Có rất nhiều cách để chế biến củ dền thành món ăn và thức uống bổ dưỡng. Nhiều người không "mặn mà" với củ dền vì thông thường chế biến lên chúng có mùi hơi nồng và vị nhạt. Tuy nhiên, khi hiểu được nguồn dinh dưỡng dồi dào mà củ dền đỏ mang lại, bạn sẽ có cái nhìn khác về loại siêu thực phẩm này.
Sinh tố củ dền đỏ là thức uống giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể. Bạn cũng không cần quá căng thẳng khi chưa thử loại sinh tố này trước đó. Thức uống từ củ dền không đánh đố người dùng, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo chúng cùng nhiều nguyên liệu khác nhau. Nhưng trước khi thử các công thức của riêng mình, bạn có thể tham khảo công thức sinh tố của chúng tôi.
Không đảm bảo bạn sẽ phấn khích ngay từ lần đầu tiên, nhưng rút kinh nghiệm nhiều lần, bạn sẽ tìm ra vị sinh tố củ dền ưng ý nhất. Củ dền đỏ làm nước ép hoặc sinh tố đều được. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tận dụng nhiều chất xơ nhất có thể thì hãy làm sinh tố.
Màu đỏ hồng đậm đà của củ dền giúp sinh tố thêm bắt mắt. Quan trọng là chúng không chỉ đẹp mà còn bổ dưỡng. Hãy thử áp dụng công thức sinh tố củ dền siêu đơn giản dưới đây nhé.
Cách làm sinh tố củ dền
Nguyên liệu cần thiết
- Củ dền đỏ: 1 củ
- Nước cam: 150ml, sữa hạnh nhân: 50ml
- Hoa quả kèm theo sở thích, ví dụ: xoài, dâu tây,...
- Nửa thìa nước cốt chanh, một xíu vỏ chanh
- Một xíu muối (có thể là muối hồng)
Cách thực hiện
Củ dền rửa sạch, có thể gọt vỏ.
Cho củ dền cắt nhỏ, nước cam, sữa hạnh nhân, xoài, dâu tây, nước cốt chanh, vỏ chanh, muối vào máy xay sinh tố. Nếu bạn cần ngọt, hãy cho thêm một chút xi rô cây phong hoặc mật ong vào.
Xay tất cả đến khi mịn nhuyễn.
Rót ra ly và thưởng thức.
Công thức sinh tố củ dền rất dễ thực hiện. Bạn có thể làm sinh tố này bất cứ lúc nào.
Chúc bạn thành công với cách làm sinh tố củ dền này nhé!
Tác dụng của củ dền đỏ với sức khỏe
Củ dền đỏ được biết đến là một trong số ít thực phẩm chứa betalain - một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng làm giảm viêm và bảo vệ cơ thể chống lại ung thư.
Củ dền rất giàu folate (vitamin B9) giúp tế bào cơ thể phát triển và hoạt động tốt hơn. Folate hỗ trợ kiểm soát tổn thương các mạch máu, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Củ dền tươi có chứa hàm lượng nitrat cao, được chuyển hóa thành oxit nitric trong cơ thể. Chất này làm giảm huyết áp bằng cách làm cho các mạch máu giãn nở và mở rộng.
Nguồn chất xơ dồi dào trong củ dền sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt trong đường ruột. Thêm vào đó, chất xơ giúp giảm nguy cơ táo bón.
Đặc biệt, củ dền cũng chứa một số hợp chất có đặc tính chống ung thư như betaine, axit ferulic, rutin, kaempferol và axit caffeic. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nồng độ betaine trong máu cao có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển ung thư.
Tuy nhiên, củ dền cũng có chứa nhiều oxalat, có thể dẫn tới sỏi thận. Những người bị sỏi thận, hoặc bệnh liên quan đến thận nên tránh ăn củ dền, củ cải đường hoặc lắng nghe ý kiến của chuyên gia để tìm định lượng sử dụng phù hợp với thực trạng sức khỏe. Bên cạnh đó, oxalat cũng góp phần gây ra bệnh gút. Cho nên hãy hạn chế củ dền trong khẩu phần ăn uống nếu bạn có nguy cơ bị gút.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.