Tạo Facebook giả người bán hàng có uy tín
Đây là trường hợp rất nhiều người tiêu dùng gặp phải. Do các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp dày công nghiên cứu kĩ các shop bán hàng online có uy tín, nhiều khách mua. Rồi sau đó, lập tài khoản y hệt với người bán rồi tìm cách kết bạn với nhiều người quen với người bán hàng. Sau đó, chúng tiếp tục sử dụng nick ảo để kết bạn với những khách hàng mua sắm.
Thủ đoạn của chúng sẽ là câu kéo các nạn nhân mua hàng theo chương trình giảm giá khủng rồi yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt cọc trước. Nếu với những mặt hàng order từ nước ngoài, thường sẽ yêu cầu khách đặt cọc từ 80% cho tới 100% giá trị sản phẩm.
Tin tưởng vào địa chỉ mua hàng uy tín, nhiều người tiêu dùng đã rơi vào bẫy lúc nào mà không hay. Chỉ khi không nhận được sản phẩm, liên lạc với địa chỉ bán hàng mới phát hiện ra sự thật. Lúc này, việc đòi lại tiền đã bị lừa mất là không thể.
Giả vờ giảm giá
Với việc mua online, một kiểu lừa đảo mới cũng khiến người mua hàng phải chấp nhận mua sản phẩm với giá cao hơn trên thị trường. Cụ thể, địa chỉ bán hàng sẽ đăng tin giảm giá sản phẩm từ 30 - 50% so với giá thật đã được niêm yết nhưng yêu cầu người mua chuyển trước 50% giá trị sản phẩm để giữ hàng.
Sau khi người nhận hàng đã chuyển tiền như trên thì địa chỉ online sẽ gọi điện thoại thông báo tới người mua việc shop đăng nhầm và đưa ra giá trị sản phẩm cao hơn giá trên thị trường. Do đã chuyển tiền đặt cọc trước nên nhiều người mua đã đành phải chấp nhận trả một mức giá mới cao hơn rất nhiều.
Nhận tiền cọc rồi tháo chạy
Nhiều trường hợp các cửa hàng online còn sử dụng những mánh khóe lừa tiền vô cùng tinh vi, kín kẽ. Chiêu lừa đảo cơ bản nhất là người bán hàng yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng. Để dẫn người mua sập bẫy, các địa chỉ online này thường đưa ra mức giảm rất sốc thậm chí là rẻ như cho để câu khách.
Với lý do là chuyển tiền cọc giữ hàng nếu không sẽ không mua được với giá hời đó. Thậm chí, nhiều địa chỉ online còn giả nhân viên giao hàng và xác nhận với người mua về địa chỉ và thời gian sẽ giao sản phẩm. Đến lúc này, người mua thấy sản phẩm giá rẻ, lại sắp được giao tới nên sợ chậm chân mất món hời. Vội vàng chuyển tiền nhưng đợi mòn mỏi không thấy hàng, lúc đó, người mua mới biết mình đã bị lừa.
Ăn cắp thông tin khách hàng
Rất nhiều cửa hàng online uy tín cũng đang đau đầu vì vấn nạn này. Tình trạng Facebook của người kinh doanh uy tín luôn bị các đối thủ chầu chực theo dõi nhằm ăn cắp thông tin khách hàng. Khi có người comment hay like bài viết giới thiệu sản phẩm, những đối tượng này sẽ kết bạn, rồi nhắn tin với sản phẩm tương tự nhưng có giá rẻ hơn.
Không ít người mua hàng ham rẻ, nghe theo các đối tượng này mà không tìm hiểu kĩ thông tin, nhắm mắt mua hàng mà không rõ nguồn gốc. Khi tới tay lại nhận được hàng giả, hàng chất lượng kém mà số tiền bỏ ra cũng không phải là ít ỏi.
Giả dạng cửa hàng và khách hàng
Tinh vi nhất vẫn là mánh khóe giả dạng cửa hàng và khách hàng, lợi dụng các shop bán hàng thật để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, những kẻ lừa đảo sẽ giả dạng làm nhân viên của shop bán hàng có thật rồi liên hệ với người mua có nhu cầu.
Khi người mua đã chọn được sản phẩm tại shop thật, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền và cung cấp thông tin (như mã đơn hàng, mã giao dịch chuyển tiền, thông tin của khách hàng,...) tới shop thật.
Khi có thông tin này trong tay, kẻ gian sẽ tới shop thật, mạo danh là khách hàng đã chuyển tiền, lấy hàng và mất tích.
Đến khi người mua không thấy giao hàng, liên hệ với cửa hàng thì mới biết đó là kẻ lừa đảo. Lúc này thì đã quá muộn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.