Làng hương trăm tuổi làm du lịch

(lamchame.vn) - Nằm tựa mình bên đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) giờ đây không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Nằm tựa mình bên đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) giờ đây không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.
Làng hương trăm tuổi làm du lịch - Ảnh 1.

Mỗi ngày, làng hương Thuỷ Xuân đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, chụp hình.

Lưu giữ nghề truyền thống

Cách TP Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam, làng hương Thủy Xuân nổi tiếng với nghề làm hương trầm có tuổi đời hàng trăm năm. Từ đàn Nam Giao, chạy theo con đường Lê Ngô Cát khoảng chừng hơn 1km, làng hương Thủy Xuân hiện lên với những bó chân hương xoè ra đầy sắc màu trải dọc hai bên đường Huyền Trân Công chúa.

Làng hương Thủy Xuân không biết xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945) nơi đây chuyên cung cấp hương trầm cho triều đình và quan lại nhà Nguyễn cũng như cả vùng Thuận Hóa, Phú Xuân. Đến nay, trải qua hàng trăm năm, người dân ở làng hương Thủy Xuân vẫn tiếp tục duy trì và lưu giữ nghề truyền thống này. Có nhiều gia đình, nghề làm hương trầm được truyền từ đời này sang đời khác, để làm ra những cây hương trầm thơm ngát, phục vụ cho đời sống tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh.

Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (72 tuổi, thường được nhiều người gọi với tên trìu mến "mệ Tuyết"), một trong những người làm hương trầm lâu năm tại làng hương Thủy Xuân cho biết, nghề làm hương trầm tại làng Thủy Xuân không biết có từ khi nào, chỉ biết rằng từ hàng trăm năm trước nơi đây đã có nghề làm hương.

"Đến nay, gia đình cũng trải qua nhiều đời làm nghề hương trầm, nghề này tuy không mang lại thu nhập cao như bao nghề khác nhưng đây là nghề truyền thống do cha ông để lại, mình có trách nhiệm và bổn phận phải giữ gìn" - bà Tuyết tâm sự.

Tương tự, bà Tôn Nữ Mộng Hoa (53 tuổi) cho hay, đến nay bà đã có hơn 30 năm làm nghề se hương. Trước đây, sản phẩm của gia đình làm ra chủ yếu phục vụ cho người dân trong tỉnh, sau này còn phân phối ra các tỉnh thành khác trong cả nước. "Đến nay, gia đình tôi cũng trải qua nhiều đời theo nghề làm hương trầm. Nghề này tuy vất vả nhưng cũng nhờ có nghề này mà tôi có thể nuôi các con trưởng thành"- bà Hoa nói, đồng thời cho biết, hiện tại con gái bà cũng theo nghề tư cách để giữ gìn nghề truyền thống.

Chị Đặng Thảo Nguyên (36 tuổi) kể, bản thân chị đã có hơn 18 năm làm nghề hương trầm này. Lúc nhỏ, chị Nguyên thường hay ngồi xem mẹ se hương, lâu dần nghề làm hương ngấm vào trong người lúc nào không hay.

"Đến nay, trải qua hơn 18 năm làm nghề se hương trầm, giữa thời kỳ hội nhập nghề làm hương cho thu nhập không cao so với những nghề khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hộ dân tại làng hương Thuỷ Xuân vừa làm hương trầm vừa kết hợp làm du lịch, nhờ đó thu nhập cũng tăng lên, làng hương Thuỷ Xuân dần được nhiều người trong và ngoài nước biết đến" - chị Nguyên thông tin.

Làm hương gắn với phát triển du lịch

Nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, nơi có nhiều địa điểm tham quan như lăng vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân giờ đây không chỉ là một làng nghề truyền thống, mà còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch.

Giữa cái nắng như đổ lửa của mùa hè, nhiều đoàn khách, nhất là các bạn trẻ vẫn tìm về làng hương Thuỷ Xuân để chụp những bộ ảnh để làm kỷ niệm, cũng như tìm hiểu về một nghề truyền thống có từ lâu đời của xứ Huế.

Là một trong những người đầu tiên vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch, bà Tôn Nữ Mộng Hoa cho biết, cách đây nhiều năm, có một đoàn khách nước ngoài đến tham quan. Khi trở về, nhiều người trong đoàn khách đã dừng lại bên quầy hàng của bà Hoa để chụp hình và vô cùng thích thú với những bức ảnh đẹp bên cạnh những bó chân hương nhiều màu sắc. Chính từ đoàn khách này, bà Hoa đã nảy sinh ý tưởng ngoài làm hương để kiếm tiền thì việc tạo không gian cho du khách chụp hình cũng là cách để tăng thêm thu nhập. Từ đó, bà Hoa bắt đầu đưa các bó chân hương nhiều màu sắc ra bày trí ở phía trước gian hàng sao cho bắt mắt. Ai đi tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh thấy đẹp đều ghé vào gian hàng của bà để chụp hình. Nhiều người trong làng thấy thế cũng làm theo.

Bà Hoa cho biết, làng hương Thủy Xuân không thu tiền khách vào chụp hình cũng như cho mượn miễn phí quạt, nón lá. Các hộ ở đây chỉ lấy tiền cho thuê áo dài cổ phục, bán hàng lưu niệm… để tăng thêm thu nhập.

Theo bà Hoa, mỗi ngày cửa hàng của bà đón tiếp hàng chục du khách đến tham quan, chụp ảnh. Thu nhập từ việc cho thuê áo dài và mua hàng lưu niệm mỗi ngày cũng từ vài trăm nghìn cho đến khoảng 1 triệu đồng.

Ông Nguyễn Bá Vương - Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân (TP Huế) cho biết, hiện nay trên địa bàn phường có khoảng từ 25-30 hộ dân làm nghề hương trầm dọc tuyến đường từ Huyền Trân Công Chúa đến đường Đoàn Nhữ Hài. Trong đó, có khoảng 5-7 hộ dân vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch.

Ông Vương cho biết thêm, cuối năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận nghề làm hương trầm Thủy Xuân là nghề truyền thống của tỉnh này. Việc công nhận nghề làm hương trầm ở Thủy Xuân là nghề truyền thống ngoài việc bảo tồn, tôn vinh một nghề thủ công truyền thống còn nhằm khuyến khích người dân làm du lịch, tạo thêm một điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang