Ngày 9/10, một bồi thẩm đoàn ở California, đã bác bỏ cáo buộc bột talc là nguyên nhân gây ung thư trung biểu mô của giáo viên 60 tuổi Carolyn Weirick. Phán quyết được đưa ra sau năm tuần tái thẩm. Trước đó, ngày 8/10, một thẩm phán tại Fulton (thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ) ra phán quyết vô hiệu với phiên xử về mối liên quan giữa phấn rôm trẻ em làm từ bột talc (tan) của Johnson & Johnson và căn bệnh ung thư buồng trứng của bà Diane Brower. Phiên tòa khép lại sau ba ngày nghị án và gần ba tuần lấy lời khai. Bồi thẩm đoàn đã không thể đưa ra một phán quyết thống nhất về việc liệu bà Diane Brower qua đời năm 2016 có phải vì dùng phấn rôm trẻ em suốt nhiều năm hay không.
Tại phiên xử, luật sư James Smith thuộc văn phòng luật Blank Rome đã trình lên các nghiên cứu kết luận rằng bột talc chuẩn mỹ phẩm không gây ung thư. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết không có bất kỳ nghiên cứu hợp lệ nào có thể chứng minh bột talc có thể di chuyển từ tầng sinh môn của phụ nữ đến buồng trứng. Đây là vụ kiện đầu tiên tại Georgia chống lại gã khổng lồ hàng tiêu dùng Johnson & Johnson.
Vào đầu tháng 8, một thẩm phán tại Kentucky cũng đã bác bỏ cáo buộc cho rằng phấn rôm của hãng này có chứa amiăng và gây ra ung thư trung biểu mô. Phiên tòa kết thúc sau 2 tuần xét xử. Đây là vụ kiện thứ 6 Johnson & Johnson giành chiến thắng trong một năm qua với cáo buộc này. Tất cả phán quyết bất lợi đều được đảo ngược sau khi kháng cáo.
Đầu tháng 4, Johnson & Johnson được xử thắng kiện trong một phiên tòa ở Long Beach. Bồi thẩm đoàn đã bác đơn kiện của một giáo viên về hưu 65 tuổi cáo buộc sản phẩm của hãng có chứa amiăng.
Cuối tháng 3, một tòa án ở bang New Jersey cũng ra phán quyết Johnson & Johnson không phải chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ việc ông Ricardo Rimondi cáo buộc phấn rôm của công ty gây ung thư trung biểu mô. Cùng ngày, hãng đạt thoả thuận với ba người khác với các vụ kiện có cáo buộc tương tự.
Johnson & Johnson đã giành thắng lợi sau kháng cáo hàng loạt vụ kiện cáo buộc sản phẩm phấn Johnson’s Baby của hãng có chứa amiăng gây ung thư
Talc là loại bột tinh chế từ khoáng chất mịn nhất trên thế giới, có màu trắng và mịn. Đây là chất được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực y tế và hóa mỹ phẩm tại hàng loạt quốc gia phát triển (như Mỹ, Canada, châu Âu) nhờ tính trơ, an toàn và khả năng hút ẩm. Theo yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), quặng talc phải được kiểm nghiệm nghiêm ngặt trước khi nghiền thành bột, để đảm bảo không chứa amiăng.
Tính đến hiện tại, chưa một cơ quan y tế chính phủ nào kết luận bột talc có thể gây ung thư buồng trứng. Viện Y tế Quốc gia Mỹ và nhiều nhà nghiên cứu trên toàn cầu không tìm ra bằng chứng về việc để cơ quan sinh dục tăng tiếp xúc với bột talc sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng ở phụ nữ.
Một số nghiên cứu lớn khác trên thế giới về sức khỏe phụ nữ đã chỉ ra điều này. Nghiên cứu Sức khỏe Điều dưỡng (The Nurses’ Health Study) được thực hiện trong 14 năm trên 31.344 phụ nữ sử dụng bột talc thường xuyên. Kết quả là không có sự gia tăng tỷ lệ ung thư buồng trứng với những người này. Nghiên cứu Hành động vì Sức khỏe Phụ nữ (WHI) với 15 năm theo dõi hơn 61.500 phụ nữ cũng cho ra kết quả tương tự.
Thực tế, bột talc (tan) được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có mỹ phẩm và y tế
Thậm chí, dù một số nghiên cứu có gợi ý về mối liên hệ giữa hai việc này, ngay cả những người thực hiện chúng cũng nghi ngờ kết quả của mình. Do phần lớn nghiên cứu được thực hiện bằng cách khảo sát phụ nữ về thói quen sử dụng bột phấn nhiều năm sau đó.
Joellen Schildkraut - nhà dịch tễ học kiêm giáo sư tại Đại học Virginia cho biết các nghiên cứu về vấn đề này, kể cả của chính bà, đều không đáp ứng được yêu cầu về nguyên nhân – hệ quả. Một phần là do giới truyền thông đưa tin, và mọi người lan truyền nhau về sự nghi ngờ tính an toàn của bột talc đã làm sai lệch nhận thức và trí nhớ của mọi người. Việc này có thể ảnh hưởng đến lời kể của họ về thói quen sử dụng bột talc.
Nói cách khác, sau khi các báo cáo về bột talc gây chú ý, ngày càng nhiều người bắt đầu tuyên bố họ từng dùng sản phẩm này. “Đó là điểm đáng chú ý. Tôi không cho rằng số liệu thu được có tính thuyết phục”, bà nhận định.
Nhà dịch tễ học chuyên về ung thư - Paul Pharoah là chuyên gia hàng đầu về các nguy cơ với bột phấn trẻ em, cũng là giáo sư tại Đại học Cambridge cũng đồng tình với Schildkraut.
“Trong khoa học, chứng minh một thứ gì đó tiêu cực là điều gần như không thể”, ông nói, “Đó là một trong những vấn đề về thuyết âm mưu trong khoa học”. Pharoah cho rằng thật vô lý khi nói phụ nữ dùng phấn rôm thường xuyên sẽ có khả năng cao bị ung thư buồng trứng mà không phải là các loại ung thư khác trong cơ thể. Ông cũng bổ sung rằng không có kết luận nào về việc tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, âm đạo hay nội mạc tử cung khi sử dụng talc cả.
Johnson & Johnson cho biết họ rất “đồng cảm với bất kỳ ai mắc phải ung thư và hiểu rằng các bệnh nhân và gia đình họ đều đang tìm kiếm câu trả lời”. Tuy nhiên, hàng nghìn cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi cả công ty, giới chức, các phòng thí nghiệm độc lập và tổ chức nghiên cứu đã chỉ ra bột talc của họ không chứa amiăng. Johnson & Johnson khẳng định hàng thập kỷ qua, họ vẫn hợp tác đầy đủ với FDA và giới chức toàn cầu, sử dụng “các phương pháp thử nghiệm tân tiến nhất” để đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Nguyễn Hoàng
Theo Lamchame.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.