Trên thực tế, bạn không mất đi khả năng kiểm soát nhiệt độ khi bị lên cơn sốt. Raj Dasgupta, chuyên gia y khoa kiêm phó giáo sư tại Đại học Y Nam California Keck cho biết, cơ thể chỉ điều chỉnh mức nhiệt cao hơn so với bình thường.
Nhìn chung, 37 độ C được coi là nhiệt độ cơ thể bình thường. Tuy nhiên, con số này không hoàn toàn chính xác, chỉ mang tính ước lượng. Mỗi người hữu một nhiệt độ cơ thể riêng và chúng thực sự có thể dao động lên xuống trong ngày. Thói quen ăn uống, mặc quần áo, tập thể dục hoặc thậm chí là những thay đổi về cảm xúc cũng tác động tới nhiệt độ cơ thể. Theo Nita Parikh, bác sĩ nội khoa tại Tổ chức Community Care Physologists ở Latham, nhiệt độ cơ thể vượt quá 37,7 độ C là dấu hiệu của sốt nhẹ.
Khi cơn sốt có xu hướng thuyên giảm, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách tăng tiết mồ hôi và làm giãn mạch máu trên da. Chuyên gia Dasgupta giải thích, quá trình này đòi hỏi khả năng giữ cân bằng chặt chẽ giữa tăng nhiệt và hạ nhiệt. Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể tương tự như lò sưởi trong nhà.
Dù cơn sốt bắt nguồn từ cúm, cảm lạnh, viêm phổi hay tình trạng nào khác, mọi người nên tham khảo những biện pháp khắc phục dưới đây để nhanh chóng lấy lại sức khỏe:
Bổ sung nước để giữ nước cho cơ thể
Khi nóng, cơ thể sẽ tăng đổ mồ hôi nhằm hạ nhiệt. Tuy nhiên, nếu bạn mất quá nhiều nước do sốt cao, chúng sẽ ngăn chặn quá trình này để tránh mất nước thêm, từ đó kéo dài thời gian nhiễm bệnh. Vì vậy, bổ sung nước thường xuyên là việc làm rất quan trọng khi bị sốt.
Không ít người lựa chọn uống nước ép trái cây vì nghĩ việc làm này vừa giữ nước lại tăng cường chất dinh dưỡng cho cơ thể chống lại cơn sốt. Tuy nhiên, dù có bổ dưỡng đến đâu, uống quá nhiều nước ép cô đặc khi sốt cũng có thể gây tiêu chảy. Do đó, bạn nên chú ý pha loãng với nước để cơ thể dễ hấp thụ hơn.
Ngoài ra, không chỉ cung cấp chất lỏng cần thiết, một số loại trà còn có khả năng làm dịu cơn sốt đáng kể. Trà hoa cúc sở hữu đặc tính giảm viêm trong khi trà cỏ xạ hương lại giúp kháng khuẩn và thúc đẩy cơ thể tăng tiết mồ hôi.
Có thể dùng nước đá
Nếu bạn quá buồn nôn và không thể uống nước bình thường, hãy chuyển sang nước đá. Đông lạnh nước trái cây pha loãng trong một khay đá là ý tưởng đầy sáng tạo của không ít người để bổ sung nước.
Dùng hơi nước
Sự bay hơi cũng có tác dụng làm mát cơ thể. Mary Ann Pane, bác sĩ kiêm y tá ở Philadelphia cho biết, làm mát da bằng hơi nước có thể giúp giảm nhiệt đáng kể. Mọi người nên đặc biệt chú ý tới những khu vực nóng nhất như vùng nách và vùng háng. Hãy dùng khăn đã vắt khô lau từng bộ phận này rồi nhiệt độ cơ thể sẽ khiến hơi nước bay hơi, từ đó làm mát da.
Uống thuốc
Nếu bạn cảm thấy rất khó chịu, hãy dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Đối với người lớn, aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen có thể được sử dụng mà không cần tới sự cho phép của bác sĩ. Hơn nữa, các loại thuốc này cũng ít gây nên tác dụng phụ.
Aspirin và ibuprofen là các thuốc chống viêm không steroid phổ biến nên chúng có hiệu quả hơn trong việc giảm đau cơ và viêm. Trong khi đó, acetaminophen lại được khuyên dùng cho người mắc bệnh về đường tiêu hóa hoặc bị dị ứng với aspirin.
Thay đổi quần áo
Nếu bạn cảm thấy rất nóng, hãy cởi thêm quần áo và không đắp chăn để giảm bớt nhiệt độ. Trong trường hợp lạnh, hãy mặc thêm cho đến khi bạn thấy thoải mái.
Ăn uống
Hầu hết mọi người đều không muốn ăn khi họ bị sốt và lúc này cơ thể cần bổ sung nhiều chất lỏng hơn. Theo chuyên gia Maleskey, một khi cảm giác thèm ăn bắt đầu trở lại, bạn có thể dùng một vài món ăn giúp tăng cường khả năng hồi phục. Bánh mì nướng, trứng cuộn và súp gà là những thực phẩm nên tiêu thụ khi bị lên cơn sốt.
(Nguồn: Pre)
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.