Chị Đinh đã kết hôn với chồng được 6 năm mà vẫn không có con. 2 năm đầu hôn nhân, mặc dù cha mẹ đôi bên không ngừng giục giã nhưng vợ chồng chị quá bận rộn nên chưa chuẩn bị đón chào thành viên mới.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, 6 năm trôi qua mà bụng chị Đinh vẫn không có động tĩnh, trong khi bạn bè xung quanh chị đều đang lên kế hoạch sinh con thứ 2 cả rồi. Tới lúc này, chị Đinh mới cảm thấy sốt ruột và đến bệnh viện kiểm tra, làm xét nghiệm.
Ảnh minh họa
Kết quả xét nghiệm của chị hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, theo kiến nghị của bác sĩ, chị đưa cả chồng cùng đến kiểm tra tại 1 bệnh viện ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Theo Chủ nhiệm Tôn Tự Học của khoa Y học Sinh sản ở bệnh viện này, anh Lưu - bạn đời của chị Đinh - có vóc dáng trung bình, làn da vừa trắng vừa mịn còn đẹp hơn cả da của vợ, nói năng nhẹ nhàng, cử chỉ nho nhã, lịch sự. Được biết, anh Lưu làm việc trong ngành IT. Ngoài những lúc tăng ca, cuộc sống của anh rất quy củ, sinh hoạt vợ chồng cũng hoàn toàn bình thường nhưng không hiểu tại sao vợ anh mãi vẫn không thể đậu thai.
Khi kết quả phân tích tinh dịch được đưa ra, tất cả mọi người đều sững sờ bởi anh Lưu... không hề có tinh trùng như những người đàn ông bình thường. Sau đó, bác sĩ sắp xếp cho anh Lưu làm xét nghiệm Karyotype* và một số xét nghiệm có liên quan khác.
*Xét nghiệm Karyotype hay còn gọi là lập bộ nhiễm sắc thể, nhiễm sắc thể đồ là xét nghiệm khảo sát bộ nhiễm sắc thể của một người trong một tế bào, nhằm tìm kiếm và phát hiện những bất thường về số lượng nhiễm sắc thể như đa bội, thiểu bội, hoặc về cấu trúc nhiễm sắc thể như lặp đoạn, mất đoạn, đảo đoạn, chuyển đoạn...
Ảnh minh họa
Nếu kết quả xét nghiệm lần trước khiến chị Đinh ngỡ ngàng, thì lần xét nghiệm này lại khiến chị "chết đứng" tại chỗ. Nhiễm sắc thể của chồng chị là 46, XX (tức 44 nhiễm sắc thể thường và 2 nhiễm sắc thể giới tính XX, là bộ nhiễm sắc thể của nữ giới) chứ không phải 46, XY (tức 44 nhiễm sắc thể thường và 2 nhiễm sắc thể giới tính XY) của nam giới.
Qua giây phút bàng hoàng, chị Đinh đau khổ khóc nấc lên: "Không thể ngờ người chồng mà tôi đầu gối tay ấp suốt bao nhiêu năm qua lại là phụ nữ. Thế này thì làm sao mà có con được nữa? Sau này phải làm sao đây?".
Bác sĩ Tôn chia sẻ: "Người chồng không có khả năng sinh sản bởi bộ nhiễm sắc thể bất thường, thiếu khuyết nhiễm sắc thể Y. Kết quả xét nghiệm nội tiết tố cũng cho thấy khả năng sinh tinh gặp trở ngại, không thể sinh sản tự nhiên. Sau này nếu muốn có con thì chỉ có thể sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo".
Ảnh minh họa
Trước đó, tại Trung Quốc cũng từng xảy ra một số vụ việc "nhầm giới tính" tương tự khiến dư luận nước này không khỏi xôn xao.
Vào giữa năm 2019, chị Vương sinh hạ 1 cô con gái ở quê nhà. Sau hơn nửa năm, vợ chồng chị Vương bỗng phát hiện ở 2 bên bẹn của con gái xuất hiện 2 cục thịt lạ. Lo sợ đây là khối u, vợ chồng chị vội vàng đưa con tới bệnh viện địa phương khám chữa.
Kết quả siêu âm cho thấy 2 "khối u" bất thường trên người cô bé chính là tinh hoàn. Bởi vậy, bác sĩ kiến nghị vợ chồng chị Vương nên đưa con gái đến bệnh viện tuyến trên để được điều trị.
Đầu năm 2020, vợ chồng chị Vương đưa con gái đến phòng khám Bà mẹ và Trẻ em quận Dư Hàng, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Bác sĩ Trương Anh Hào - Chủ nhiệm khoa Ngoại Nhi ở đây cho biết, nhìn bề ngoài đứa trẻ mang hình hài của 1 bé gái, nhưng nhiễm sắc thể lại là 46, XY. Những đứa trẻ "ngoài nữ, trong nam" (hoặc "ngoài nam, trong nữ") như thế này được xác định mắc chứng Hermaphroditism** và cần phải trải qua ít nhất 3 lần phẫu thuật mới có thể trở về trạng thái bình thường.
**Hermaphroditism thường được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều tên khác nhau như: "Tình trạng mơ hồ về giới tính", "tình trạng giới tính không xác định", "tình trạng lưỡng giới"... Đây là một bệnh lý để chỉ những cá thể có bộ phận sinh dục ngoài không rõ ràng là của nam giới hay của nữ giới, hoặc là trên một cá thể có cùng một lúc vừa cơ quan sinh dục nam vừa cơ quan sinh dục nữ.
Ảnh minh họa
Mặc dù con của chị Vương còn rất nhỏ, bác sĩ cũng lo ngại cơ thể đứa trẻ không thể chịu nổi những đường dao nhát kéo phức tạp, thế nhưng sau khi trao đổi kỹ càng với Chủ nhiệm Trương, vợ chồng chị vẫn quyết định cho con làm phẫu thuật sớm.
Con của chị Vương đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật cách nhau 6 tháng. Hiện tại bé có bề ngoài giống với những bé trai khác và đang chờ đợi hồi phục, theo dõi để tiếp tục tiến hành thêm 1 (hoặc có thể là nhiều) cuộc phẫu thuật nữa.
Theo Chủ nhiệm Trương, vài năm gần đây xuất hiện khá nhiều trường hợp trẻ em mắc chứng Hermaphroditism, có thể là do ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm, hoặc do người mẹ sử dụng quá nhiều các kích thích tố... Bởi vậy, Chủ nhiệm Trương kiến nghị phụ huynh nên đưa con đi khám định kỳ để có thể sớm phát hiện ra những triệu chứng bất thường ở trẻ.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Trương cũng chỉ ra 4 dấu hiệu bất thường, nếu phát hiện ở con mình thì phụ huynh cần phải đưa con đi khám luôn và ngay:
1. Khi cơ quan sinh dục ngoài phát triển không bình thường.
2. Khi trẻ ra đời, xuất hiện tình trạng mơ hồ (không rõ ràng) hoặc bất thường ở cơ quan sinh dục ngoài.
3. Khi cơ quan sinh dục của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay thanh thiếu niên trong thời kỳ dậy thì không có những đặc trưng giới tính rõ ràng hoặc chậm phát triển, không có kinh nguyệt...
4. Khi trẻ có ngoại hình bất thường, thấp bé, chậm phát triển trí tuệ hơn các bạn cùng trang lứa.
Nguồn: QQ
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/ket-hon-6-nam-khong-co-con-nguoi-phu-nu-rung-roi-vi-ket-qua-xet-nghiem-cuc-soc-bac-si-chi-ra-4-dau-hieu-bat-thuong-can-di-kham-ngay-161210504195910962.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.