Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức từ 26-29/6/2024. Như vậy, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa kỳ thi sẽ diễn ra. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đều đang chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực,... để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn.
Mặc dù Quy chế thi đã đưa ra các quy định rõ ràng, nhưng những năm gần đây vẫn xảy ra trường hợp thí sinh vi phạm Quy chế thi, mang điện thoại vào phòng thi, thậm chí là để lọt đề thi ra ngoài khi chưa hết thời gian thi.
Vì vậy, vấn đề quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Quy chế thi đến học sinh, giáo viên, phụ huynh là vô cùng quan trọng.
-
Thí sinh để lộ, lọt đề thi sẽ xử lý thế nào?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 4 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội).
Các môn thi đều dưới dạng trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn theo hình thức tự luận.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống (năm 2023 là 1.024.063). Trong đó, Hà Nội, TP.HCM và Thanh Hóa là 3 địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất cả nước.
Tăng cường phổ biến, hướng dẫn học sinh thực hiện nghiêm quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 là yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với các địa phương thời điểm này.
Báo Đại Đoàn Kết dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, với thí sinh cần tiếp tục phổ biến để thí sinh, phụ huynh thấy được sự nghiêm trọng của việc tuyệt đối tuân thủ quy chế thi, cần hướng dẫn để các em thấy rõ được việc nếu mang thiết bị trái phép vào phòng thi thì lợi ích với các em rất nhỏ, nhưng hậu quả thì rất lớn.
Đặc biệt, với thí sinh cố tình làm lộ, lọt đề thi, thực tế nhiều em còn chưa nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của việc làm lộ, lọt đề thi trong thời gian diễn ra môn thi.
Vì thế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Ban chỉ đạo thi phải giúp thí sinh hiểu rõ và nhận thức được vấn đề, thấy tính nghiêm trọng của hành vi.
"Nếu cố tình làm lộ đề thi THPT quốc gia, thí sinh không chỉ bị dừng ở mức đỉnh chỉ thi mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đặc biệt lưu ý.
Thay đổi mẫu giấy dự thi
Báo VietNamnet dẫn lời ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, từ kỳ thi năm nay Bộ GD&ĐT sẽ sửa lại mẫu giấy thi tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cũng theo ông Chương, điều này thực hiện theo đề nghị của các Sở GD&ĐT để tránh nhầm lẫn cho thí sinh. Bộ ban hành mẫu giấy thi tự luận mới, bỏ phần ghi chú "thí sinh phải ghi cả phần chữ và số". Thí sinh chỉ cần ghi đúng số báo danh của mình là được.
Với phiếu trả lời trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT giữ nguyên mẫu cũ.
Bộ GD&ĐT hướng dẫn, với phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh cần giữ phiếu cho phẳng, không bôi bẩn, không làm nhàu, rách nát; ghi đầy đủ, rõ ràng các mục từ 1 đến mục 8. Số báo danh ghi tại mục 7 là 6 chữ số cuối.
Tại mục 7 và 8, ngoài việc ghi chữ số vào ô trống, thí sinh nhất thiết phải tô kín các ô tròn trong bảng số phía dưới tương ứng với chữ số đã ghi.
Ở phần trả lời, số thứ tự các phương án trả lời (A, B, C, D) là tương ứng với thứ tự câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi. Đối với mỗi câu trắc nghiệm, thí sinh chọn và tô kín một ô tròn tương ứng với một phương án trả lời mà thí sinh cho là đúng.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.