Đó là trường hợp nữ bệnh nhân (55 tuổi, ngụ tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đến khám với tình trạng da nhiều vùng da ở cánh tay phải bị viêm da tiếp xúc dị ứng kèm theo tình trạng đau rát. Theo bệnh sử, trước khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã đi tắm biển và bị sứa lửa tấn công.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận, cơ thể bệnh nhân nổi nhiều mảng hồng ban, sưng phù kèm những chỗ bị loét, chảy mủ và hoại tử . Vị trí bị tổn thương nghiêm trọng nhất trên cơ thể người bệnh là ở vùng cánh tay với những vết hoại tử sâu, nguy cơ để lại di chứng trên da.
ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng Điều hành Phòng Kế Hoạch Tổng Hợp – Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, từ đầu hè đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do sứa biển. Những trường hợp bệnh nhân đến sớm, được bác sĩ điều trị kịp thời bằng các thuốc uống và thoa đặc hiệu giúp phục hồi nhanh chóng tình trạng viêm da.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân tự điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nhiễm trùng, chảy dịch, loét da hoặc thương tổn lan rộng điều trị khó khăn hơn; có trường hợp phải dùng thuốc toàn thân như kháng sinh, kháng viêm mạnh mới kiểm soát được.
Bác sĩ Nhi cho biết, sứa biển có chứa nhiều nọc độc có thể gây ra các triệu chứng như bỏng rát, sưng tấy, mẩn đỏ, ngứa ngáy, thậm chí là loét da và hoại tử nếu không được xử lý kịp thời. Người dân không nên tắm biển vào mùa sứa dạt vào bờ. Bệnh nhân bị sứa đốt cần theo dõi, điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.