Bác sĩ Trương Vân Trúc, khoa tiết niệu, công tác tại Shu-Tien Urology Ophthalmology Clinic, chia sẻ về trường hợp cô Thanh (31 tuổi) sống tại Đài Loan. Năm ngoái, cô Thanh bắt đầu rèn luyện sức khỏe bằng cách tập Squat và xuất hiện các dấu hiệu đi tiểu nhiều lần, đau bụng vùng dưới. Thời gian đầu, cô Thanh mua thuốc tự điều trị nhưng triệu chứng không cải thiện, tần suất đi tiểu gia tăng, đau nhức vùng lưng và mất hứng thú tình dục nên cô Thanh đã đi khám.
Bác sĩ Trương Vân Trúc cho biết: "Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn chức năng sàn chậu. Nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu đa phần là do cơ sàn chậu vận động không đúng cách hoặc lao lực quá độ gây cứng cơ, lưu thông máu kém, thiếu oxy và kết dính khối cân. Theo kinh nghiệm lâm sàng, những năm gần đây, nhiều chị em phụ nữ muốn tăng cường sức khỏe nên tham gia chạy bộ, tập luyện các bài tập nặng hoặc squat quá độ, bỏ qua tầm quan trọng của việc khởi động trước khi tập dẫn đến rối loạn chức năng sàn chậu".
Ngoài ra, bác sĩ đề cập phụ nữ có thói quen ngồi xổm đi tiểu, ngồi lâu đứng lâu, ngồi vắt chéo chân, táo bón mãn tính, thừa cân, từng trải qua sinh nở đều có thể gây tổn thương đến các cơ sàn chậu, khiến cơ sàn chậu mất tính đàn hồi và ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ đau bụng vùng dưới, đi tiểu nhiều lần, chẳng hạn viêm bàng quang, viêm vùng chậu, táo bón, viêm bàng quang kẽ, bàng quang hoạt động quá mức, lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số đó có kèm theo rối loạn chức năng sàn chậu.
Bác sĩ Trương Vân Trúc chỉ ra, phương pháp điều trị trước tiên là cải thiện thói quen sinh hoạt, tạm ngừng tập luyện các bài tập Kegel, tăng cường chườm nóng, ngâm mình trong nước để thư giãn các nhóm cơ kết hợp với thuốc do bác sĩ kê đơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể sắp xếp bệnh nhân điều trị kích thích điện bằng ghế từ tính hoặc điều trị laser tầng sinh môn, một mặt nó làm giảm đau đớn của các dây thần kinh mẫn cảm, mặt khác nó thúc đẩy quá trình hình thành mao mạch, trao đổi chất và thư giãn cơ bắp.
Bác sĩ khuyến cáo, rối loạn chức năng sàn chậu có triệu chứng thường thấy là đau bụng vùng dưới, đi tiểu nhiều lần, đau khi quan hệ tình dục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, quan hệ vợ chồng và giao tiếp xã hội. Nếu xuất hiện các dấu hiệu trên thì mọi người cần đến bệnh viện khám.
Rối loạn chức năng sàn chậu là tình trạng khi các khối cơ và dây chằng vùng sàn chậu bị lão hóa và không có khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí của nó nữa. Rối loạn chức năng sàn chậu có thể gây ra do yếu tố tuổi tác hoặc ảnh hưởng từ quá trình mang thai ở người phụ nữ.
Theo số liệu thống kê, 1/3 phụ nữ sau sinh mắc chứng són tiểu trong đó 50% là phụ nữ trên 40 tuổi. Ngoài ra khoảng 40% phụ nữ từ 50 tuổi trở lên bị sa các cơ quan vùng chậu, cụ thể cứ 5 người thì sẽ có 1 người bị sa trên 2 cơ quan (sa bàng quang, sa tử cung, sa trực tràng).
Dấu hiệu của rối loạn chức năng sàn chậu
Trong trường hợp nghi ngờ, bạn có thể tham khảo những triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu dưới đây để xem mình có thực sự bị rối loạn chức năng sàn chậu hay không.
- Đường tiểu
Khi lao động nặng, chạy nhảy hoặc ho thì bị són tiểu.
Không nhịn tiểu được khi mắc tiểu.
Đi tiểu đêm nhiều lần.
Cảm giác mắc tiểu trở nên bất thường, tiểu nhiều lần trong ngày (trên 8 lần).
Khó tiểu
Tiểu không hết.
- Đi tiểu
Khi chạy nhảy, hắt hơi hoặc ho có cảm giác són phân, són hơi.
Không tự chủ được khi mắc đi tiểu hoặc khi muốn xì hơi.
Thường xuyên bị táo bón.
- Đường sinh dục
Sa bàng quang.
Sa tử cung.
Sa ruột, trực tràng.
- Rối loạn quan hệ tình dục
Có cảm giác đau khi quan hệ tình dục.
Cảm giác ham muốn bị suy giảm.
Cảm giác cửa mình rộng.
- Đau mãn tính vùng chậu
Thường có cảm giác đau ở vùng cửa mình, vùng thắt lưng chậu hoặc vùng bụng dưới
Theo Ettoday
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.