Nếu vẫn đang rát cổ hò con ngồi vào bàn học bài mỗi tối, phụ huynh tham khảo ngay cách rèn nề nếp học cho con của bà mẹ này

Mình thấy nhiều bố mẹ rất lạ, khi con còn nhỏ không rèn nếp học cho con, quan niệm: trẻ phải chơi, trường không được giao bài về nhà cho các con. Nhưng khi lên cấp 2, khối lượng bài vở nhiều, con bắt buộc phải học thì bố mẹ lại trách con lười.

Năm học mới đã bắt đầu nhưng vẫn còn không ít phụ huynh vẫn khổ sở vì chưa rèn được nề nếp học cho con. Trẻ em sau thời gian nghỉ hè dài mải chơi nên chưa quen với việc ngồi vào bàn học bài sau mỗi ngày đi học về. Đối với trẻ năm nay mới vào lớp 1 thì việc ngồi học bài 15-30 phút mỗi tối sẽ vô cùng khó khăn nếu không được tập thói quen này từ sớm.

Mẹ Phạm Ngọc Bích (Hà Nội) có 2 con, bé lớn năm nay học lớp 3 và bé nhỏ năm nay vào lớp 1 sẽ chia sẻ với các phụ huynh cách rèn nề nếp học cho con mà mẹ đã áp dụng thành công.

"Mình thấy nhiều bố mẹ rất lạ, khi con còn nhỏ, không rèn nếp học cho con, quan niệm: trẻ phải chơi, trường không được giao bài về nhà cho các con, về nhà phải thoải mái… nhưng khi lên cấp 2, khi khối lượng bài vở nhiều, con bắt buộc phải học thì bố mẹ lại trách con lười, sao học ít, sao không làm bài…

Nếu vẫn đang rát cổ hò con ngồi vào bàn học mà con không nghe, phụ huynh tham khảo ngay cách rèn nề nếp học của bà mẹ này - Ảnh 1.
 

Mình thì quan điểm rất rõ ràng, trẻ cần rèn nếp học càng sớm càng tốt. Vì vậy, từ khi con mình 3-4 tuổi, mình đã duy trì 1 nếp sinh hoạt cho con là tối tối ăn cơm xong, mẹ sẽ cùng con tô màu, cắt dán, vẽ… Thời gian không nhiều, tầm 15-30 phút thôi, nhưng để con quen với việc đến khung giờ đó là con sẽ cần ngồi tại bàn, nghiêm túc tập trung làm một công việc.

Con vào lớp 1, mình thỏa thuận với con: con học bài, sẽ làm bài ngay vào lúc chiều trong khi mẹ nấu cơm, tối con sẽ có một khoảng thời gian dài để chơi. Con đồng ‎ý. Và sau 1 tuần liền thực hiện, việc học bài khi đi học về là một thói quen của con mình. Tối đến, sau khi ăn cơm xong, trong khi các bạn bò ra học đến 10-11h thì con mình thảnh thơi xem vô tuyến, chơi đồ chơi, đi công viên, đi xem phim… và lên giường lúc 9h tối. Nếp học này con duy trì ngay cả khi không có mình ở nhà, con vẫn đều đặn làm những công việc đó, vì đơn giản nó đã thành thói quen của con. Nếu cô không giao bài, mình sẽ chủ động giao cho con, khi thì bài tập, khi thì đọc 1 cuốn sách, khi thì làm một việc gì đó bằng bút, giấy, kéo… công việc con yêu thích, nhưng dứt khoát là PHẢI LÀM.

Giờ con lên lớp 3, hôm qua là buổi học đầu tiên ở trường, gần như về nhà không có bài (con đã tranh thủ hoàn thành hết bài trên lớp). Nhưng về nhà, con vẫn ngồi vào bàn học đàng hoàng. Cô giao tập kể truyện Chú bé thông minh, con ngồi vẽ lại thành tranh và kể lại (khác với các bạn là đọc lại hoặc nhớ lại để kể). Con mất khoảng 1,5h để hoàn thành việc vẽ, tô và chỉnh sửa, khoảng 30 phút để tập kể, nhưng con làm với tâm thế hào hứng, vui vẻ và chủ động.

Nếu vẫn đang rát cổ hò con ngồi vào bàn học mà con không nghe, phụ huynh tham khảo ngay cách rèn nề nếp học của bà mẹ này - Ảnh 2.

Con lớn nhà mẹ Bích Ngọc đang kể lại câu chuyện Cậu bé thông minh bằng tranh. Con mất khoảng 1.5 giờ để hoàn thành bức vẽ này.

Bạn bé nhà mình, buổi đầu đi học, chính xác thì bài về nhà, thanh niên đại học chữ to làm hết trong vòng 1 phút 20 giây. Nhưng đứng lên thì ngượng với con chị đang hùng hục học như trâu, nên cũng thẽ thọt: mẹ cho con làm thêm toán và tiếng Anh đi. Khi đã có 1 tấm gương to đùng phía trước, việc của mình chỉ là động viên, khuyến khích con mà thôi!

Những lưu ý mình chia sẻ với các mẹ khi rèn nếp cho con:

- Trẻ cần được rèn nếp càng sớm càng tốt. Trẻ càng lớn càng khó rèn.

- Thời gian tăng dần theo tính cách của từng trẻ: 5 phút – 10 phút – 15 phút…

- Cha mẹ cần kiên trì, kiên định với việc rèn nếp. Đừng chỉ rèn trong 3-4 ngày rồi mải cho con đi chơi, lại quên mất, phải mất công rèn lại. Khi trẻ đã làm công việc đó đều đặn trong khoảng 7 – 10 ngày trẻ sẽ dần hình thành phản xạ có điều kiện và thành lập một thói quen.

- Cha mẹ nên giao bài một cách cụ thể cho con: ví dụ con làm bài A, bài B nhé; Con đọc quyển sách này nhé… đừng giao bằng mệnh lệnh chung chung: hôm nay ở nhà học đi con ơi, làm bài đi con nhé…

- Trẻ luôn cần sự động viên khích lệ một cách kịp thời: hôm nay con làm tốt quá; con vẽ đẹp thế; con làm được thế này là giỏi hơn mẹ rồi này; không sao, sai một tí thôi con ạ, sai mình sẽ sửa, con cố gắng hơn chút xíu nhé…

 
 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang