Ngày vía Thần tài: Cúng như thế nào để cả năm may mắn, tài lộc, phát đạt?

Vía Thần tài, tức là ngày mùng 10 tháng Giêng, vẫn được coi là ngày đẹp nhất trong năm, mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho mọi người. Vào ngày này, các công ty, cửa hàng, gia đình... có bàn thờ Thần tài đều sắm lễ vật cúng Thần tài Thổ địa.

Ngày vía được định nghĩa là ngày liên quan đến tâm linh, sự thay đổi linh hồn của một người. Ngày vía này có thể là ngày sinh, ngày mất, ngày thành đạo… Chẳng hạn “Lễ vía Đức Phật A Di Đà đản sanh 17-11 âm lịch” là ngày sinh, “ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo” là ngày thành đạo… Còn thần tài, theo ghi chép sớm nhất liên quan đến ngày sinh của thần tài là “Ngọc hạp ký” của Hứa Chân Quân, đời Tấn vào ngày 22 tháng 7 âm lịch. Hiện nhiều nơi ở Trung Quốc vẫn tổ chức đón thần tài vào ngày này.

Những năm gần đây xuất hiện trào lưu người dân đổ xô đi mua vàng trong ngày "vía thần tài" mùng 10 tháng Giêng, mong được may mắn tài lộc trong năm mới. Thực tế, ngày này chỉ là do một số người kinh doanh tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm, chứ không có tài liệu nào ghi chép, cũng như phong tục trong dân gian. Người dân có thể đi mua bán nhưng không nhất thiết phải chen lấn, mua giá cao trong ngày này.

Đầu năm, hầu hết các gia đình người Việt đều có lễ đón Thần tài theo phong tục dân gian cho rằng đầu năm cần chào đón thần tài từ thiên đình về hạ giới. Lịch trình cụ thể là mùng 2 làm lễ đón Hỷ thần (thần may mắn, hạnh phúc), mùng 3 đón Tài thần (thần tài lộc), mùng 4 là đón tiếp các vị thần khác từ thiên đình về hạ giới, mùng 5 là ngày phá trừ, dỡ bỏ đồ cúng. Riêng với các cửa hàng kinh doanh thì cúng Thần tài hàng ngày.

Nơi cúng lễ Thần tài

Việc làm lễ đón Thần tài được cho là rất quan trọng vì theo dân gian, có đón thần tài mới bổ sung thêm được tài lộc trong năm. Người làm kinh doanh, không làm kinh doanh đều làm lễ giống nhau, chỉ khác là địa điểm.

Người làm kinh doanh thờ thần tài nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được, vì bản thân "thổ địa" thờ tại nhà cũng kiêm chức năng của thần tài.

Nhiều người lễ ở nhà riêng thường đặt mâm cúng trước cửa, hay ngoài sân, ban công. Thực tế, cúng ngoài sân hay ngoài cửa dễ có "vãng vong", dân gian gọi là vong lang thang vào phá. Tốt nhất ở nhà riêng nên đặt mâm cúng trong nhà.

Thờ thần bao nhiêu thì vừa

Nhà đã có ban thờ thần linh, gia tiên thì không nên làm thêm ban thờ thần tài. Thờ nhiều thần thánh trong nhà sẽ làm gia đình bất hòa, con cái khó bảo hoặc gây ra những trục trặc khác. 

Nhiều nhà đặt cả Phật Di Lặc ngồi trên ban thờ thần tài, hay ban thờ thổ địa đặt riêng trên ban thờ thần tài... là không cần thiết và không nên, trong tâm linh là bất kính. Thực tế đo đạc bằng máy móc khoa học cũng thấy những trường hợp này gây ra trường khí nhiễu loạn, không ổn định. Nếu trót đặt nhiều ban thờ, nhiều bát hương nên làm lễ để thu gọn bớt lại.

Đồ lễ

Đồ lễ đơn giản, lễ vừa phải, không xa xỉ lãng phí mới được Thần tài chú ý. Đa phần chỉ cần hoa tươi, quả tươi, nước sạch. 

Cách sắp xếp ban thờ Thần tài Thổ địa. 

Những món đồ lễ nên có:

• 1 bình hoa (hoa đồng tiền, hoa cúc hoặc hoa hồng. Các mẹ lưu ý nên chọn hoa màu vàng)
• 5 loại trái cây
• 5 cây nhang
• 5 chén rượu
• 2 đèn cầy (hoặc nến cốc)
• 2 điếu thuốc
• 1 đĩa gạo
• 1 đĩa muối hột
• 2 miếng vàng bạc (Theo quan niệm ngày này mua vàng để lấy vía may nhưng đây không phải là đồ cúng bắt buộc) 
• 1 bộ tam sên đều đã luộc gồm: một miếng thịt ba chỉ, quả trứng, một con tôm hoặc cua. Có nhiều nơi còn thắp hương cả cá nướng 
• Vàng tiền thần tài

Nhiều nơi làm lễ cúng thần tài to hơn cả cúng tất niên là không cần thiết. Một số lưu ý:

- Hương: Có nơi cho rằng thắp vào sáng, có nơi cho rằng cần thắp vào chiều tối, thực ra là không cần thiết và không có quy định cụ thể. Có thể chọn giờ tốt cho cúng lễ trong ngày hoặc chọn ngày giờ tốt có sao tốt đến để kích hoạt trường khí dễ hơn.

- Nước: Chén để nước cần rửa sạch trước khi lấy nước mới. Chỉ cần một chén nước là đủ, chứ không phải ba hay năm chén. Nước không để quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm. Cẩn thận không để nước tràn ra hoặc đổ lên bàn.

- Hoa: Bình hoa có thể bằng thủy tinh, gốm sứ... đều được. Chỉ nên chọn hoa tươi, hoa có nụ và có hương thơm càng tốt. Không nên dùng hoa giả.

- Quả: Quả nên chọn loại tươi, ngon, nhìn nguyên vẹn, thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt... Cũng như hoa, không dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được.

- Đèn, nến: Đèn cúng là đèn thật như đèn dầu, nến. Không dùng đèn nhấp nháy, đèn điện... vì đều tạo ra trường khí xấu, ảnh hưởng đến việc thờ cúng.

Tam sên cúng ông Thần tài là lễ vật không thể thiếu.

Nội dung văn khấn (chỉ để tham khảo)

– Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
– Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
– Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là: ... Tuổi: ...
Ngụ tại: ...
Hôm nay là ngày ... tháng ... năm ... (âm lịch).
Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bầy ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị và chư vị tôn Thần.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!

Một vài lưu ý không được bỏ qua khi cúng Thần tài

- Theo tập tục từ xưa, bàn thờ Thần tài là một chiếc khảm nhỏ sơn son thếp vàng, bên trong khảm là bài vị Thần tài. Bàn thờ Thần tài nên được lập nơi góc nhà, chỗ thoáng mát.

- Trước bài vị Thần tài là bát hương kê trên một khay vàng giấy, hai bên bát hương là hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu. Trên bàn thờ có thể đốt 3 nén nhang hướng vào hướng Tây.

Thêm vào đó, chén nước đặt trên bàn thờ cần được rửa sạch mỗi khi thay nước mới và không nên quá đầy, cách miệng chén 1cm là được.

- Việc mua vàng được xem là việc không thể thiếu trong ngày lễ Thần Tài bởi theo tín ngưỡng từ xa xưa, việc mua vàng cũng đồng nghĩa với việc mang của cải vào nhà trong một ngày đặc biệt có sự phù hộ của vị thần quản lý tài sản. Điều này sẽ khiến cho tài vận của người mua vàng trở nên khởi sắc và ngày càng tốt đẹp trong năm đó.

- Bàn thờ Thần tài không được đặt sát nhà tắm, nếu không sẽ làm mất không khí tôn nghiêm. Nên đặt bàn thờ ở gần cửa. Đặt dưới đất hướng ra cửa để đón tài lộc.

- Không đặt bàn thờ Thần tài nhìn ra hướng Ngũ Quỷ: Đông Bắc, hướng Tây Nam. 

- Ngay từ sáng ngày mùng 10, các gia đình nên có những việc làm biểu thị sự chào đón Thần tài, chào đón tài lộc. Gia chủ nên tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề và mở tất cả các cửa nhà, cửa sổ đối diện với hướng Tây (hướng Tài Lộc) để đón nhận nguồn năng lượng tích cực và tài lộc cho cả nhà.

- Đọc đúng bài văn khấn Thần Tài là một trong những việc rất quan trọng, để cung thỉnh thần tài về, mọi nhà khi hành lễ nên đọc to bài văn khấn trong ngày cúng vía thần tài để mọi việc được hanh thông, gia chủ làm ăn buôn bán phát tài phát lộc.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang