Người phụ nữ đứng sau dự án Nhà Chống Lũ: Bà cụ chỉ có 10 nghìn đồng, căn nhà mục nát và chiếc quan tài vẫn có thể góp 50% vốn xây nhà an toàn, nên chúng tôi không làm từ thiện

Chị Jang Kều, người sáng lập và điều hành dự án Nhà Chống Lũ tiết lộ, trong hành trình 5 năm hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng của thiên tai xây dựng nhà an toàn, họ gặp hàng trăm trường hợp nghèo đến mức kiệt quệ. Nhưng không có ngoại lệ, tất cả Nhà Chống Lũ được dựng đều phải đảm bảo nguyên tắc tối thượng: Người thụ hưởng phải đóng góp 50% kinh phí dựng nhà.

Khi người ta bỏ tiền, bỏ công vào dựng nhà, người ta mới biết trân trọng

Trong những ngày miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, dự án Nhà Chống Lũ đang được quan tâm bởi tính hiệu quả cũng như sự an toàn của những ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng. Ngay ở Tân Hóa, Quảng Bình, nhiều người dân đã an toàn vượt lũ, không có ảnh hưởng nặng đến tính mạng hay tài sản.

Nhà Chống Lũ, đáng nói là không phải một dự án từ thiện, mà là dự án cộng đồng, trong đó nguyên tắc chung tay: Người thụ hưởng luôn phải đóng góp 50% vốn đối ứng và công sức của mình vào để xây dựng nhà an toàn cho chính mình. Có ý kiến cho rằng, giúp đỡ như thế là “nửa vời” (?!), “đã thương thì thương cho trót, người ta nghèo khổ thế rồi còn bắt đóng tiền”. 

Chị Jang Kều, người sáng lập dự án đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về vấn đề này. Chị tâm sự: “Với hầu hết người dân, dù có khó khăn thế nào họ cũng đều muốn gắn bó với quê hương, với căn nhà của mình. Đó là lý do Nhà Chống Lũ luôn muốn hỗ trợ để người dân cải tạo, sửa chữa hoặc xây lại căn nhà bị sập trên chính trên mảnh đất quê hương mà họ gắn bó. 

Người phụ nữ đứng sau dự án Nhà Chống Lũ: Bà cụ chỉ có 10 nghìn đồng, căn nhà mục nát và chiếc quan tài vẫn có thể góp 50% vốn xây nhà an toàn, nên chúng tôi không làm từ thiện - Ảnh 1.

Jang Kều - người phụ nữ đứng sau dự án Nhà Chống Lũ (Ảnh: NCL cung cấp)

Người dân luôn phải đóng góp 50% tiền đối ứng và công sức, tự thi công và cơi nới ngôi nhà của mình, còn đội ngũ Nhà Chống Lũ sẽ gợi ý phần “lõi” đảm bảo về kỹ thuật và an toàn trước thiên tai. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của chúng tôi. 

Chúng tôi quan niệm nếu bỏ thật nhiều tài chính và công sức vào việc sửa nhà cho chính mình, người dân sẽ biết giữ gìn, quý trọng hơn căn nhà đó. Còn với tư cách người hỗ trợ, chúng tôi không chỉ có thể đóng góp đơn thuần về tài chính, mà còn cả thời gian, năng lực chuyên môn một cách đúng đắn và hiệu quả”.

Chị Jang Kều nói thêm, dự án Nhà Chống Lũ không chỉ giúp người ta xây nhà, mà còn hỗ trợ thay đổi nhận thức. Khi có được căn nhà an toàn, họ mới thực sự vững vàng ước mơ cho tương lai, chứ không chỉ chờ đợi cứu trợ hàng năm. Hầu hết các hộ dân được dự án Nhà Chống Lũ hỗ trợ đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Khi nghe tin bão, người dân thường sẽ mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng và gia súc, gia cầm đến gác tránh lũ (nếu là nhà kê nền, nhà gác); sửa chữa gia cố nhà phao. Vì vậy, thiệt hại về người và của được hạn chế tối đa.

Người phụ nữ đứng sau dự án Nhà Chống Lũ: Bà cụ chỉ có 10 nghìn đồng, căn nhà mục nát và chiếc quan tài vẫn có thể góp 50% vốn xây nhà an toàn, nên chúng tôi không làm từ thiện - Ảnh 2.

(Ảnh: NCL cung cấp)

Không chỉ trong chuyện ứng phó với thiên tai, lũ đi qua nhà an toàn ở lại, mà nhiều người dân cũng chủ động, linh hoạt hơn trong cuộc sống, thay đổi những hành xử có hại cho thiên nhiên, đầu tư cho tương lai học hành của con, hỗ trợ những người khác thay đổi… Thành công đó, với đội ngũ làm dự án, quan trọng hơn hết thảy. 

Chuyện cụ bà xây nhà an toàn 50 triệu chỉ với “10 nghìn đồng, căn nhà nát và chiếc quan tài” 

Trong hành trình 5 năm cùng các cộng sự đi khảo sát và hỗ trợ xây dựng các nhà an toàn cũng như chia sẻ mô hình để người dân tự làm, chị Jang Kều khẳng định, mình đã gặp hàng trăm trường hợp ngặt nghèo, đầy những trăn trở trong lòng, nhưng dự án vẫn khăng khăng chỉ hỗ trợ một nửa.

Chị cứng rắn khẳng định, nguyên tắc chung tay đã được dự án áp dụng suốt 5 năm, chưa bao giờ có ngoại lệ và cũng sẽ không bao giờ có. “Nếu muốn đi xa thì phải kiên định và rõ ràng về tiêu chí. Chúng tôi không làm từ thiện mà chỉ hỗ trợ cộng đồng và không “nới”, “giãn” cho trường hợp đặc biệt nào, vì sẽ luôn tồn tại những trường hợp đặc biệt khác. 

Ai cũng không có tiền, ai cũng nghèo, nhưng đội ngũ Nhà Chống Lũ sẽ chia sẻ và tìm mọi cách sáng tạo nhất, đặt chân mình vào giày của họ xem họ có nguồn gì, cách gì để có thể tạo ra tiền mà góp vào dựng nhà cho chính mình. Ví dụ trường hợp một gia đình mà nhà báo Lương Hùng, cộng sự của chúng tôi khảo sát. Nhà đó không có tiền, không có tí tài sản nào, chỉ biết... xúc cát. Nếu bỏ tiền xây nhà cho họ ngay thì sai nguyên tắc. Anh Hùng đưa cho nhà đấy 200 nghìn để mua máy đóng gạch, để từ cát, họ làm ra thành phẩm, rồi hẹn khi làm ra đủ bao nhiêu đó gạch sẽ quay lại. Hoặc như người đồng bào ở Nam Trà My, tiền thì không có nhưng họ có thể lên rừng lấy lồ ô về bán, hoặc gom nhau lại thành nhóm, đổi công xây nhà cho nhau…”.

Người phụ nữ đứng sau dự án Nhà Chống Lũ: Bà cụ chỉ có 10 nghìn đồng, căn nhà mục nát và chiếc quan tài vẫn có thể góp 50% vốn xây nhà an toàn, nên chúng tôi không làm từ thiện - Ảnh 3.

(Ảnh: NCL cung cấp)

Chị vẫn nhớ như in trường hợp của một bà cụ, nhà bằng gỗ nghiêng vẹo 45 độ chỉ chực đổ, gỗ mốc xanh hết cả vì bị ngập nước suốt. Nhà chỉ có một chiếc bàn, hai cái ghế ọp ẹp và một tấm ván đặt lên mấy cây gỗ làm giường. Bà có ruộng, nhưng chưa kịp thu hoạch thì lũ cuốn hoa màu trôi sạch. Tất cả gia sản của bà là 10 nghìn đồng và một cái… quan tài gác lên gần mái nhà - một cái quan tài gỗ rất đẹp. 

Cách đó 3 năm, trong một trận lũ lớn, ông ra đi, để bà lại một mình. Lúc ông gần mất, bà cố gắng nổi lửa nấu cho ông bát cơm với quả trứng. Lũ qua, nước rút, người ta nhốn nháo lo dọn nhà, lo cho người sống, bà chỉ làm được cái đám ma đơn giản, chôn chồng với cái chiếu rách. Sau đó, tiền phúng viếng ông, lợi tức hoa màu, tiền mọi người cho, bà dồn hết vào để mua cho mình một cái quan tài để sẵn, nhỡ có chết thì vẫn hơn ông là có quan tài để chôn. 

Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng ai cũng có rất nhiều nỗi đau khổ, nhưng chúng ta còn muốn sống trong đó. Còn cụ bà ấy, bà không còn mơ ước sống nữa, mà chỉ vun vén cho cái chết của mình được đàng hoàng thôi. Đứng cạnh bà, tôi lặng thinh, nhưng vừa ra sân thì òa khóc. 

Tôi nói với anh Hùng, anh em mình nhất định phải làm được cho bà cái nhà, nhưng nhìn cảnh như thế, kiếm đâu được ra tiền? Nếu cho cụ này thì những người khác cũng có thể là ngoại lệ, rồi 150 nhà khác đã được khảo sát đang đợi thì sao” - chị nhớ lại.

Họ hỏi anh phó chủ tịch xã đi cùng, cái nhà này nếu bán gỗ đi theo kiểu gỗ củi thì được bao nhiêu, anh bảo chắc tầm 8 - 10 triệu. Họ tiếp tục hỏi về con của bà, người ta bảo bà có 3 cô con gái đã lấy chồng, nhà cũng khó khăn, lấy tiền đâu ra mà cho mẹ xây nhà. Con bà nghĩ, xây cái nhà mới phải vài trăm triệu. Thế rồi anh Hùng gọi cho từng cô, bảo là chúng tôi đã hỗ trợ rồi, nhưng các chị đi vay ở đâu để đóng góp, mỗi người gửi cho bà 6 triệu thôi là được. Cuối cùng, mọi người gom được 26 triệu, chi từ quỹ của Nhà Chống Lũ chi 25 triệu nữa để làm nhà mới. 

Chị Jang Kều xúc động khoe: “1 năm sau, trong một dịp chúng tôi đi khảo sát Nhà Chống Lũ ở xã khác, bà cụ biết tin đến thăm, rủ chúng tôi về thăm nhà. Bà cụ có vẻ khác lắm, không còn xanh xao như trước mà hồng hào hơn, tinh thần cũng phấn chấn, tươi tắn hơn trước. 

Những trường hợp như thế nhắc chúng tôi rằng, cần làm dự án cộng đồng bằng cái đầu lạnh và tính toán chỉn chu, sáng tạo, nghĩ cùng người dân nhưng không làm hư họ, không để họ mất tính tự chủ mà ỷ lại”.

Chúng tôi không mong nhận được thật nhiều tiền, mà cần hơn là những khối óc và trái tim

Người ta lập quỹ từ thiện, làm dự án chỉ mong gây quỹ được thật nhiều tiền, trong khi Nhà Chống Lũ lại… không muốn. Jang Kều chia sẻ, đội ngũ dự án làm việc từ sự thôi thúc của trái tim, nhưng được kiểm soát rất chặt chẽ, không hề cảm tính. Không phải có tin ai đó báo lên vùng này vùng kia cần được hỗ trợ là họ lao đi, mà luôn trải qua quá trình khảo sát, nghiên cứu địa hình, mô hình nhà an toàn, tư vấn, giám sát xây dựng… Hiện tại, họ đã lên kế hoạch cho đến năm 2021. 

Vì làm việc chậm mà chắc theo kiểu “cuốn chiếu” nên Nhà Chống Lũ cũng chẳng tham vọng có thể tự tay giúp đỡ quá nhiều người, mà luôn mong hỗ trợ người dân triển khai các nhà an toàn bằng cách gửi mô hình, hỗ trợ dự toán, cách thức thực hiện... Bởi thế, họ không mong muốn sẽ nhận được rất nhiều tiền, mà như người sáng lập chia sẻ, chỉ mong nhận trái tim và khối óc để có thể chia sẻ và giúp đỡ người khác. 

Người phụ nữ đứng sau dự án Nhà Chống Lũ: Bà cụ chỉ có 10 nghìn đồng, căn nhà mục nát và chiếc quan tài vẫn có thể góp 50% vốn xây nhà an toàn, nên chúng tôi không làm từ thiện - Ảnh 4.

(Ảnh: NCL cung cấp)

Nếu các bạn muốn hỗ trợ người dân làm nhà an toàn ở những vùng chúng tôi chưa tới, bạn hãy chủ động làm, chúng tôi có thể tư vấn mô hình, cách thức làm, dự toán. Nếu muốn hỗ trợ chúng tôi, các bạn có thể đóng góp tiền mua bộ neo cho các nhà phao, tặng vật phẩm thiết yếu cho gia đình, có thể hỗ trợ khả năng thiết kế nhà, trở thành tình nguyện viên cho Nhà Chống Lũ… Chúng tôi không có tiền lương trả cho bạn, nhưng có rất nhiều niềm vui tặng bạn.

Hoặc bạn có thể quyên góp hiện vật cho các tổ chức, cá nhân làm từ thiện khác. Tôi tin rằng tất cả sự đóng góp đều quan trọng và chân quý, quan trọng là minh bạch và từ trái tim.

Bạn cũng có thể ủng hộ bằng chính những hoạt động của mình hàng ngày: Tiết kiệm năng lượng, ít xả rác, tiêu dùng đúng mức, hạn chế đồ nhựa, đồ dùng một lần, trồng và thuyết phục người xung quanh mình trồng 1 cây xanh cho tương lai… Hãy tận dụng sức mạnh nội tâm của bạn để trở thành những nhà-chống-lũ bền vững, thế là bạn đã quyên góp rồi đó!”.

Sau 5 năm hoạt động, đội ngũ Dự án Nhà chống lũ và Sống Foundation đã:

- Quyên góp được 30 tỷ đồng gây quỹ

- Tạo ra 11 mô hình nhà an toàn, trong đó 1 mẫu là gia cố nhà trên nền có sẵn, 9 mẫu nhà chống lũ

- Đồng hành xây dựng được gần 700 căn nhà ở 11 tỉnh thành chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai

- Chung tay bảo vệ gần 3.500 người khỏi thiên tai, giúp họ có cuộc sống mới tươi đẹp hơn

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang