói. Là khi ta ôm con giữa giấc ngủ đêm. Là khi ta bỏ điện thoại xuống và chơi cùng con. Là khi cùng cười, cùng khóc. Là khi quan sát con từ xa. Là khi ta hỏi con về bữa trưa ở trường, những trò chơi, người bạn hay một bức hình nguệch ngoạc. Là khi ôm con lúc con buồn. Là ngồi xuống bên con. Là thi xem ai chạy nhanh hơn. Là lúc ta không la mắng dù con mè nheo vô lý…

Con sẽ cảm thấy được yêu thương khi chúng ta CHÚ Ý, LẮNG NGHE. Khi chúng ta DỪNG LẠI, NHÌN, CƯỜI VÀ NÓI NHỮNG LỜI TRÌU MẾN.

Con cảm thấy được yêu thương là khi có thể nói ra con được yêu thương như thế nào.

Nói "yêu" không khó, làm mới khó.

"Con thấy bố/mẹ yêu con khi nào?"

Một câu hỏi đơn giản, nhưng ý nghĩa. Bạn đã bao giờ từng hỏi con?

Nếu chưa, hãy thử hỏi con câu này hôm nay rồi thực sự lắng nghe khi con trả lời. Nếu chưa, hãy hỏi con mỗi ngày.

Có lẽ câu trả lời của con sẽ giúp bạn nhận ra nhiều điều, hoặc chí ít nó cũng là lời nhắc nhở chúng ta về cách mình yêu và thể hiện tình yêu.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang