Hành trình đầy thách thức
Chị Lê Kiều Ngân sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa sinh con trai đầu lòng được 2 tháng nay. Để chuẩn bị cho hành trình làm mẹ của mình, chị Ngân đã tham gia các khóa học trực tuyến từ khi mang bầu. Tuy nhiên, mọi việc dường như không thay đổi trong 1 tháng đầu sau sinh. “1 tháng đầu bà ngoại đến ở cùng, mọi việc theo bà, bà thì theo cháu, cháu muốn ăn lúc nào thì ăn, muốn ngủ lúc nào thì ngủ. Sau 1 tháng bà ngoại về thì chỉ còn mình mẹ với con, nếu cứ như vậy thì mẹ sẽ không thể nào làm được việc khác.
Các kiến thức được cập nhật lại khi chị Ngân quyết định đưa bé vào khuôn khổ. Thế nhưng, khi bắt tay vào việc, chị mới thấy có rất nhiều thách thức. “Em bé thì khóc rất nhiều, không hợp tác. Bố bé thì cũng thấy lo vì con khóc thế có ảnh hưởng gì không, bà ngoại thì xót cháu, bà nội thì thắc mắc vì sao lại không cho bú trực tiếp mà lại bú bình, ngoài ra còn những cái khó khác”.
Thế nhưng, cùng với sự kiên trì, chị Ngân đã thành công. “Con có thể theo đúng lịch sinh hoạt, tự ngủ, đúng giờ, ngủ xong dậy ăn rồi chơi, rồi thay tã bỉm, mọi thứ rất điều độ… đây là điều mình mong muốn bởi con ngoan mà mẹ lại nhàn, có thể xử lý được những việc khác. Còn bà nội, bà ngoại và bố cháu thì ngạc nhiên vì sao em bé lại có thể như một chiếc đồng hồ, điều độ hơn người lớn. Và tất nhiên là em bé phát triển các chỉ số cũng rất tốt nên cả nhà đều hài lòng”- chị Ngân chia sẻ.
Đúng là một chặng đường không hề dễ dàng và đầy thử thách với cả gia đình, nhất là với 2 mẹ con chị Kiều Ngân. Tuy nhiên, kết quả lại khiến cả nhà hạnh phúc, bởi em bé đã hoàn thành một cách xuất sắc chặng đầu tiên trong hành trình tự lập của mình.
Tự lập ở trẻ sơ sinh-Thể hiện nhu cầu không tiếng khóc
Bà Trần Thị Thu Hà – GĐ Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng - Phụ trách Phòng khám cây thông xanh tại quận Hai Bà Trưng -HN cho rằng, trẻ em thông thường sẽ học tập thông qua các trải nghiệm. Người làm cha, làm mẹ phải nhạy cảm, cảm nhận trước hết là nhu cầu của con để mà có được sự chăm sóc đáp ứng. Nếu cha mẹ làm tốt thì bé sẽ không cần dùng tiếng khóc để biểu đạt nhu cầu. Và điều đó cho thấy con có thể được rèn luyện vào quy trình, có nền nếp mà không cần sử dụng tiếng khóc. Nhưng đúng là không dễ nếu như các mẹ không được học, không được hướng dẫn. Nếu làm đúng phương pháp thì sẽ mang lại hiệu quả còn nếu thất bại thì sẽ khiến cả nhà mâu thuẫn.
Trẻ sơ sinh cần đến những kỹ năng gì?
Bà Trần Thị Thu Hà – GĐ Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng chia sẻ, rèn luyện cho bé tự biết cảm giác lúc nào đói muốn ăn và ăn no rồi mới đi ngủ là một trong những việc rất quan trọng. “ Nhiều mẹ Việt Nam cứ để cho con ngậm ti mẹ và chìm trong giấc ngủ. Đấy là một thói quen không tốt, trẻ ăn chưa đủ no đã ngủ rồi lại thức rất nhanh và trẻ sẽ khóc. Ngay khi cảm thấy đói và thức dậy, trẻ không ngủ đủ, điều này ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao và não bộ. Tôi khuyến cáo là cần phải luyện cho con ăn trọn bữa. Rời vú mẹ rồi mới bắt đầu ngủ”- bà Hà nói.
Điểm thứ hai cần luyện cho bé, đó là tự chìm vào giấc ngủ. Điều này vô cùng quan trọng vì phần lớn các cha mẹ Việt Nam thường bế bé, rung lắc để cho con ngủ, đến khi bé không cựa quậy nữa mới đặt xuống giường. Thế nhưng, nhiều bé sẽ lại thức giấc và khóc ngay vì quen được bế. Do vậy, cha mẹ cần phải đặt con xuống giường trước khi bé bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, trước khi bé bắt đầu khóc đòi ngủ. Chúng ta chỉ cần vỗ nhẹ và chúng ta cho con nghe nhạc hoặc nghe hát ru.
Điểm thứ ba là cần phải luyện cho con ngủ lại sau khi thức về đêm. Bởi vì thông thường các bé sẽ thức dậy một chút vào ban đêm để xem có ai chơi cùng với mình không. Lúc này bé có thể khóc, nhưng nếu không thấy ai chơi với mình, bé sẽ tự chìm vào giấc ngủ. Nhiều cha mẹ không biết và khi thấy con thức vội vàng làm nhộn nhạo lên khiến cho đứa trẻ cũng bị căng thẳng theo. Thế là lập tức là trẻ dậy khóc. Lúc này cha mẹ cần phải bình tĩnh, trẻ sẽ học được cách bình tĩnh.
Để trẻ sơ sinh tự lập, cha mẹ cũng cần rèn kỹ năng
Đầu tiên, cha mẹ phải hiểu rõ sự khác biệt giấc ngủ nông và giấc ngủ sâu. Đó là khi trẻ sẽ ngủ sâu 45 phút rồi. Bé sẽ có khoảng chừng 15 phút là ngủ nông mắt chớp nhẹ. Mọi người cứ tưởng là bé chuẩn bị thức giấc nhưng kỳ thực vẫn ngủ và sau đó lại tiếp tục chìm vào giấc ngủ sâu. Cha mẹ phải nhận biết được cái này để không vội vàng bế con, không vội vàng lên tiếng. không vội vàng cho con bú. Cần phải để cho con ngủ, đảm bảo giấc ngủ có chất lượng.
Nguyên tắc thứ hai, đó là sự nhất quán trong gia đình. Cha mẹ dự định ứng xử với con thế nào, ông bà đều phải ứng xử như vậy không được làm đứa trẻ bối rối khi người lớn không có sự nhất quán. “Cần phải vạch rõ quy trình. Ví dụ như quy trình ngủ rồi sau đó là trẻ thức dậy, rồi là ăn uống, rồi thay tã bỉm, rồi chơi sau đó lại đi ngủ tiếp. Nếu đã làm quy trình này thì cần phải làm hàng ngày, lặp đi lặp lại thường xuyên. Bố mẹ, ông bà đều làm như nhau. Khi đã thuộc quy trình này rồi thì bé sẽ bắt nhịp theo rất nhanh. Mọi thứ sẽ nhàn hơn. Tôi vẫn nói là để rèn luyện thói quen cho một bé thì cả gia đình trước tiên phải tự rèn luyện cho mình” – bà Hà nhấn mạnh.
Mốc thời gian vàng giúp bé sơ sinh tự lập
Bà Trần Thu Hà tư vấn một số mốc thời gian vàng cha mẹ cần lưu ý 5 mốc thời gian để tập cho bé làm quen các kỹ năng tự lập:
-Kỹ năng bú no rời vú rồi bắt đầu ngủ cần làm ngay từ những ngày đầu chào đời. Luyện tập ngủ độc lập, thời gian vàng là giai đoạn từ sơ sinh cho đến 3 tháng tuổi.
- Luyện sinh hoạt theo quy trình trong giai đoạn từ 0 đến 2 tháng tuổi (ăn, thay tã, bỉm và chơi). Nếu quen các bé sau này sẽ luôn theo quy trình đó cho đến tận khi lớn lên.
- Luyện đi tiểu. Nếu muốn bỏ bỉm sớm, các mẹ cần thực hiện theo cách sau: đó là sau khi trẻ bú 15 phút, có thể cho bé si tiểu để kích thích đi tiểu. Dần dần, trẻ sẽ có thói quen đi tiểu đúng giờ và sau đó, các mẹ có thể bỏ bỉm cho trẻ sớm, điều này tránh cho trẻ gặp phải tình trạng hăm tã.
- Ngoài ra, khi trẻ từ 4 đến 6 tháng cần phải đưa cho trẻ những đồ vật có tay cầm để trẻ làm quen. Khi 6 tháng tuổi, bé có thể biết cầm cốc để rèn luyện kỹ năng uống cốc, uống bình.
- Muốn trẻ sau này tự xúc ăn độc lập, từ 8 đến 10 tháng, hãy cho con cầm thìa xúc vào miệng theo kiểu chơi. Đó sẽ là nền tảng để con bắt đầu từ 12 tháng cho đến 18 tháng còn thành thục kỹ năng tự xúc ăn.
“Đây là một số kỹ năng cơ bản dưới 12 tháng tuổi, cha mẹ cần phải tập trung để đảm bảo con có kỹ năng tự lập, tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân mình. Cha mẹ sẽ nhàn còn con thì sẽ học được rất nhiều các kỹ năng mới và các bé sẽ cảm thấy hạnh phúc khi mình tự làm được những điều mình muốn” – bà Hà khẳng định.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.